Theo đó, nhằm mục đích phát hiện, thu hút, lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức, đáp ứng vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Bộ Nội vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đổi mới công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.
Mặt khác, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong quá trình tổ chức triển khai thi tuyển lãnh đạo quản lý. Nội dung thi phải bám sát, phù hợp với yêu cầu về chuyên môn, lãnh đạo, quản lý của từng vị trí thi tuyển; cách thức thi phải bảo đảm lựa chọn được người thực sự có đức, có tài, phù hợp với yêu cầu công việc của từng vị trí bổ nhiệm.
Đối tượng dự thi
Công chức, viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh thi tuyển đang công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh thi tuyển.
Công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; đang công tác tại các Bộ, ngành, địa phương khác nếu có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh thi tuyển và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh thi tuyển.
Công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh thi tuyển hoặc chức danh tương đương thi tuyển (bao gồm cả trường hợp không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh thi tuyển và có thể không phải là đảng viên) được tập thể Lãnh đạo Bộ (lãnh đạo đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển) đề cử và được Ban Cán sự đảng Bộ (cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó) đồng ý bằng văn bản.
Công chức, viên chức dự thi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 này nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được dự thi ở vị trí lãnh đạo quản lý cao hơn không quá 02 cấp so với chức vụ hiện giữ; nếu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức hoặc có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực (nếu có) theo quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh thi tuyển.
Công chức, viên chức dự thi quy định tại Khoản 3 Điều 4 này nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được dự thi ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ; nếu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực tối thiểu 03 năm (không kể thời gian tập sự, thử việc) và chỉ được dự thi chức danh Phó Trưởng phòng và tương đương.
Công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch tại chỗ vào chức danh cần thi tuyển, đủ điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm phải đăng ký dự thi; nếu không đăng ký dự thi thì không được đăng ký dự thi vào các chức danh khác và hàng năm khi rà soát danh sách quy hoạch sẽ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 4 này được quyền không đăng ký tham gia dự tuyển trong các trường hợp sau: Đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức hoặc bị ốm đau đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên xác nhận. Đang trong thời gian được cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Cán bộ, công chứ, viên chức nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản.
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung, đối tượng dự thi cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể. Căn cứ chức danh lãnh đạo cần thi tuyển, các quy định hiện hành của Nhà nước, của Bộ Nội vụ, các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể của chức danh thi tuyển sẽ được thông báo trong Kế hoạch thi tuyển.
Tổ chức thi tuyển, được chia làm 2 phần:
Thi viết, kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự thi và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định.
Đề thi viết được Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn trong ngân hàng đề thi do Ban ra đề thi chuẩn bị. Thời gian thi viết là 180 phút và được chấm theo thang điểm 100…
Thi trình bày đề án gồm, đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự thi nếu được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham dự. Lãnh đạo Bộ (lãnh đạo đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển) sẽ quyết định chủ đề cụ thể của Đề án phù hợp với từng chức danh thi tuyển.
Thời gian trình bày Đề án tối đa 30 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn về Đề án 30 – 40 phút.
Điểm trình bày Đề án được chấm theo thang điểm 100. Cơ cấu điểm gồm 3 phần: (1) Xây dựng Đề án: 20 điểu; (2) Bảo vệ Đề án: 40 điểm; (3) Trả lời các câu hỏi chất vấn: 40 điểm…
Trường hợp có từ 02 người có điểm cao nhất bằng nhau trở lên, Hội đồng thi tuyển báo cáo để lấy ý kiến tập thể Lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự đảng Bộ (lãnh đạo và cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm) xem xét, quyết định người trúng tuyển. Quy định khi xem xét thứ tự ưu tiên: (1) Ưu tiên nữ (đối với đơn vị chưa có Lãnh đạo là nữ); (2) Người giữ chức vụ cao hơn; (3) Nếu cùng giữ chức vụ tương đương thì ưu tiên người có thời gian giữ chức vụ lâu hơn; (4) Nếu không giữ chức vụ lãnh đạo thì ưu tiên người có thâm niên công tác lâu hơn trong lĩnh vực phù hợp với chức danh thi tuyển…
Xem toàn văn Quyết định số 2631/QĐ-BNV và Mẫu đơn đăng ký dự thi: Tại đây