BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo góp ý các văn bản trình Bộ Chính trị về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính do lịch sử để lại giữa tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hòa Bình

Sáng ngày 19/5/2017, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo trong Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án 513 và Đoàn công tác liên ngành Trung ương để xin ý kiến hoàn thiện dự thảo các Tờ trình của Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính do lịch sử để lại giữa tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng (tại 01 khu vực), giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hòa Bình (01 khu vực).

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng chủ trì Hội thảo.

 

 Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng, Giám đốc Dự án 513 phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan Trung ương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Dự án 513, các thành viên Đoàn công tác liên ngành Trung ương giải quyết tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 513 kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Dự án 513 cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9840/VPCP-NC ngày 24/11/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính do lịch sử để lại, Bộ Nội vụ đã thành lập Đoàn công tác liên ngành Trung ương gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và đại diện các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế và lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện các hộ gia đình hiện đang sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn khu vực tranh chấp địa giới hành chính giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hòa Bình tại khu vực Suối Xia, giáp ranh giữa xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa và các xã Vạn Mai, Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; giữa tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng tại khu vực Nông trường Quý Cao, giáp ranh giữa các xã Quang Trung, Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương và các xã Đại Thắng, Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Ban Cán sự đảng các Bộ, ngành, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Tờ trình của Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hòa Bình tại khu vực Suối Xia, giữa tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng tại khu vực Nông trường Quý Cao.

Ông Vũ Đình Khang, Chuyên viên chính Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, Phó Giám đốc Dự án 513 trình bày tóm tắt Tờ trình của Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Vũ Đình Khang, Chuyên viên chính Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, Phó Giám đốc Dự án 513 trình bày tóm tắt dự thảo các Tờ trình của Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa các địa phương trên. Nội dung các văn bản đã đưa ra các phương án xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hòa Bình, giữa tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng tại các khu vực tranh chấp chưa xác định được địa giới hành chính để lấy ý kiến của các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai Dự án 513 và Đoàn công tác liên ngành Trung ương trước khi trình Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình xin ý kiến Bộ Chính trị.

Qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo các Tờ trình. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, dự thảo các Tờ trình cần bổ sung thêm các phương án giải quyết trên cơ sở quan điểm của chính quyền và nhân dân các địa phương tại khu vực có tranh chấp địa giới hành chính, đồng thời đánh giá những thuận lợi, khó khăn của từng phương án để từ đó đề xuất phương án phù hợp. Dự thảo các Tờ trình phải nêu rõ được lịch sử của việc tranh chấp địa giới hành chính, làm rõ hiện trạng tranh chấp cụ thể như: diện tích mặt nước, diện tích đất, rừng tự nhiên, rừng trồng, số hộ dân cư đang sinh sống và doanh nghiệp đang hoạt động do tỉnh nào đang quản lý. Dự thảo Tờ trình cần được xây dựng ngắn gọn, súc tích, đầy đủ thông tin, tập trung vào những vấn đề cần giải quyết.

Các đại biểu đều thống nhất, trong tình hình hiện nay, việc xác định địa giới hành chính giữa các địa phương cần được trình cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, tránh để kéo dài nhằm sớm ổn định đời sống cho nhân dân tại các khu vực có tranh chấp, bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích của địa phương cũng như thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của chính quyền và đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ trân trọng cảm ơn, khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các Tờ trình, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình xin ý kiến Bộ Chính trị.

Toàn cảnh Hội thảo