Theo đó, Thông tư này hướng dẫn chung về thủ tục thành lập, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phê duyệt quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên.
Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình hoạt động của đơn vị. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý và pháp luật chuyên ngành, trường hợp cần thiết, các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc thành lập Hội đồng quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 của Thông tư này.
Hội đồng quản lý là đại diện của Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập. Hội đồng quản lý quyết định về chủ trương, phương hướng, kế hoạch hoạt động, tài chính và công tác nhân sự; kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Về điều kiện thành lập, các đơn vị sự nghiệp công lập phải đáp ứng đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp và được cơ quan có thẩm quyền công nhận, quyết định giao tài sản theo quy định của pháp luật.
Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý
Đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Thông tư này lập hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Thông tư này để được xem xét, quyết định thành lập Hội đồng quản lý. Hồ sơ đề nghị gồm: 1- Văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý; 2- Đề án thành lập Hội đồng quản lý; 3- Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý; trong đó, xác định rõ mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên; 4- Các tài liệu liên quan chứng minh đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này; 5- Các giấy tờ có liên quan khác (nếu có).
Vụ Tổ chức cán bộ hoặc Ban Tổ chức cán bộ là tổ chức thẩm định đối với việc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan Trung ương. Sở Nội vụ là cơ quan thẩm định đối với việc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Căn cứ quy định tại Điều 2 Thông tư này và văn bản đề nghị thành lập, văn bản thẩm định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Thông tư này xem xét, quyết định thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề án thành lập Hội đồng quản lý
Đề án thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập do đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng, trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập. Nội dung Đề án, bao gồm: sự cần thiết và cơ sở pháp lý; vị trí, chức năng; nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức; dự kiến phương án nhân sự của Hội đồng quản lý; kiến nghị của cơ quan xây dựng Đề án thành lập Hội đồng quản lý (nếu có) và các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp.
Cơ cấu tổ chức Hội đồng quản lý
Thông tư nêu rõ, Hội đồng quản lý có từ 05 đến 11 thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý là 5 năm.
Cơ cấu và số lượng thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp. Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập trong Hội đồng quản lý gồm đại diện của Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 7 năm 2016./.