Theo đó, Vị trí và chức năng của Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm: Cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị; quản lý nghĩa trang, trừ nghĩa trang liệt sỹ; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, không bao gồm việc quản lý khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị); nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; về các dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở… Riêng đối với Sở Xây dựng thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc.
Về nhiệm vụ và quyền hạn, Sở Xây dựng có trách nhiệm trình UBND tỉnh: dự thảo các quyết định, chỉ thị, các văn bản quy định việc phân công, phân cấp và Ủy quyền trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của UBND cấp tỉnh; dự thảo quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm, các chương trình, dự án trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở được UBND cấp tỉnh giao; dự thảo chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với mục tiêu và nội dung chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của UBND cấp tỉnh; dự thảo các văn bản quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị trực thuộc Sở; cấp trưởng, cấp phó của Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện. Trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh: dự thảo các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch UBND cấp tỉnh về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở; dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại, giải thể các đưon vị trực thuộc Sở theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ cấu tổ chức, Sở Xây dựng có Giám đốc và không quá 3 Phó giám đốc. Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng; báo cáo trước Hội đồng nhân dân, trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo yêu cầu.
Phó giám đốc Sở là người giúp Giám đốc Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Sở. Việc bổ nhiệm Giám đốc Sở và Phó giám đốc Sở do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Xây dựng ban hành và theo các quy định của pháp luật; việc miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với Giám đốc Sở và Phó giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Giám đốc và Phó Giám đốc Sở không kiêm chức danh Trưởng của đơn vị cấp dưới có tư cách pháp nhân.
Đối với các tỉnh, cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng không quá 8 đơn vị, bao gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Quy hoạch - kiến trúc; Phòng Phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Chi cục Giám định xây dựng. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật được tách ra thành: Phòng Phát triển đô thị và Phòng Hạ tầng kỹ thuật và bổ sung thêm Phòng Cấp phép xây dựng. Riêng đối với Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không thành lập Phòng Quy hoạch - Kiến trúc, được thành lập Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Phòng Tổ chức cán bộ và giữ nguyên Phòng Pháp chế như hiện nay.
Đối với các thành phố trực thuộc TW, cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng không quá 10 đơn vị, cụ thể như sau: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Quy hoạch - Kiến trúc; Phòng Phát triển đô thị; Phòng Hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Cấp phép xây dựng; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý nhà nước và thị trường BĐS; Chi cục Giám định xây dựng.
Đơn vị sự nghiệp gồm có Trung tâm (hoặc Viện) Quy hoạch xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng, hoặc trực thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Riêng đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Quy hoạch xây dựng trực thuộc UBND Thành phố. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Sở Xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm thi hành, UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Xây dựng trên địa bàn. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch này và văn bản pháp luật có liên quan; hướng dẫn UBND cấp huyện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện. Bố trí biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc; của Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng theo vị trí việc làm. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện quản lý nhà nước về xây dựng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.