Theo đó, Thông tư liên tịch số 35 quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Theo Thông tư liên tịch số 35, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được phân thành 3 hạng, bao gồm:
- Kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động (hạng II): Mã số: V.09.03.01
- Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động (hạng III): Mã số: V.09.03.02
- Kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (hạng IV): Mã số: V.09.03.03
Ngoài tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, Thông tư liên tịch số 35 cũng quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với từng hạng chức danh kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Cụ thể:
Về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Đối với kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động hạng II: tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với phạm vi thực hiện kiểm định; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Thông tư số 01); có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (Thông tư số 03); có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động (hạng II).
Đối với kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động hạng III: tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với phạm vi thực hiện kiểm định; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đối với kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật án toàn lao động hạng IV: tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật; có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin sơ bản theo quy định tại Thông tư số 03 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
Đối với kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động hạng II, có: năng lực chủ trì tổ chức, triển khai các hoạt động nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực kiểm định; năng lực tổ chức phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; khả năng hướng dẫn nghiệp vụ về lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phù hợp với chuyên ngành được đào tạo; đã chủ trì 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh ở mước đạt trở lên liên quan đến lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động hoặc tham gia ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên liên quan đến lĩnh vực kiểm định.
Đối với kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động hạng III, có khả năng: làm việc độc lập và hực hiện các nghiệp vụ về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong phạm vi được phân công phù hợp với chuyên ngành đào tạo; nắm bắt và áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phù hợp với chuyên ngành được đào tạo; chủ trì phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác kiểm định kỹ thuật án toàn phù hợp với chuyên ngành đào tạo; hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm và tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; nhận biết được các nguy cơ sự cố và thiết lập biện pháp phòng ngừa sự cố trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm định.
Đối với kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật án toàn lao động hạng IV, có khả năng: độc lập, chủ động và khả năng làm việc theo nhóm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; sử dụng thành thạo các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; nắm vững nguyên lý, cấu tạo của các thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác kiểm định; nắm vững quy trình kiểm định và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan đến đối tượng kiểm định được phân công; nắm vững các quy định về an toàn trong sử dụng điện, cơ khí, thiết bị chịu áp lực và các quy định về phòng chống cháy nổ.
Về tiêu chuẩn thăng hạng chức danh kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động
Viên chức thăng hạng từ chức danh kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động hạng III lên chức danh kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động hạng II phải đáp ứng đầy đủ các quy định các khoản 2, 3 Điều này và có thời gian giữ chức danh kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu là 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động (hạng III) tối thiểu là 02 (hai) năm.
Viên chức thăng hạng từ chức danh kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động hạng IV lên chức danh kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động hạng III phải đáp ứng đầy đủ các khoản 2, 3 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động hạng IV, như sau: (a) tối thiểu là 02 (hai) năm đối với trường hợp tuyển dụng lần đầu vào chức danh kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (hạng IV) có trình độ tốt nghiệp cao đẳng. (b) tối thiểu 03 (ba) năm đối với trường hợp tuyển dụng lần đầu vào chức danh kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (hạng IV) có trình độ tốt nghiệp trung cấp.
Căn cứ vào vị trí việc làm làm nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp
Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động hạng II đối với viên chức hiện đang giữ ngạch kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động, mã số ngạch 24.275. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động hạng III đối với viên chức hiện đang giữ ngạch kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động, mã số ngạch 24.276. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động hạng IV đối với viên chức hiện đang giữ ngạch kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, mã số ngạch 24.277.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 35 cũng quy định nhiệm vụ cụ thể và cách xếp lương đối với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của từng kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động các hạng II, III và IV.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 10 năm 2015.