BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức

Ngày 29 tháng 5 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 187 của Bộ luật Lao động đối với 02 đối tượng, bao gồm: Cán bộ công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh được quy định cụ thể tại Nghị định và Những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Nghị định quy định 04 nguyên tắc thực hiện việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Cụ thể: Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định; Cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động nhưng phải đảm bảo tuổi nghỉ hưu đối với các trường hợp này không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ; Cán bộ công chức quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Trong thời gian thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.

Về điều kiện để nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, cán bộ, công chức thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải đáp ứng 02 điều kiện: Có sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ và Không đang trong thời kỳ bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.

Nghị định cũng quy định về thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Theo đó, đối với cán bộ, công chức quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm nhưng không vượt quá 60 tuổi. Đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm nhưng không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2015. Riêng với các quy định về việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015. Nghị định có hiệu lực thi hành sẽ bãi bỏ các quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức đã ban hành trái với quy định tại Nghị định này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khác quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo phân cấp quản lý. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm kiểm tra và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Xem toàn văn Nghị định tại đây.