Ngày 29/01/2024, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Các đồng chí: Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân (CAND)… Hội thảo được kết nối trực tuyến đến điểm cầu Công an các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh: Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, qua từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử cách mạng, lực lượng CAND luôn đặc biệt coi trọng công tác thi đua - khen thưởng. Bộ Công an đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, lấy nhiệm vụ chính trị làm nội dung thi đua hướng vào giải quyết các công việc trọng tâm, cấp bách, các nhiệm vụ cam go, phức tạp, góp phần tạo động lực to lớn, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng quân và dân cả nước làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc qua từng giai đoạn cách mạng.
Đặc biệt, đã tổ chức phát động xuyên suốt hằng năm phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc" và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn kết chặt chẽ với việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đồng chí Thứ trưởng mong muốn, Hội thảo sẽ có nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết, luận giải sâu sắc, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, kiến nghị, đề xuất những giải pháp quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị ngày 07/4/2014 “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, có thể nhận thấy công tác thi đua, khen thưởng đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định trong việc đoàn kết tập hợp mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay xây dựng, phát triển đất nước ngày càng phồn thịnh.
Các kết quả đạt được của Hội thảo hôm nay sẽ là một kênh thông tin giúp các cơ quan có cơ sở để tổng kết, đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị để từ đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị ban hành Chỉ thị mới của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay” với giải pháp tập trung vào sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo quản lý, đảng viên; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; văn hóa trong thực hiện thi đua, khen thưởng; kiểm soát quyền lực trong công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới công tác tuyên truyền gương điển hình tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin...
Với tinh thần trên, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung chính trong việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị trong CAND; thực trạng và giải pháp thúc đẩy công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Chỉ ra quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về thi đua trong chủ nghĩa xã hội, PGS.TS Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Theo C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, mỗi chế độ xã hội khác nhau thi đua được thực hiện theo cách khác nhau. Chế độ xã hội chủ nghĩa tạo cơ sở cho thi đua trở nên lành mạnh, tích cực, hiệu quả, phát huy tốt nhất những năng lực, phẩm chất của con người. Điều này có ý nghĩa đối với Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hướng đến sự giải phóng và phát triển toàn diện con người.
Đề xuất một số giải pháp đổi mới phong trào thi đua yêu nước đáp ứng yêu cầu tình hình mới, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương cho rằng, cần phải đổi mới toàn diện phong trào thi đua trên các mặt. Trong đó, cần đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức các đợt thi đua phong phú, hấp dẫn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên…
Tham luận về chủ đề “Kết quả 10 năm đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong CAND”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị nhấn mạnh: Trong 10 năm qua, Bộ Công an đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các đơn vị, các đoàn thể quần chúng trong toàn lực lượng tiến hành đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng trên cả ba lĩnh vực: Công tác lãnh đạo chỉ đạo; Công tác tổ chức phong trào thi đua; Công tác thực hiện chính sách khen thưởng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản khắc phục tình trạng trì trệ, hình thức, hành chính trong thi đua khen thưởng, đưa công tác thi đua, khen thưởng thành động lực thúc đẩy các mặt công tác, chiến đấu, góp phần tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh.
Thiếu tướng Lương Ngọc Dương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an khẳng định: Phong trào thi đua yêu nước vừa là động lực, vừa là nền tảng thúc đẩy phong trào cách mạng. Thi đua phải gắn với khen thưởng, khen thưởng là động lực của thi đua. Theo đồng chí, phải đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các phong trào thi đua yêu nước, gắn với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng của Đảng, Nhà nước và của các ngành, các địa phương. Tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ CAND nâng cao nhận thức vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, về vị trí, vai trò của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác thi đua, khen thưởng đối với phong trào này…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài lực lượng CAND đã có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc thể hiện qua hơn 90 bài viết gửi về Ban Tổ chức cùng các ý kiến tham luận trực tiếp tại Hội thảo. Đồng chí đề nghị các cơ quan thường trực và tổ giúp việc tổng hợp, thẩm định, lựa chọn biên tập các ý kiến tham luận; lựa chọn những ưu điểm, tồn tại, kinh nghiệm được rút ra tạo cơ sở về mặt lý luận và thực tiễn góp phần cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị khi có yêu cầu.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh, thông qua kết quả Hội thảo đã góp phần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, yêu nước, đồng thời thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị trong CAND. Hội thảo cũng đã lan tỏa được những giá trị cốt lõi, tích cực, tính thực tiễn cao bổ sung cho phần lý luận, giúp việc tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ở Công an các đơn vị, địa phương được tốt hơn trong thời gian tới.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Hưởng ứng và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, luôn xây dựng phong cách “gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”, nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.