BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Cán bộ, công chức

30/10/2008 08:25

Vừa qua, tại Quảng Ninh, Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Cán bộ, công chức (CBCC).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung; các Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Văn Tất Thu, cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ, các chuyên gia cao cấp của ADB, thành viên ban soạn thảo và tổ biên tập dự thảo Luật CBCC.
          Pháp lệnh CBCC được ban hành từ năm 1998, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và quản lý các hoạt động liên quan đến công vụ, công chức. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh phù hợp với đặc điểm của thể chế chính trị ở Việt Nam. Thể chế quản lý hoạt động công vụ, công chức được ban hành là hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với nguyên tắc  tổ chức và hoạt động của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tuân thủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ; bộ máy quản lý công vụ, công chức từng bước đi vào hoạt động nền nếp, ổn định. Đội ngũ CBCC đã được nâng cao về chất lượng, số đông được trang bị cơ bản về tri thức chuyên sâu, tổng hợp, có ý thức tôn trọng và biết phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, công vụ được giao. Chế độ tiền lương và đãi ngộ đối với CBCC luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
        Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Pháp lệnh CBCC đã bộc lộ những hạn chế, đó là: còn tình trạng chồng chéo, đan xen giữa thể chế quản lý CBCC do Nhà nước ban hành với các quy định về quản lý cán bộ trong hệ thống Đảng, Mặt trận, đoàn thể; phương thức tổ chức hoạt động công vụ dựa trên cơ sở hệ thống chức nghiệp gắn với việc giao biên chế cho các cơ quan nhà nước đã thể hiện những hạn chế trong việc nâng cao chất lượng hoạt động công vụ và chất lượng đội ngũ CBCC. Cách thức tuyển dụng công chức hành chính theo chế độ làm việc suốt đời không thích ứng được với cơ chế thị trường; các quy phạm pháp luật về quản lý công vụ, công chức chưa được đưa lên thành luật, nhiều quy định về hoạt động công vụ, công chức cần phải được bổ sung như khái niệm về công vụ, CBCC, đạo đức công vụ, thanh tra công vụ; tiền lương CBCC còn thấp, khó giữ và thu hút người giỏi vào làm công chức; chế độ đãi ngộ và tôn vinh công chức chưa được ban hành đầy đủ, chính sách nhà ở cho công chức, chế độ nghỉ phép còn chưa phù hợp; các điều kiện thực thi công vụ chưa được quy định thống nhất trong hệ thống hành chính; hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC cần được tổ chức lại theo hướng củng cố về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tăng cường giảng viên kiêm chức, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại hoá các hoạt động công vụ.
        Các đại biểu tham dự hội nghị đã trao đổi ý kiến đánh giá hệ thống thể chế quản lý CBCC và công vụ hiện hành, kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh CBCC, phát hiện những hạn chế của Pháp lệnh này, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục; đóng góp ý kiến vào nội dung của dự thảo luật CBCC; nghe các chuyên gia nước ngoài giới thiệu một số vấn đề về xu hướng cải cách chế độ công vụ, công chức trên thế giới, bình luận khoa học về dự thảo Luật CBCC và so sánh với luật công vụ của các quốc gia trong khu vực.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong việc góp ý vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh CB, CC và dự thảo Luật CBCC; đồng thời yêu cầu Ban soạn thảo và tổ biên tập dự thảo Luật CBCC tiếp thu, tập hợp ý kiến của các đại biểu và các chuyên gia nước ngoài, làm cơ sở đề xuất với các cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉnh sửa dự thảo Luật CBCC để trình Quốc hội khoá XII thông qua vào kỳ họp thứ tư sẽ diễn ra vào giữa tháng 10/2008./.
Trần Kiên

( Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước - Số 9-2008 )
Tìm kiếm