Một số nội dung chủ yếu được thực hiện trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ NĂM 2001
1. Quy định rõ và đầy đủ hơn các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc xây dựng tổ chức Chính phủ, bảo đảm rõ chức năng, tinh gọn và hợp lý về đầu mối, không để chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, đồng thời phải chú trọng phân cấp quản lý nhà nước một cách hợp lý.
2. Tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Đồng thời, làm rõ hơn về thẩm quyền và phạm vi trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong chế độ làm việc của Chính phủ.
3. Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật về công tác tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức thuộc phạm vi trách nhiệm của Chính phủ nhằm thống nhất quản lý về tổ chức bộ máy hành chính với phân cấp mạnh hơn về thẩm quyền, trách nhiệm thành lập, sắp xếp tổ chức; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Phân biệt rõ hơn vị trí, chức năng của Bộ với cơ quan ngang Bộ và có thể luật hóa quy định về khung cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
4. Loại bỏ một số quy định trùng lắp trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Tăng cường quy định nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý, điều hành vĩ mô nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của Chính phủ đối với một số lĩnh vực đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội dân sự như về dịch vụ công, về quản lý hội và tổ chức phi chính phủ.
II. NGUYÊN TẮC, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN DỰ ÁN LUẬT
1. Nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo
1.1. Tiếp tục quán triệt một cách sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung và hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII, các Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 7 khóa VIII; đặc biệt là văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về cải cách hành chính và dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng.
1.2. Các quy định sửa đổi, bổ sung Luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ không trái với các quy định của Hiến pháp 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001); phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của Chính phủ hiện nay và yêu cầu nhiệm vụ mới đòi hỏi.
1.3. Kế thừa những quy định còn phù hợp trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001.
1.4. Những nội dung sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm hoàn thiện tổ chức bộ máy và chế độ làm việc của Chính phủ phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
1.5. Chú trọng tính khả thi các quy định sửa đổi, bổ sung của Luật để khi ban hành sẽ trở thành căn cứ pháp lý tháo gỡ những vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ hiện nay.
2. Phương án thực hiện dự án Luật
Tùy thuộc vào mức độ, phạm vi các vấn đề và số lượng các điều cần sửa đổi, bổ sung, Ban soạn thảo có thể đề xuất một trong hai phương án sau:
a) Phương án 1: Trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001.
b) Phương án 2: Trình Chính phủ dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ mới, thay thế Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001.
III. ĐỀ XUẤT NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ NĂM 2001
1. Về kết cấu dự thảo Luật
Dự kiến gồm 6 Chương, nhưng có sự điều chỉnh lại tên gọi và nội dung của từng Chương (trong các Chương sẽ nghiên cứu để thống nhất quy định tên của các Điều), cụ thể là:
- Chương I: Những quy định chung
- Chương II: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ.
Chương này bao gồm nội dung của Chương II, Chương III Luật Tổ chức Chính phủ 2001, có bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng (phân biệt rõ vai trò thành viên Chính phủ của Bộ trưởng với vai trò người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ).
- Chương III: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Chương này gồm nội dung của Chương IV Luật Tổ chức Chính phủ 2001, có bổ sung theo hướng cụ thể hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hiện đang được thể hiện trong Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ; sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuộc Chính phủ theo yêu cầu không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chỉ thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công và phục vụ quản lý nhà nước của Chính phủ.
- Chương IV: Chế độ làm việc và quan hệ công tác
Chương này gồm nội dung của Chương V Luật Tổ chức Chính phủ 2001, có bổ sung theo hướng cụ thể hóa một số quy định trong Quy chế làm việc của Chính phủ quy định tại Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ.
- Chương V: Quản lý nhà nước của Chính phủ đối với các cơ quan nhà nước khác và các đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội
Chương này nhằm xác định rõ nội dung, phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ đổi với các tổ chức nêu trên.
- Chương VI: Điều khoản thi hành
Chương này là nội dung Chương V Luật Tổ chức Chính phủ 2001.
2. Về nội dung sửa đổi, bổ sung
2.1. Về những quy định chung
- Dự kiến bổ sung các quy định về:
+ Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật.
+ Giải thích từ ngữ: một số thuật ngữ cần thống nhất như: cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công, quản lý nhà nước…
+ Hoạt động của Chính phủ: xác định rõ phạm vi hoạt động của Chính phủ bao gồm hoạt động của tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trên cương vị, trách nhiệm được phân công.
- Tiếp tục cụ thể hóa quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ.
2.2. Về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ
a) Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ
- Biên tập lại nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ cho ngắn gọn, rõ thẩm quyền, có tính hệ thống, tránh liệt kê theo ngành, lĩnh vực để hạn chế trùng lặp với các quy định của Luật và Pháp lệnh chuyên ngành. Cụ thể, rút từ 11 Điều xuống còn 8 Điều theo các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Về quản lý và điều tiết vĩ mô sự phát triển kinh tế - xã hội;
+ Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;
+ Về quốc phòng và an ninh;
+ Về công tác đối ngoại, hợp tác phát triển và hội nhập quốc tế;
+ Về tổ chức thực hiện và phát triển các hoạt động sự nghiệp dịch vụ công;
+ Về quản lý tài sản nhà nước và phát triển kinh tế nhà nước;
+ Về xây dựng và bảo đảm thực thi pháp luật, củng cố trật tự pháp chế xã hội chủ nghĩa;
+ Về tổ chức, quản lý bộ máy hành chính nhà nước.
- Bổ sung thêm quyền hạn của Chính phủ được bãi bỏ các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trái với các quy định của Chính phủ; bãi bỏ các văn bản của một số cơ quan nhà nước ở Trung ương ngoài hệ thống hành chính trái với các quy định về quản lý hành chính nhà nước (trọng tâm là công tác tổ chức, cán bộ, các thủ tục hành chính đối với dân…).
b) Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ
- Tách bạch rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong vai trò là người đứng đầu Chính phủ và trong việc thực hiện vai trò chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở.
- Bổ sung thêm một số quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào 2 mặt công tác:
+ Về công tác tổ chức cán bộ: có quyền đình chỉ việc đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ vì lý do đặc biệt nào đó và cử thành viên Chính phủ khác thay thế cho đến khi đề nghị cho miễn nhiệm, cách chức, từ chức được Quốc hội thông qua; được quyết định cơ cấu tổ chức cụ thể của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Chính phủ chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn); trực tiếp điều động, miễn nhiệm, cách chức các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Về công tác pháp chế: có quyền bãi bỏ các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trái với Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, có quyền bãi bỏ các văn bản quy phạm nội bộ và các văn bản cá biệt của một số cơ quan nhà nước khác và các đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội trái với Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
c) Nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên Chính phủ
Tiếp tục làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc tham gia vào hoạt động chung của Chính phủ (quy định lượng thời gian cho công tác chung, tham luận và bỏ phiếu tại chỗ đối với các quyết định của tập thể Chính phủ, phối hợp liên ngành).
2.3. Về Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
a) Về địa vị pháp lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ
Đưa ra các tiêu chí phân biệt giữa Bộ với cơ quan ngang Bộ.
b) Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- Bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các công ty, tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhà nước độc lập chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên; chuyển chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ công đối với ngành, lĩnh vực thành nhiệm vụ của Bộ, sắp xếp lại nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với tính chất lĩnh vực quản lý.
- Xác định đúng và đủ nội dung quản lý nhà nước trong đó việc phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước với nhiệm vụ hỗ trợ quản lý nhà nước; nhiệm vụ của Bộ trong việc thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực nhằm hạn chế trùng lặp nhiệm vụ của các tổ chức thanh tra.
- Bổ sung nhiệm vụ và trách nhiệm giải trình, thông tin báo cáo về một số nội dung hoạt động của Bộ.
c) Bổ sung một Điều quy định về khung cơ cấu tổ chức Bộ, cơ quan ngang Bộ.
d) Bổ sung thêm một số thẩm quyền của Bộ trưởng trong Luật
- Luật hóa thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống (thẩm quyền này được quy định tại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ).
- Bộ trưởng có quyền tạm đình chỉ việc đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng, Tổng cục trưởng vì lý do đặc biệt nào đó và cử Thứ trưởng khác thay thế cho đến khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm, cách chức, thay thế.
- Bộ trưởng có quyền bãi bỏ, đình chỉnh quyết định cá biệt của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với quy định quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực.
- Bộ trưởng có quyền quyết định việc thành lập, giải thể các tổ chức sự nghiệp dịch vụ công tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên.
đ) Quy định rõ trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong vấn đề tổ chức bộ máy và tham gia các hoạt động của Chính phủ.
Làm rõ thêm trách nhiệm của:
- Bộ Nội vụ trong việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý về tổ chức bộ máy hành chính và quản lý cán bộ, công chức.
- Văn phòng Chính phủ trong vai trò là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Các Bộ, ngành khác trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ.
e) Về địa vị pháp lý của cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Thủ tướng Chính phủ
- Tiếp tục khẳng định rõ các cơ quan thuộc Chính phủ không có chức năng quản lý nhà nước.
- Xác định rõ có cơ quan thuộc Thủ tướng Chính phủ hay không và có những loại tổ chức nào ? Xem xét có đưa các loại hình tổ chức này vào Luật hay không ?
2.4. Về chế độ làm việc và quan hệ công tác của Chính phủ
- Tiếp tục khái quát hóa Quy chế làm việc của Chính phủ đưa vào Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó chú ý phân định cụ thể hơn trách nhiệm tập thể Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ và với Bộ trưởng đối với những việc (thuộc phạm vi, chức năng của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực) phải quyết định của tập thể Chính phủ, nhưng ý kiến của Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực không nhất trí và là thiểu số; trong đó có quy định chế độ từ chức của thành viên Chính phủ trong trường hợp này.
- Quy định rõ hơn về các phương thức phối hợp làm việc liên ngành giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong Chính phủ.
2.5. Về quản lý nhà nước của Chính phủ đối với các cơ quan nhà nước khác và với đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội.
Xác định rõ nội dung, phạm vi trách nhiệm của Chính phủ đối với các cơ quan nhà nước và các đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội. Các đối tượng này gồm:
- Một số cơ quan nhà nước không thuộc hệ thống hành chính nhà nước: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước…
- Các đoàn thể nhân dân và tổ chức chính trị - xã hội: đây là nhóm đối tượng đặc thù, được Nhà nước bảo đảm các điều kiện về kinh phí, biên chế và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật mà Chính phủ là người tổ chức, bảo đảm việc thực thi.
Việc quy định các nội dung quản lý nhà nước đối với các đối tượng này nhằm khẳng định và thể hiện được vai trò Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Luật
1. Gửi văn bản cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ đề nghị cử người tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế); Thời gian thực hiện: Tháng 10/2009
2. Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ để trình Bộ trưởng); Thời gian thực hiện: Tháng 11/2009
3. Gửi văn bản cho các Bộ, ngành đề nghị báo cáo tình hình thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và kiến nghị những nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế); Thời gian thực hiện: tháng 11/2009
4. Tổng hợp báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế); Thời gian thực hiện: từ tháng 12/2009 đến tháng 02/2010
5. Đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế); Thời gian thực hiện: từ tháng 11/2009 đến tháng 02/2010
6. Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập để báo cáo về nội dung đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ về những nội dung đề xuất sửa đổi Luật ; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ); Thời gian thực hiện: tháng 3/2010
7. Tiếp thu ý kiến của Ban soạn thảo, Tổ biên tập chỉnh sửa dự thảo những nội dung sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và chuẩn bị Tờ trình, dự thảo Luật, Báo cáo đánh giá Luật Tổ chức Chính phủ; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế); Thời gian thực hiện: Tháng 4-5/2010
8. Tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành, các nhà khoa học; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế, Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế); Thời gian thực hiện: Tháng 6/2010
9. Tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo và gửi các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời đăng trên Website của Chính phủ; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp; Thời gian thực hiện: Tháng 6/2010
10. Hoàn chỉnh và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Trưởng ban Ban soạn thảo Dự án: Tờ trình Chính phủ, Báo cáo đánh giá Luật Tổ chức Chính phủ và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 để trình Chính phủ; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế); Thời gian thực hiện: Tháng 7/2010
11. Trình Chính phủ (Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định); Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ (Vụ Tổ chức - Biên chế), Bộ Tư pháp; Thời gian thực hiện: Tháng 8/2010
12. Chính phủ thảo luận, cho ý kiến chính thức; Cơ quan chủ trì thực hiện: V ăn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ ; Thời gian thực hiện: Tháng 9/2010
13. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Cơ quan chủ trì thực hiện: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ; Thời gian thực hiện: Tháng 10/2010
14. Chính phủ xin ý kiến Quốc hội; Cơ quan chủ trì thực hiện: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ; Thời gian thực hiện: Tháng 10/2010
15. Tổng hợp, tiếp thu và chỉnh lý theo ý kiến của Quốc hội và chuẩn bị dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ; Thời gian thực hiện: Tháng 11/2010 đến tháng 02/2011
16. Ban soạn thảo trình Chính phủ thống nhất ý kiến lần cuối trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội; Cơ quan chủ trì thực hiện: Bộ Nội vụ; Thời gian thực hiện: Tháng 03/2011
17. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra lần cuối trước khi trình Quốc hội; Cơ quan chủ trì thực hiện: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Nội vụ; Thời gian thực hiện: Tháng 4/2011
18. Chính phủ trình Quốc hội; Cơ quan chủ trì thực hiện: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ; Thời gian thực hiện: Tháng 5/2011
2. Phân công thực hiện
Để triển khai thực hiện dự án Luật, dự kiến phân công Tổ biên tập thành các nhóm công tác như sau (nhân sự cụ thể các nhóm do Tổ trưởng Tổ biên tập quyết định):
- Nhóm 1: Đánh giá thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001. Sản phẩm là Báo cáo Chính phủ kèm theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ.
- Nhóm 2: Rà soát, hệ thống hóa các Luật, Pháp lệnh chuyên ngành liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.
- Nhóm 3: Thu thập, phân tích, tổng hợp kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên Thế giới về xây dựng chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Chính phủ.
- Nhóm 4: Biên tập Dự án Luật, gồm: Tờ trình, dự thảo Luật, Báo cáo tiếp thu, giải trình.
Sau khi nghe Thường trực Tổ biên tập trình bày kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Luật, các đại biểu dự cuộc họp đã thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến mục tiêu, sự cần thiết phải sửa đổi Luật, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật, kế hoạch thời gian triển khai Dự án Luật. Các ý kiến đã đề cập đến mối quan hệ giữa việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ với yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, tính khả thi của việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ trong giai đoạn này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá tình hình tổ chức thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, coi đây là cơ sở quan trọng, quyết định các nội dung đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ.
Trên cơ sở các ý kiến thống nhất trong cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đã kết luận, nêu nhiệm vụ của Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong thời gian tới và yêu cầu Thường trực Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến trong cuộc họp để báo cáo Bộ trưởng - Trưởng ban Ban soạn thảo xem xét, quyết định./.
Tin: Nguyễn Thị Khánh - Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ