BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc với Bộ Nội vụ nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc tổ chức, biên chế, bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

14/04/2010 08:38

Ngày 07 tháng 4 năm 2010, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc với Bộ Nội vụ nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc tổ chức, biên chế, bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (theo công văn số 2075/UBXH12 ngày 23/3/2010).

Buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì.
Tham dự buổi làm việc có đại diện của các cơ quan: Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Lãnh đạo các Vụ của Bộ Nội vụ: Tổ chức - Biên chế, Công chức - Viên chức, Tiền lương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận trên cơ sở Báo cáo về tổ chức bộ máy, biên chế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (kèm theo công văn số 971/BNV-TCBC ngày 01tháng 4 năm 2010 của Bộ Nội vụ) với nội dung chủ yếu sau:
 
I. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY 
  1. Quá trình kiện toàn tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
 
a) Cùng với quá trình đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất tổ chức Bảo hiểm xã hội ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội và thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức hoạt động từ tháng 10/1995 và được Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế tài chính tự chủ cho loại hình đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công.
  b) Theo quy định của Bộ luật Lao động ngày 23/6/1994, các chế độ bảo hiểm đối với người lao động gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất và khi ốm đau, người lao động được khám bệnh, điều trị tại các cơ sở y tế theo chế độ bảo hiểm y tế. Do đó, để thống nhất tổ chức quản lý thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm đối với người lao động và tách được chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế của Bộ Y tế với Quỹ bảo hiểm y tế, ngày 24/01/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển Bảo hiểm y tế Việt Nam từ Bộ Y tế sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
  Sau khi Bảo hiểm Y tế Việt Nam được chuyển sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngày 06/12/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy định của Chính phủ, hai hệ thống Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế được sắp xếp tổ chức lại cả về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ, viên chức thành một khối thống nhất chung từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, vẫn bảo đảm thực hiện hạch toán riêng giữa quỹ bảo hiểm xã hội với quỹ bảo hiểm y tế theo các khoản, mục thu, chi từng loại quỹ theo quy định của pháp luật.
  Nghị định số 100/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã từng bước kiện toàn tổ chức Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đã quy định rõ hơn về vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn việc chi trả và giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đối tượng tham gia, đồng thời mở rộng được đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, do những quy định mới của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, như Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29/6/2006 quy định bảo hiểm xã hội gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp; Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế quy định bảo hiểm y tế gồm bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện. Mặt khác, sau mỗi nhiệm kỳ Chính phủ, đều đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Theo đó, ngày 22/8/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thay thế Nghị định 100/2002/NĐ-CP.
  Nghị định số 94/2008/NĐ-CP của Chính phủ đã tiếp tục khẳng định và quy định: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện theo quy định của pháp luật; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế, của Bộ Tài chính về chế độ chính sách đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Theo quy định tại Nghị định số 94/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì hiện nay cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm có:
  - 18 đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó: 12 đơn vị giúp việc Tổng Giám đốc và 06 đơn vị sự nghiệp trực thuộc;
  - 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
  - 691 Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
  2. Đánh giá chung
 
Việc giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện cả 3 chế độ, chính sách gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế như hiện nay là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và yêu cầu cải cách hành chính, thể hiện như sau:
  - Tách được chức năng quản lý nhà nước với tổ chức và chức năng của đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công để hoạt động độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cụ thể là tách được chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với hoạt động sự nghiệp thực thi chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tách được chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế của Bộ Y tế với hoạt động sự nghiệp thực thi chính sách, chế độ bảo hiểm y tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, X) và yêu cầu cải cách hành chính.
  - Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động trong việc đóng và thụ hưởng chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc (chỉ phải đến một cơ quan là Bảo hiểm xã hội).
  - Do bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế có cùng đối tượng bắt buộc tham gia, nên sẽ khai thác được nhiều đối tượng tham gia các chế độ này; đồng thời tiết kiệm được kinh phí vì chỉ phải chi phí quản lý bộ máy và đầu tư cơ sở vật chất cho 01 hệ thống tổ chức.
  3. Một số vấn đề giải quyết trong thời gian tới
  a) Chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, bảo vệ người lao động trong cơ chế thị trường. Theo đó, tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đòi hỏi phải không ngừng được hoàn thiện, trước mắt cần nâng cao hiệu quả thực thi các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong thời gian tới. Theo tinh thần đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời cần ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam để bảo đảm tính liên thông, thống nhất, cụ thể như sau:
  - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện và ban hành các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; ban hành quy chế phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội các cấp với Trung tâm giới thiệu việc làm để giúp cho việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp với tạo việc làm được liên thông, thống nhất.
  - Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội các cấp với các cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được quyền lựa chọn, đăng ký nơi khám chữa bệnh được thuận lợi, bảo đảm tính liên thông giữa cơ quan chi trả bảo hiểm y tế với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
  b) Để quản lý đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội đạt hiệu quả, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có đề nghị thành lập Ban Quản lý đầu tư - Tăng trưởng quỹ. Về vấn đề này, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
  c) Tại Điều 106 Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29/6/2006 đã quy định tổ chức bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên tại các Điều 95, 101,104 Luật bảo hiểm xã hội và Quyết định số 41/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì quy định áp dụng chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước (tương tự quy định về chi phí quản lý bộ máy tổ chức bảo hiểm y tế tại Điều 35 Luật Bảo hiểm y tế ngày 14/11/2008). Do vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có kiến nghị được áp dụng chế độ tài chính như đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Về vấn đề này, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
  II. VỀ BIÊN CHẾ
  1. Đánh giá tình hình thực hiện biên chế được giao
 
Theo quy định tại Quyết định số 41/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì khung biên chế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao trong từng giai đoạn 3 năm. Trên cơ sở đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Nội vụ đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện trong 3 năm 2007-2009. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 08/6/2007 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 670/QĐ-BNV giao khung biên chế và hợp đồng thuê khoán, hợp đồng lao động năm 2007 (để thực hiện trong 03 năm 2007-2009) đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam là 16.000 người, trong đó: khung biên chế là: 13.327 người; hợp đồng thuê khoán công việc và hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động là 2.673 người.
  Trên cơ sở biên chế khung và số hợp đồng thuê khoán, hợp đồng lao động theo Bộ Luật lao động được giao trong 03 năm (năm 2007 - 2009), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phân bổ cho các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh (bao gồm cả huyện).
  Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 31/12/2009 Bảo hiểm xã hội đã tuyển dụng 15.670 cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động, trong đó:
  - Tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức theo chỉ tiêu biên chế khung được giao là 12.346 người.
  - Lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ là 1.640 người.
  - Lao động hợp đồng khoán gọn, vụ việc là 1.684 người.
  Như vậy, về cơ bản đến ngày 31/12/2009, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện tuyển dụng trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao (so với tổng biên chế khung và lao động hợp đồng, vụ việc được giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn 330 chỉ tiêu). 
  2. Một số vấn đề giải quyết trong thời gian tới
  Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có và căn cứ nhiệm vụ thực tế đã bước đầu mô tả nội dung công việc của từng vị trí việc làm trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch biên chế khung và lao động hợp đồng thuê khoán, vụ việc năm 2010. Theo đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, biên chế khung và lao động hợp đồng thuê khoán, vụ việc năm 2010 là: 18.012 người, tăng so với số biên chế được giao năm 2007 là 2.012 người.
Việc tăng 2.012 người chủ yếu để bố trí biên chế do khối lượng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyên, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tăng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế.
  Tuy nhiên, việc mô tả vị trí việc làm của từng tổ chức, đơn vị trực thuộc để xác định biên chế hiện nay của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thực sự khoa học và chưa sát với thực tế, do vậy trong thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc thực tế. Trên cơ sở đó xác định vị trí việc làm theo chức danh, chức vụ, cơ cấu công chức, viên chức của từng tổ chức, đơn vị trực thuộc để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định số lượng biên chế cần thiết nhằm thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ được giao trong những năm tới của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
  Riêng biên chế trong năm 2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Nội vụ đang tích cực phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác định phù hợp.
  Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đã đề nghị các Vụ chức năng của Bộ Nội vụ hoàn chỉnh Báo cáo của Bộ Nội vụ để gửi Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội./.

Nguyễn Thị Khánh - Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ

Tìm kiếm