Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Tiếp tục chương trình Hội thảo khu vực phía Bắc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống tác hại thuốc lá và lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), sáng ngày 26/4/2022, các đại biểu đã tập trung thảo luận chuyên đề về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Dự hội nghị, về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Văn Kiên, Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cùng chuyên viên Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo phòng chống tác hại thuốc lá
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các đại diện các cơ quan, các chuyên gia trao đổi về thực trạng sử dụng thuốc lá và các cách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; công tác quản lý nhà nước ngành thuốc lá và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật; thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tăng cường chống buôn lậu thuốc lá ngoại qua biên giới; thuế thuốc lá tại Việt Nam và các tác động của tăng thuế thuốc lá đối với việc đảm bảo mục tiêu sức khoẻ và các mục tiêu xã hội; thuốc lá thế hệ mới - thách thức cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam; bảo vệ lớp trẻ khỏi thuốc lá và hình thức quảng cáo thuốc lá.
Qua đó cho thấy, theo Điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2015, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, trong đó, tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45.3%, phải chi khoảng 31 nghìn tỷ cho việc mua thuốc lá, chi phí điều trị cho 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là 24 ngàn tỷ một năm. Hằng năm, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Các đại biểu trao đổi thảo luận tại hội thảo
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTHTL) được Quốc hội thông qua ngày 18/06/2012 và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013. Sau 9 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định: (1) Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung có xu hướng giảm, năm 2020 là 21.7%, giảm 0,8 % so với năm 2015. Tỷ lệ nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm 3% so với năm 2015. Tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm giảm so với năm 2015 như nơi làm việc, từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56,0%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/ cà phê/ trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%; (2) Nhận thức của người dân về quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được nâng lên. Bên cạnh đó, có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc cũng như nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy tại nơi công cộng và nơi làm việc; (3) Việc tổ chức địa điểm cấm hút thuốc đã được triển khai ở hầu hết các địa điểm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, một số mô hình không khói thuốc đã được triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá có những vấn đề cần quan tâm đó là: (1) Việc thực hiện môi trường không khói thuốc còn gặp khó khăn, hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, chưa được triển khai toàn quốc, hạn chế tiếp cận đối với người dân đặc biệt là ở tuyến dưới và cộng đồng; (2) Thuốc lá thế hệ mới đã tồn tại trên thị trường và phát triển nhanh, đây là các sản phẩm có hại cho sức khỏe và đặc biệt nguy hiểm đối với thanh thiếu niên do nguy cơ nghiện chất nicotine, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử. (3)Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá còn diễn biến phức tạp, ngay trong đại dịch COVID-19, đặc biệt ở khu vực biên giới, vùng biển, nơi có địa bàn rộng, địa hình phức tạp; (4) Việt Nam hiện có mức giá và thuế thuốc lá ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. (5) Sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế và hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được coi là nhiệm vụ của ngành y tế.
Phát biểu tại hội thảo, bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội hi vọng thông qua hội thảo sẽ tạo ra một diễn đàn cung cấp thông tin cho các đại biểu và thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, những ý kiến góp ý của toàn thể các đại biểu tham dự Hội thảo và những ý kiến chia sẻ của các chuyên gia sẽ làm cơ sở quan trọng để giúp Uỷ ban Xã hội có thêm công cụ trong công tác xây dựng, hoạch định chính sách và giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Nguồn: https://dbnd.hagiang.gov.vn/