Nữ doanh nhân Lâm Tuyền Khanh trong những phút thư giãn hiếm hoi
Vượt dốcVào năm 1992, 33 tuổi, chị Lâm Tuyền Khanh bắt đầu sự nghiệp bằng việc kinh doanh phụ kiện may mặc với mặt hàng chủ lực là dây khóa kéo. Lúc ấy công nghệ chưa hiện đại nên việc sản xuất dây khóa kéo chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Nhiều lô hàng ra đời bằng cả mồ hôi nước mắt của bao người thợ, thế nhưng người chủ cơ sở sản xuất chưa thể hài lòng. Chị nói: “Vừa gặp khó trong công nghệ, vừa thiếu vốn xoay vòng, có lúc tôi muốn bỏ cuộc”. Nhưng rồi với sự kiên trì cùng trách nhiệm của người đứng đầu công ty, chị lại kiên trì dấn bước.
Đam mê những chiếc dây kéo khóa tinh xảo và xinh đẹp, chị bắt đầu học hỏi nhiều hơn về nghề làm ra nó. Đất nước mở cửa, các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác đã giúp chị Khanh học hỏi thêm rất nhiều về mẫu mã lẫn công nghệ.
Nhưng học lóm được nghề và mua được máy móc chưa phải đã hết khó, thương hiệu chiếc dây kéo khóa Hùng Chi của chị chưa ai biết đến là một rào cản không dễ vượt qua.
Để chứng minh sản phẩm của mình đẹp, bền, đa dạng về hình dáng, mẫu mã, chị Khanh tìm cách tự giới thiệu hàng qua rất nhiều kênh, từ chợ ngành may mặc cho đến các hội chợ triển lãm lớn nhỏ, thậm chí mang tặng không sản phẩm cho khách dùng thử. Với sự lỗ lực ấy, chỉ vài năm sau, thương hiệu dây khóa kéo Hùng Chi bắt đầu được thị trường biết đến. Những sản phẩm của chị được nhiều nhà sản xuất lựa chọn để sử dụng trong quá trình sản xuất túi xách, vali, áo khoác…
Những khó khăn về công nghệ và nguồn vốn đầu tư xem như đã vượt qua, chị Khanh đồng thời cũng tích luỹ được thêm khá nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh và huy động nguồn vốn để xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất hơn nữa.
Và san sẻHiện tại, chị Lâm Tuyền Khanh có xưởng sản xuất dây kéo khoá với 5 đầu máy đặt tại Củ Chi và Công ty TNHH TM Hùng Chi đặt tại 61 Bửu Đình, P.9, Q.6, TP.HCM. Tất cả đều do chị quản lí.
Với quan niệm “không ngồi một chỗ an toàn, chỉ có cạnh tranh mới phát triển, doanh nghiệp nhỏ cần phải lấy ngắn nuôi dài”, chị Khanh đã tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực gia công các sản phẩm may mặc.
Ngoài ra chị còn lấn sang kinh doanh các thiết bị khai thác năng lượng mặt trời, sản xuất và phân phối nước tinh khiết, đầu tư vào nhà hàng - khách sạn tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phương châm đầu tư của chị luôn gắn với yếu tố bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm, vì vậy những thiết bị phục vụ khai thác năng lượng mặt trời luôn được ưu tiên.
77.jpg
Nhà xưởng và những chiếc khóa kéo Hùng Chi
Nhưng nhắc đến Giám đốc Công ty TNHH TM Hùng Chi là phải nhắc đến sự quan tâm của chị đến người lao động.
Dù có hoàn cảnh sống hết sức khó khăn, nhưng trong 20 năm làm công nhân cho Công ty TNHH TM Hùng Chi anh Trần Hán Phát lại rất tận tụy. Thấy vậy, năm 1998, chị Khanh đã hỗ trợ cho anh 50 triệu đồng (khoản tiền có giá trị lớn vào thời điểm bấy giờ) để trang trải cuộc sống và mua một căn nhà tại Q.Tân Phú.
Đến năm 2012, chị Khanh lại hỗ trợ chị Vũ Thục Vân một tỷ đồng để mua đất tại Q.6. Sau hai năm làm việc tiếp theo, chị Khanh tiếp tục hỗ trợ thêm 500 triệu đồng để chị Vân xây nhà, ổn định cuộc sống. Chị Vân là một nữ công nhân giỏi và có nhiều cống hiến trong công việc. Đến nay, chị Vân vẫn đang công tác tại xưởng sản xuất dây khóa kéo.
Ngoài những đóng góp như vừa nêu, chị Lâm Tuyền Khanh cũng đã hỗ trợ bằng cách cho vay vốn trả góp không lãi suất để người lao động có thể hiện thực hoá những kế hoạch trong cuộc sống. Đối với con em của những công nhân lao động giỏi, có đóng góp cho sự phát triển của công ty, nhưng cuộc sống khó khăn, chị Khanh hỗ trợ kinh phí học tập suốt những năm học đại học.
Chúng tôi hỏi về những chính sách thu hút và đãi ngộ nhân viên lao động, chị Khanh chỉ ngắn gọn: “Lương cao chưa chắc đã là yếu tố thu hút người tài, tuy nhiên mức lương quá thấp sẽ không đủ sức giữ người tài ở lại với mình”.
Chị Lâm Tuyền Khanh (bìa phải) trao thưởng cho các công nhân Hùng Chi tham gia hội thao
Ngoài công việc sản xuất, kinh doanh, bà chủ doanh nghiệp Hùng Chi còn tích tham gia các hoạt động của các hội đoàn. Điều đặc biệt, chị Lâm Tuyền Khanh đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN Q.6, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân, trực thuộc Hội LHPN Q.6.
Rất bận với bao công việc, nhưng mỗi ngày chị Khanh vẫn về nhà ăn một bữa cơm chung với gia đình. Đây là nếp sống mà chị Khanh tự ép mình tuân thủ! “Dù có khó khăn, bận bịu đến mấy, nhưng tới bữa ăn là tôi buông bỏ hết để cùng cả nhà hưởng không khí ấm áp và hạnh phúc. Gia đình là nền tảng, là chỗ dựa vững chắc, đó còn là niềm hạnh phúc của mỗi người. Đó cũng là cách để mình cân bằng được công việc và cuộc sống thường ngày” - chị Khanh bộc bạch.
Nguồn: phunuonline