BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Sinh hoạt chuyên đề: Chuyển đổi số và cách tiếp cận của Việt Nam

20/10/2023 18:00

Sáng ngày 20/10, Chi bộ Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nội vụ phối hợp với Chi bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề: Chuyển đổi số và cách tiếp cận của Việt Nam.

Tham dự buổi sinh hoạt có đồng chí Đặng Thanh Tùng, Bí thư Đảng bộ, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; đồng chí Chu Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; đồng chí Trần Việt Hoa, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III; các đồng chí cấp ủy và đảng viên hai Chi bộ.

Đồng chí Chu Tuấn Tú chia sẻ chuyên đề chuyển đổi số tại buổi sinh hoạt

Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Chu Tuấn Tú đã chia sẻ thông tin về các cuộc cách mạng công nghệ và việc áp dụng vào thực tiễn đã tạo ra nhiều bước ngoặt trong cuộc sống, tạo ra nhiều giá trị cho nhân loại, làm thay đổi tư duy, nhận thức của con người, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của loài người nói chung.

Theo đồng chí Chu Tuấn Tú, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Chuyển đổi số tạo ra ba xu thế lớn: phi trung gian hóa, phi tập trung hóa và phi vật chất hóa.Trong đó, phi trung gian hóa là loại bỏ bớt các khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa các bên.Phi tập trung hóa nghĩa là có nhiều người hơn, nhiều mắt xích hơn cùng tham gia, tạo ra giá trị. Còn phi vật chất hóa tức là số hóa các sản phẩm , dịch vụ vật lý, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo. Do đó, chuyển đổi số giúp giải quyết nhiều bài toán thiên niên kỷ của xã hội và bộ máy nhà nước…

Quang cảnh buổi sinh hoạt

Đảng viên hai Chi bộ cũng chia sẻ cách tiếp cận về chuyển đổi số của một số nước trên thế giới như Đức, Anh, Pháp, Nga, Bỉ, Mỹ, Nhật Bản,Trung Quốc, Hàn Quốc…

Về cách tiếp cận của Việt Nam, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững;… Theo đó, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng và triển khai thực hiện nhằm hướng tới một Việt Nam số.

Đồng chí Trần Việt Hoa giới thiệu về tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

Phát biểu tại buổi sinh hoạt, đồng chí Trần Việt Hoa, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết, tài liệu lưu trữ có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Không một quốc gia, dân tộc, cơ quan hay tổ chức, cá nhân nào lại không có nhu cầu về ý thức lưu giữ lại những dấu tích về nguồn gốc, về lịch sử, về những gì đã qua, vì quá khứ chính là hiện tại vừa qua đi, hiện tại và tương lai đều được xây dựng nên từ quá khứ. Lưu trữ giúp Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn và lưu giữ những văn bản và giấy tờ, hình ảnh, bộ phim, bản vẽ, hồ sơ… một cách khoa học và trật tự nhằm phục vụ kịp thời cho các nhu cầu khác nhau của đời sống xã hội. Nghề lưu trữ góp phần gìn giữ kho tàng tri thức của nhân loại qua các thời kỳ.

Trong giai đoạn hiện nay, tài liệu lưu trữ được quan tâm, khai thác và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để chủ động cung cấp, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ nhu cầu của người dùng là rất cần thiết.

Đồng chí Trần Việt Hoa tặng quà lưu niệm cho Chi bộ Vụ Hợp tác quốc tế

Giới thiệu về tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Trung tâm), đồng chí Trần Việt Hoa cho biết, Trung tâm được thành lập ngày 10/6/1995, có chức năng thu thập, bổ sung, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ có ý nghĩa toàn quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay.

Toàn bộ tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan thuộc bộ máy Nhà nước Trung ương, các Bộ, ngành, các đoàn thể xã hội và các liên khu được thành lập từ những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho tới nay. Những tài liệu này là những chứng cứ lịch sử phản ánh chân thực, khách quan và toàn diện cả một quá trình thành lập, xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam độc lập suốt mấy chục năm qua.

Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm gồm 04 loại chủ yếu: Tài liệu Hành chính; Tài liệu Khoa học kỹ thuật; Tài liệu phim ảnh ghi âm; Tài liệu xuất xứ cá nhân.

Với số lượng hơn 5000 mét giá của 246 phông, trong đó, khối tài liệu hành chính chiếm một vị trí lớn nhất trong kho lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Đây là những tài liệu gốc, chính bản, trong đó có nhiều bản viết tay hay có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác…

Đảng viên Chi bộ Vụ Hợp tác quốc tế tham quan và nghe giới thiệu về tài liệu lưu trữ

 

Thu Trang – Thiên Lý
Tìm kiếm