BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo quốc tế Chỉ số Chính phủ tốt “Chandler”: Kinh nghiệm của Singapore và ứng dụng trong quản trị quốc gia ở Việt Nam

02/12/2021 11:30

Ngày 30/11, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Viện Quản trị Chandler, Singapore tổ chức Hội thảo quốc tế Chỉ số Chính phủ tốt “Chandler”: Kinh nghiệm của Singapore và ứng dụng trong quản trị quốc gia ở Việt Nam bằng hình thức trực tuyến.

Đồng chủ trì và điều hành Hội thảo, về phía Bộ Nội vụ có PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia; về phía Singapore có ông Wu Wei Neng, Giám đốc điều hành, Viện Quản trị Chandler (CIG); GS.TS. Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế từ Đại học Goergetown Hoa Kỳ; Trường Hành chính Quốc gia Quebec, Canada; Viện Quản trị Chandler; Đại học Anh quốc Việt Nam; Đại học Chicago, Hoa Kỳ; đại diện Đại sứ quán Singapore và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam; đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; Học viện Hành chính Quốc gia (NAPA); Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Đại học An ninh và một số cơ sở đào tạo khác.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Quản trị quốc gia thể hiện tầm nhìn mới trong thời đại ngày nay khi công việc quản trị không chỉ còn là của Nhà nước, mà có sự tham gia tích cực của các chủ thể khác nhau trong xã hội để giải quyết các vấn đề chung ở mọi cấp độ, từ địa phương tới quốc gia. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, “quản trị quốc gia” là khái niệm còn mới mẻ, chưa có cách hiểu thống nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tùy thuộc vào trình độ phát triển cũng như đặc thù chính thể và xã hội, mỗi quốc gia theo đuổi những triết lý và mô hình khác nhau trong xây dựng nền quản trị quốc gia. 

Để có cơ sở để đổi mới và đổi mới thành công quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, cần có cách hiểu thống nhất và toàn diện về khái niệm “quản trị quốc gia”, gắn với bối cảnh thực tế ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó, xây dựng lý thuyết và mô hình quản trị quốc gia phù hợp với xu hướng vận động quốc tế; đồng thời, dung hòa với đặc thù chính thể và xã hội của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến

PGS.TS. Triệu Văn Cường đánh giá cao nỗ lực và sự phối hợp của Viện Quản trị Chandler, Singapore và Học viện Hành chính Quốc gia để tổ chức Hội thảo; đồng thời, mong muốn kết quả hội thảo được sử dụng làm cơ sở để xây dựng chương trình bồi dưỡng về quản trị quốc gia dành cho công chức lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là công chức lãnh đạo tiềm năng cấp chiến lược của Việt Nam; là tiền đề để Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính Quốc gia xây dựng thành công chương trình nâng cao năng lực quản trị quốc gia, tiếp cận chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần từng bước xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại và hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Wu Wei Neng phát biểu chào mừng Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Wu Wei Neng, Giám đốc điều hành, Viện Quản trị Chandler, Singapore đánh giá cao cơ hội từ Hội thảo, đã tạo điều kiện để Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam và Viện Quản trị Chandler chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và đây cũng là cơ hội để các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức trên toàn thế giới chia sẻ và tìm hiểu về kinh nghiệm hay, điển hình về quản trị tốt của mỗi quốc gia. 

Ông Wu Wei Neng cho biết, bộ Chỉ số của Chandler về Chính phủ tốt sẽ được chia sẻ tại Hội thảo bao gồm 7 khung chỉ số: lãnh đạo và tầm nhìn; luật và chính sách mạnh; thể chế mạnh; thị trường hấp dẫn; sức ảnh hưởng thế giới… theo đó, đánh giá Việt Nam là quốc gia có chỉ số tốt so với các quốc gia cùng mức độ phát triển, thu nhập. Bộ Chỉ số Chính phủ tốt của Chandler được chia sẻ tại Hội thảo nhằm đo lường hiệu quả hoạt động quản trị quốc gia của các Chính phủ trên khắp thế giới, ông Wu Wei Neng hy vọng Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp.

TS. Nguyễn Đăng Quế phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, trong khuôn khổ các chương trình hợp tác quốc tế, Học viện Hành chính Quốc gia tập trung nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao các công cụ quản trị quốc gia, giúp Chính phủ đo lường mức độ thành công trong quản trị, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực quản trị quốc gia của Chính phủ, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.

Ông Kenneth Sim, Viện trưởng, Học viện Quản trị Chandler tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung sau:

(1) Khái niệm và ý nghĩa quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả và vai trò của công chức lãnh đạo, quản lý trong xây dựng nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

(2) Thực tiễn quản trị quốc gia ở Việt Nam, bối cảnh và phương hướng xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả phù hợp với xu thế quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

(3) Kinh nghiệm quốc tế trong đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ, liên hệ với thực tiễn Việt Nam từ đó xác định mức độ phù hợp, khả năng và phương pháp áp dụng kinh nghiệm quốc tế để đánh giá năng lực và hiệu quả hoạt động của Chính phủ xác định phương hướng cải thiện quản trị quốc gia ở Việt Nam.

(4) Xác định các yêu cầu, năng lực cần có của công chức lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng việc xây dựng nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

(5) Xây dựng kế hoạch hợp tác giữa Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam và Viện Quản trị Chandler trong xây dựng chương trình nâng cao năng lực quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả cho công chức lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là lãnh đạo tiềm năng cấp chiến lược.

GS.TS. Moktar Lamari, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá, Trường Hành chính công Quebec, Canada tham luận tại Hội thảo

Hội thảo là sự kiện mở đầu cho một chuỗi các sự kiện hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đổi mới chương trình nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Hội thảo diễn ra trong 3 phiên:

Phiên thứ nhất: Tổng quan về quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.

Phiên thứ hai: Kinh nghiệm quốc tế trong đánh giá hiệu quả quản trị quốc gia và giá trị tham khảo trong quản trị quốc gia ở Việt Nam.

Phiên thứ 3: Hợp tác giữa NAPA và CIG trong nâng cao năng lực công chức lãnh đạo quản lý đáp ứng yếu cầu quản trị quốc gia hiện đại hiệu quả.

Đáng chú ý, ông Donald Moynihan đến từ Đại học Georgetown, Hoa Kỳ - một chuyên gia hàng đầu thế giới về quản trị quốc gia đã chia sẻ tham luận: “Kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong đánh giá hiệu quả quản trị quốc gia“. Ông Donald Moynihan trình bày các nội dung về: Đạo luật về hiệu quả thực thi và kết quả của Chính phủ (1993); Hệ thống đạo luật của Hoa Kỳ; Các công cụ xếp loại, đánh giá chương trình; Đạo luật hiện đại hóa GPRA (2010); Cách nhận biết cải cách hiệu quả; Những bài học và thói quen dẫn đến thành công… 

Từ năm 1993, Hoa Kỳ đã có những đạo luật đánh giá hiệu quả của Chính phủ và dần được hoàn thiện qua các đời Tổng thống, gần nhất là Luật Hiện đại hóa GPRA (2010), theo đó, kinh nghiệm về quản trị của Hoa Kỳ là: (1) Thói quen dẫn tới thành công: coi cải cách như một thói quen thúc đẩy sự thay đổi của tổ chức, tạo diễn đàn học tập, thảo luận về hiệu quả thực thi với người giám sát, đồng nghiệp. (2) Cam kết của lãnh đạo: tạo các vị trí lãnh đạo có sự giám sát hiệu quả thực thi chính sách, chọn lãnh đạo dựa trên khả năng quản lý. (3) Mục tiêu thực tế: khuyến khích học tập và đổi mới trong các cơ quan, thảo luận về hiệu quả thực thi chính sách trong quá trình quyết định ngân sách…

Ông Donald Moynihan tham luận tại Hội thảo

Như Ngọc – Thanh Tuấn

Tìm kiếm