Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Nguồn: vass.gov.vn
Viện đã hoàn thành nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, đề tài trọng điểm cấp bộ, đề tài hợp tác quốc tế và đề tài cấp cơ sở theo đúng tiến độ, với chất lượng chuyên môn tin cậy. Trong 5 năm qua, tập thể cán bộ của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã hoàn thành 4 đề tài cấp nhà nước. Trên cơ sở kết hợp lý thuyết và thực tiễn, các nghiên cứu khoa học cấp nhà nước của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới được thực hiện trong giai đoạn này tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong những năm gần đây như hôn nhân xuyên biên giới; bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số; hôn nhân và gia đình ở cộng đồng tộc người ở Tây Nam Bộ và hạnh phúc của người Việt Nam. Các đề tài cấp nhà nước được thực hiện đã giúp Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phục vụ kịp thời những nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao, góp phần phát hiện và lý giải những vấn đề mới nảy sinh của hôn nhân và gia đình Việt Nam, chỉ ra những đặc điểm và xu hướng biến đổi của gia đình trong thời kỳ đổi mới và trong quá trình công nghiệp hóa và toàn cầu hóa.
Từ năm 2015 đến nay, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã và đang thực hiện 11 đề tài cấp bộ trọng điểm, đề tài cấp bộ độc lập và 6 nhiệm vụ cấp bộ. Kết quả thực hiện đảm bảo tiến độ và yêu cầu chất lượng đề ra, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả đạt loại khá trở lên (4 đề tài đạt loại xuất sắc). Ngoài ra, để nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu và thực hiện các chủ đề nghiên cứu ngắn và trung hạn theo kế hoạch, 39 đề tài cấp cơ sở đã được thực hiện, trong đó có trên 20% đề tài được nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Năm 2020, 8 đề tài cấp cơ sở khác đang được thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu chất lượng đầu ra.
Có thể thấy, trong 5 năm qua các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện đã góp phần tổng kết thực tiễn của quá trình đổi mới, cung cấp những luận cứ phục vụ cho hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển đất nước. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm, thực trạng về hôn nhân và gia đình, các quan hệ gia đình trong bối cảnh biến đổi xã hội và hiện đại hóa cũng như chỉ ra xu thế phát triển của xã hội Việt Nam trong linh vực gia đình, phụ nữ và giới. Mặt khác, cá sản phẩm của đề tài vừa bổ sung vào những lĩnh vực, khía cạnh nghiên cứu trước đây chưa được đề cập, vừa trở thành những tài liệu tham khảo, học tập hữu ích cho những nhà nghiên cứu, xây dựng chính sách về lĩnh vực này. Ngoài ngân sách nhà nước được phân bổ hằng năm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng đã tạo lập những cơ chế nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ nghiên cứu có cơ hội khai thác các nguồn kinh phí của các cơ quan, tổ chức khác phục vụ cho công tác chuyên môn và đào tạo. Nhờ vậy, trong 5 năm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã ký kết và thực hiện 8 đề tài, dự án hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế, các trường đại học nước ngoài.
Tạp chí nghiên cứu Gia đình và Giới (tiếng Việt và tiếng Anh) là diễn đàn trao đổi học thuật và nơi công bố sản phẩm khoa học của cán bộ nghiên cứu trong Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và những nhà khoa học khác về chủ đề gia đình, bình đẳng giới và phụ nữ.
5 năm qua, cán bộ của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tích cực chủ động công bố các kết quả nghiên cứu của cá nhân bằng nhiều hình thức như xuất bản sách, chương sách, đăng bài viết trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo hội thảo trong nước và quốc tế. Từ năm 2015 đến tháng 6/2020, cán bộ trong Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã công bố 210 bài tạp chí khoa học trong nước; 14 cuốn sách và 25 bài viết/chương sách trong các công trình xuất bản khác. Các sản phẩm khoa học công bố quốc tế (chưa kể các báo cáo hội thảo quốc tế) gồm 8 bài tạp chí và 4 chương sách.
Ngoài công tác nghiên cứu, thực hiện các chức năng của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, nhiều cán bộ đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, học viên tại các học viện, các trường đại học và cơ sở đào tạo sau đại học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội chất lượng cao cho đất nước. Công tác tự đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cũng được Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới quan tâm. Các hình thức đào tạo được thúc đẩy bao gồm đào tạo tại chỗ (thông qua phân bổ cán bộ tham gia các hoạt động, các công đoạn nghiên cứu); cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn, các hội thảo khoa học; tham gia đào tạo về lý luận chính trị và chuẩn hóa ngạch bậc nghiên cứu; cử cán bọ tham gia các khóa sau đại học ở trong nước và nước ngoài. Trong 5 năm qua, đã có 2 cán bộ được công nhận là nghiên cứu viên cao cấp, 10 nghiên cứu viên chính, 5 nghiên cứu sinh đạt học vị tiến sĩ và hiện còn 5 nghiên cứu sinh đang hoàn thiện các khóa đào tạo. Năm 2019 - 2020, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã có 4 cán bộ tham gia Chương trình nâng cao ngoại ngữ (Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước - gọi tắt là Đề án 165); 4 cán bộ được cử tham dự đều đủ điều kiện tham gia và hoàn thành khóa tập huấn nâng cao tại New Zealand và Australia.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn đánh giá chính sách cũng được đầu tư, thực hiện. Những năm gần đây, hoạt động tư vấn của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới ngày càng đa dạng và đi vào chiều sâu. Phạm vi các đối tác tư vấn cũng mở rộng hơn. Các cơ quan, tổ chức đó là: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNIFEM… và một số tổ chức phi chính phủ khác tại Việt Nam. 5 năm qua, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức thực hiện góp ý nhiều kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các bản đề án, chương trình liên quan đến lĩnh vực gia đình và giới của các bộ, ngành Trung ương. Các cán bộ tham gia các cuộc họp tham vấn ý kiến chuyên gia góp ý cho các dự thảo Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống rượu bia, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tham gia xây dựng chiến lược của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đề xuất nội dung khoa học phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về gia đình, giới và người cao tuổi.
Các hoạt động tư vấn đã góp phần khẳng định được uy tín và năng lực chuyên môn của các cá nhân nhà khoa học và của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới với các cơ quan, tổ chức bên ngoài, nâng cao vị thế và uy tín của Viện.
Để đạt được thành tích cao trong công tác nghiên cứu, đào tạo tư vấn và phổ biến kiến thức, đội ngũ cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới luôn đoàn kết nhất trí, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Chi bộ Đảng luôn thể hiện tốt vai trò lãnh đạo toàn diện, xây dựng định hướng công tác và chỉ đạo thực hiện. Thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa chính quyền và công đoàn, đại diện công đoàn thường xuyên tham gia, giám sát và đóng góp ý kiến đối với công tác tổ chức, quản lý cơ quan và các công tác khác, nhờ thế mà phát huy được sức mạnh đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ được coi như một nguyên tắc xuyên suốt, vận hành toàn diện trong các mặt công tác.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn một cách sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan chức năng trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đồng thời, vai trò nêu gương của người đứng đầu và lãnh đạo các cấp/các tổ chức đoàn thể trong Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới được phát huy mạnh mẽ. Phong trào thi đau đã lấy chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn trong từng vị trí việc làm để làm thước đo chất lượng thi đua của cá nhân và tập thể.
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể nhận thức sâu sắc hoạt động thi đua là rất cần thiết và là chất xúc tác giúp cá nhân vượt qua sức ỳ tâm lý và quản lý thời gian trong xác lập các mục tiêu, kế hoạch công việc để có hướng phấn đấu cụ thể. Xây dựng phong trào thi đua tạo động lực mạnh mẽ đối với tập thể, cá nhân trong toàn Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, từ đó hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
Khi đăng ký một danh hiệu thi đua, cá nhân cũng như tập thể có ý thức hơn trong rèn luyện, bồi dưỡng về mọi mặt, hoàn thiện bản thân, xây dựng tập thể. Vì thế, theo phương châm hành động hằng năm của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như: “Dân chủ, kỷ cương, sáng tạo và phát triển”; “Đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp và hiệu quả”; “Sáng tạo, hành động, kỷ cương, phát triển”, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã phát động phong trào thi đua gắn với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ với tinh thần chủ động, ý thức tự giác trong công việc của cán bộ, viên chức. Hằng năm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới có 100% công chức, viên chức và tập thể đơn vị phòng trong Viện hưởng ứng phong trào thi đua. Ngoài phong trào thi đua chung, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng đã tổ chức phát động các đợt thi đua lập thành tích trong hoạt động chuyên môn, các công tác phong trào chào mừng những ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị khác.
Một trong những điểm mấu chốt để làm tốt công tác bình bầu thi đau của cá nhân, tập thể là, nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn thi đua, được lượng hóa thành định mức công việc, số lượng bài viết được xuất bản cho các ngạch bậc cán bộ, viên chức rất cụ thể và được quy ra điểm. Quy trình đăng ký, bình xét cũng được thể hiện rõ rang, công khai và thường xuyên được đôn đốc thực hiện. Ví dụ như, xác định định mức chuẩn, cán bộ đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” phải thực hiện 120% định mức công việc theo ngạch bậc chuyên môn; cán bộ nghiên cứu bậc thấp nhất phải có 1 bài tạp chí xuất bản ngoài phần định mức công việc khác; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở phải vượt 240% định mức và phải có ít nhất 2 bài tạp chí/chương sách/năm…
Phong trào thi đua được đôn đốc thường xuyên, được đánh giá qua các kỳ sơ kết công tác và tổng kết năm. Từ các danh hiệu đã đăng ký đầu năm, Hội nghị thi đua cuối năm của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới sẽ bình bầu để chọn các cá nhân, tập thể đạt các danh hiệu thi đua. Ngoài ra, để khuyến khích, động viên cán bộ, viên chức có thành tích ở các mặt công tác khác, Hội nghị cũng bình xét để Viện trưởng khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong các mặt công tác khác nhau. Vì thế, phong trào thi đua đi vào thực chất hơn, thúc đẩy quyết tâm phấn đấu của mỗi cá nhân, tập thể.
Tuyên truyền cho cán bộ, viên chức về trách nhiệm, quyền lợi trong việc tham gia các phong trào thi đua, về trách nhiệm và nghĩa vụ của người cán bộ, viên chức luôn được coi trọng; cập nhật, phổ biến các văn bản pháp luật, chính sách, quy chế liên quan đến người đảng viên, cán bộ, viên chức thường xuyên được gửi đến các đoàn viên công đoàn. Từ đó, thúc đẩy và phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, viên chức trên mỗi cương vị công tác của mình, để hoàn thành các nhiệm vụ và phong trào thi đua hằng năm.
Trong phong trào thi đua 5 năm qua, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã đạt được kết quả là: 100% cán bộ, viên chức cũng đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, trong đó 15% đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Nhiều lượt cán bộ đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ”, nhiều tập thể được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”, được nhận Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Qua quá trình này, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cũng đã phát hiện, xây dựng được các điển hình tiên tiến tập thể và cá nhân trong phong trào thi đua. Những tập thể như: Phòng Nghiên cứu trẻ em (nay là Phòng Nghiên cứu Trẻ em và Vị thành niên), Phòng Nghiên cứu Những vấn đề chung (nay là Phòng Nghiên cứu Các vấn đề xã hội), Phòng Biên tập - Trị sự là những tập thể nhiều năm liền đạt danh hiệu “Tập thể xuất sắc”. Các cá nhân có tinh thần thi đua và lan tỏa phong trào, nhiều năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” như Nguyễn Hữu Minh, Trần Quý Long, Lê Ngọc Hân, Trần Thị Minh Thi. Họ là những hạt nhân trong phong trào,đi dầu và có thành tích chuyên môn nổi trội, có nhiều đóng góp cho các hoạt động xây dựng cơ quan.
Với kết quả trên, tập thể Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới 5 năm liền đều được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”, trong đó 2 lần được nhận Bằng khen, 1 Cờ thi đua của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Cờ thi đau của Chính phủ.
Anh Cao (Tài liệu của Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ X)