Thượng sĩ Lê Hoàng Khang Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, Lê Hoàng Khang đã mơ ước được vào ngành Công an để góp một phần công sức của mình phục vụ cho quê hương, đất nước. Chính vì vậy, anh luôn cố gắng trong học tập và rèn luyện ngay từ đó. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Khang đăng ký tham gia nghĩa vụ công an nhân dân vào năm 2016 và được phân công về nhận nhiệm vụ tại phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Sóc Trăng cho đến nay.
Thời gian qua, anh đã được lãnh đạo đơn vị phân công trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên 20 vụ; tham gia huấn luyện công tác phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng dân phòng và bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương. Trong số các vụ cứu hộ, cứu nạn Khang tham gia, có hai vụ việc đáng nhớ nhất và cũng khiến anh thấy rất đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng đó.
Vụ thứ nhất là vào khoảng hơn 16 giờ, ngày 1/10/2018, anh cùng các đồng chí trong đơn vị nhận được mệnh lệnh của lãnh đạo chỉ huy thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đối với một trường hợp là học sinh lớp 9, mới 15 tuổi tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Khi đến nơi, Khang được phân công trực tiếp lặn xuống sông, còn các đồng chí khác trên ghe hỗ trợ; con sông đó tuy không lớn, nhưng mới được nạo vét xong nên khá sâu, nước chảy tương đối mạnh. Khang nhớ lại: “Khi vừa bước xuống sông thì tôi có cảm giác chới với, rất sợ vì thời điểm đó trời đã tối. Lúc đó, tôi nghĩ gia đình nạn nhân đã mất đi một đứa con, mình phải cố gắng tìm cho được xác nạn nhân để gia đình vơi đi phần nào nỗi đau. Nhưng đến gần 12 giờ đêm mà vẫn chưa tìm thấy xác người bị nạn, nên lãnh đạo đơn vị ra lệnh rút quân để hôm sau tìm tiếp.”
Đến sáng hôm sau, Khang tiếp tục được phân công thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân, đến gần 11 giờ trưa, mặc dù rất mệt và bị thương ở chân, nhưng nhìn thấy cảnh trông chờ mỏi mòn của người thân nạn nhân và được đồng đội động viên, Khang lại tiếp tục lặn tìm giữa sông cách chỗ nạn nhân ngã khoảng 15m thì gặp được xác.
Với thành tích đó, Khang được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen và với những thành tích rèn luyện, phấn đấu trong 3 năm, Khang được xét chuyển biên chế vào năm 2019. Khi được chính thức vào ngành Công an, anh tự hứa với bản thân là cần phải cố gắng và phấn đấu hơn nữa, mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, Khang luôn cố gắng học tập, rèn luyện và công tác cho thật tốt.
Lặn xuống độ sâu 5m để cứu người bị nạn
Vụ thứ hai vào khoảng 16 giờ ngày 10/2/2020, khi nhận được tin vụ tai nạn chìm sà lan trên sông Hậu thuộc ấp An Thường, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, anh đã cùng 13 cán bộ chiến sĩ tham gia thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.
Chiếc sà lan mang biển kiểm soát ST-061.69 do anh Trần Vĩnh Xuyên điều khiển, trên tàu là cả gia đình anh Xuyên gồm vợ anh là chị Nguyễn Ngọc Lành cùng 3 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất chỉ mới 12 tuổi, đứa nhỏ nhất cũng mới vừa lên 5. Khi đến ngã ba sông thuộc ấp An Thường, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng thì xảy ra tai nạn chìm sà lan. Anh Xuyên và đứa con lớn của anh may mắn thoát chết, còn chị Lành và 2 cháu nhỏ không kịp thoát nạn.
Đến khoảng gần 18 giờ, các đồng chí trong đội tiếp cận được hiện trường vụ tai nạn. Sau khi quan sát tổng thể và được người dân cung cấp thông tin, chỉ huy đơn vị cho tiến hành trinh sát xung quanh sà lan và phát hiện bên trong sà lan có người còn sống. Lúc đó có nhiều phương án đặt ra nhưng chỉ huy bàn bạc cùng đồng đội quyết định lặn để cứu nạn nhân là cách tốt nhất, không còn phương án nào khả thi hơn vì thời gian nạn nhân ở dưới nước quá lâu dễ nguy hiểm tới tính mạng.
Khi nhận được lệnh từ chỉ huy, Khang nhanh chóng lặn xuống sà lan và phát hiện đường vào bên trong khoang mà nạn nhân đang bị mắc kẹt. “Tôi lặn xuống sâu hơn 5m, lúc đó nước chảy mạnh, qua mô tả của chủ sà lan, tôi lần theo 8 nấc thang tới khoang có người kêu cứu, phát hiện chị Lành còn sống. Dù chị đang nắm vào thanh sắt để đu người lên nhưng nước đã ngập tới cổ. Ngay lập tức tôi lặn quay ra báo cáo chỉ huy để có phương án cứu chị Lành” - Khang kể lại.
Lúc đó chỉ huy phân công Khang và một đồng chí cùng vào trong cứu người bị nạn ra ngoài. Việc này rất khó và nguy hiểm vì lúc đó nước chảy rất mạnh, sà lan chỉ nổi một phần mũi trên mặt nước nên có thể lật úp hoàn toàn bất cứ lúc nào.
Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng với tâm huyết và tấm lòng thương cảm gia đình nạn nhân, Khang quyết định bằng mọi cách phải cứu cho được người bị nạn. Lúc đó anh liền lấy một chai nước, một đèn pin cầm tay và hỏi chỉ huy xem có cách nào bơm oxy ở ngoài vào trong khoang sà lan để cho nạn nhân tiếp tục có oxy để thở không, vì anh biết nạn nhân đã phải chịu khát hàng giờ đồng hồ và bên trong khoang tối om, không còn nhiều oxy để thở. Khi nghe Khang hỏi, chủ ghe cào đậu cặp bên liền lên tiếng là có máy chạy oxy và nhanh chóng đưa cho anh một đường ống dẫn oxy. Khang nhanh chóng lấy ống dẫn oxy và lặn xuống khoang mà anh xác định nạn nhân đang ở bên trong. Khi đến nơi, Khang nổi lên và nhìn thấy nạn nhân. Anh liền lấy chai nước mang theo cho nạn nhân uống, sau đó lấy ống thở của mình hướng dẫn cho nạn nhân tập thở.
Cùng lúc đó, Đại úy Nguyễn Hoàng Khải vừa lặn vào. Các anh hướng dẫn nạn nhân cách thở ở dưới nước. Khi nhận thấy nạn nhân bắt đầu thở được dưới nước, Khang nhanh chóng nổi lên thông báo cho chỉ huy biết và cùng cán bộ chiến sĩ chuẩn bị đưa người bị nạn lên trên ca nô an toàn. Nạn nhân được đưa lên ca nô lúc hơn 18 giờ 21 phút và được các bác sĩ nhanh chóng đưa về bệnh viện để theo dõi.
Lúc này chỉ huy yêu cầu vào trong khoang kiểm tra lần nữa xem còn nạn nhân nào bên trong hay không. Khang nhận lệnh và tiếp tục lặn vào bên trong tìm kiếm thêm lần nữa. Sau một hồi tìm kiếm và không phát hiện gì thêm, anh nổi lên và báo cáo là không còn ai trong khoang cả. Ngay lập tức chỉ huy báo cáo lãnh đạo phòng là không còn nạn nhân nào trong khoang, xin ý kiến ngừng tìm kiếm và được lãnh đạo chấp thuận.
Qua vụ cứu nạn, cứu hộ trên, Khang đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích đột xuất, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.
Chia sẻ về thành tích của mình, Lê Hoàng Khang chỉ khiêm tốn: “Xác định trách nhiệm của mình là cứu người nên chúng tôi không ngại ngần gì khi lao xuống dòng nước dữ cứu chị Lành. Cứu được chị Lành là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ chúng tôi. Tôi nghĩ, ở vào vị trí của mình, ai cũng hành động như vậy thôi”.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, hành động xả thân cứu người của Thượng sĩ Lê Hoàng Khang cùng đồng đội rất đáng biểu dương, góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Anh Cao (Tài liệu của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X)