Thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cơ bản phù hợp, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đến thời điểm hiện tại theo yêu cầu chung của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tiến độ việc sáp nhập đơn vị cấp huyện, cấp xã chậm hơn. Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm trong vấn đề chỉ đạo. Nhưng địa phương cũng cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc này. Bởi việc này đã chủ động sớm, từ năm 2023 đến nay và nhiều địa phương đã chủ động.
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính rất quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chờ từng ngày để thông qua theo đúng tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị để sắp xếp đơn vị hành chính nhằm phụ vụ cho Đại hội đảng các cấp”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết(1).
Tuân thủ theo 6 nguyên tắc trong sắp xếp
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải tuân thủ theo 6 nguyên tắc được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15(2), cụ thể như sau:
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Hai là, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải tuân thủ Hiến pháp, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Ba là, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.
Bốn là, chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
Sáu là, gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của 21 tỉnh, thành phố diễn ra chiều ngày 24/10/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Cần sớm ổn định hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của Nhân dân; phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thực hiện tốt công tác chuẩn bị; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thay đổi giấy tờ. Người dân sợ nhất những thủ tục này; có biện pháp tuyên truyền trước, trong, sau kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Người dân phải là trung tâm trong câu chuyện sắp xếp này. Đồng thuận xã hội, người dân là yếu tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ này”.
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, thời gian qua các địa phương trong cả nước thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã khẩn trương hoàn thiện Đề án, hồ sơ của địa phương mình gửi Bộ Nội vụ thẩm định, cho ý kiến và trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt và ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 cho các địa phương.
Trong số 50 tỉnh, thành phố đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, có 5 thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng; Nghị quyết số 1251/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 1192/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Cần Thơ.
TP. Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, 273 đơn vị hành chính cấp xã
Tại Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025. Cụ thể:
Đối với Quận 3, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 10 vào Phường 9. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 13 vào Phường 12.
Đối với Quận 4, tiến hành nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 6 vào Phường 9. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 10 vào Phường 8. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 14 vào Phường 15.
Đối với Quận 5, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 3 vào Phường 2. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 6 vào Phường 5. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 8 vào Phường 7. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 10 vào Phường 11.
Đối với Quận 6, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 3, Phường 4 vào Phường 1. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 6 và điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 5 để nhập vào Phường 2. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 5 sau khi điều chỉnh theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết này vào Phường 9. Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 10 để nhập vào Phường 11. Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 13 để nhập vào Phường 14.
Đối với Quận 8, thành lập phường Rạch Ông trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 1, Phường 2, Phường 3. Thành lập phường Hưng Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 8, Phường 9, Phường 10. Thành lập phường Xóm Củi trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 11, Phường 12, Phường 13.
Đối với Quận 10, tiến hành nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 7 vào Phường 6. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 5 vào Phường 8. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 11 vào Phường 10.
Đối với Quận 11, tiến hành nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 2 vào Phường 1. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 4, Phường 6 vào Phường 7. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 12 vào Phường 8. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 9 vào Phường 10. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 13 vào Phường 11.
Đối với Quận Bình Thạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số cảu Phường 3 vào Phường 1. Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 6 để nhập vào Phường 5. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 6 sau khi điều chỉnh theo quy định tại điểm b Khoản 8 Điều 1 Nghị quyết này vào Phường 7. Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 13 để nhập vào Phường 11. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 15 vào Phường 2. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 24 vào Phường 14.
Đối với Quận Gò Vấp, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 4, Phường 7 vào Phường 1. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 9 vào Phường 8. Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 13 để nhập vào Phường 14. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 13 sau khi điều chỉnh theo quy định tại điểm c Khoản 9 Điều 1 Nghị quyết này vào Phường 15.
Đối với quận Phú Nhuận, tiến hành nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 3 vào Phường 4. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 17 vào Phường 15.
Sau khi sắp xếp, Quận 3 có 10 phường; Quận 4 có 10 phường; Quận 5 có 10 phường; Quận 6 có 10 phường; Quận 8 có 10 phường; Quận 10 có 11 phường; Quận 11 có 10 phường; quận Bình Thạnh có 15 phường; quận Gò Vấp có 12 phường và quận Phú Nhuận có 11 phường.
Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 05 huyện và 01 thành phố; 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 210 phường, 58 xã và 05 thị trấn.
|
TP. Hà Nội còn 30 đơn vị hành chính cấp huyện và 526 đơn vị hành chính cấp xã
Theo Quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15(3), TP. Hà Nội tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã như sau:
Đối với huyện Ba Vì, thành lập xã Phú Hồng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Châu Sơn, xã Phú Phương và xã Tản Hồng. Sau khi sắp xếp, huyện Ba Vì có 29 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 28 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Chương Mỹ, thành lập xã Hồng Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đồng Phú, xã Hồng Phong. Thành lập xã Hòa Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phú Nam An và xã Hòa Chính. Sau khi sắp xếp, huyện Chương Mỹ có 30 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 28 xã và 02 thị trấn.
Đối với huyện Mê Linh, tiến hành nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Vạn Yên vào xã Liên Mạc. Sau khi sắp xếp, huyện Mê Linh có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 02 thị trấn.
Đối với huyện Mỹ Đức, thành lập xã Mỹ Xuyên trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Mỹ Thành và xã Bột Xuyên. Thành lập xã Vạn Tín trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đốc Tín và xã Vạn Kim. Sau khi sắp xếp, huyện Mỹ Đức có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Phú Xuyên, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tri Trung vào xã Hồng Minh. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đại Thắng và xã Văn Hoàng. Thành lập xã Quang Hà trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Sơn Hà và xã Quang Trung. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nam Triều vào xã Nam Phong. Sau khi sắp xếp, huyện Phú Xuyên có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 02 thị trấn.
Đối với huyện Phúc Thọ, thành lập xã Tích Lộc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thọ Lộc và xã Tích Giang. Thành lập xã Long Thượng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thượng Cốc và xã Long Xuyên. Thành lập xã Nam Hà trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Vân Hà và xã Vân Nam. Sau khi sắp xếp, huyện Phúc Thọ có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Quốc Oai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập xã Phượng Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phượng Cách và xã Yên Sơn. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tân Hòa và xã Cộng Hòa. Thành lập xã Hưng Đạo trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đại Thành và xã Tân Phú. Thành lập xã Liệp Nghĩa trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghĩa Hương và xã Liệp Tuyết. Sau khi sắp xếp, huyện Quốc Oai có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Thạch Thất, thành lập xã Lam Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Dị Nậu và xã Canh Nậu. Thành lập xã Quang Trung trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hữu Bằng và xã Bình Phú. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Chàng Sơn vào xã Thạch Xá. Sau khi sắp xếp, huyện Thạch Thất có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Thanh Oai, thành lập xã Cao Xuân Dương trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Xuân Dương và xã Cao Dương. Sau khi sắp xếp, huyện Thanh Oai còn 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Thường Tín, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thư Phú vào xã Chương Dương. Thành lập xã Vạn Nhất trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Vạn Điểm và xã Thống Nhất. Sau khi sắp xếp, huyện Thường Tín còn 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 26 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Ứng Hòa, thành lập xã Hoa Viên trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 03 xã Viên Nội, xã Viên An và xã Hoa Sơn. Thành lập xã Cao Sơn Tiến trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 03 xã Cao Thành, xã Sơn Đông và xã Đồng Tiến. Thành lập xã Thái Hòa trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hòa Xá, xã Vạn Thái và xã Hòa Nam. Thành lập xã Bình Lưu Quang trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Lưu Hoàng, xã Hồng Quang và xã Đội Bình. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hòa Lâm vào xã Trầm Lộng. Sau khi sắp xếp, huyện Ứng Hòa còn 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Gia Lâm, tiến hành thành lập xã Thiên Đức trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đình Xuyên và xã Dương Hà. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đông Dư vào xã Bát Tràng. Thành lập xã Kim Đức trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Kim Lan và xã Văn Đức. Thành lập xã Phú Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phú Thị và xã Kim Sơn. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Trung Mầu vào xã Phù Đổng.
Sau khi sắp xếp, huyện Gia Lâm có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 02 thị trấn. Quận Cầu Giấy, sau khi sắp xếp còn 08 phường. Quận Đống Đa, sau khi sắp xếp còn 17 phường. Quận Hà Đông còn 15 phường. Quận Hai Bà Trưng còn 15 phường. Quận Long Biên còn 13 phường. Quận Thanh Xuân còn 09 phường. Quận Ba Đình còn 13 phường. Thị xã Sơn Tây có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 06 xã và 07 phường.
Sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP. Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huỵên và 01 thị xã; 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
|
TP. Hải Phòng sắp xếp 82 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị giai đoạn 2023 - 2025
Với TP. Hải Phòng, từ ngày Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH(4) (ngày 01/01/2025), sau sắp xếp, Hải Phòng có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 quận, 6 huyện và 01 thành phố); 167 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 79 phường, 7 thị trấn và 81 xã), giảm 50 đơn vị cấp xã.
Theo Nghị quyết, thành phố Hải Phòng sẽ tiến hành sắp xếp 82 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị giai đoạn 2023 - 2025; đồng thời, thực hiện sắp xếp, điều chỉnh 3 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành lập thành phố Thủy Nguyên (nâng cấp từ huyện Thủy Nguyên) trực thuộc thành phố Hải Phòng, thành lập quận An Dương (nâng cấp từ huyện An Dương) và điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng.
Sau khi điều chỉnh, quận Hải An có 08 phường, gồm: Cát Bi, Đằng Hải, Đằng Lâm, Đông Hải 1, Đông Hải 2, Nam Hải, Thành Tô và Tràng Cát.
Thành lập thành phố Thủy Nguyên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Thủy Nguyên sau khi điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này.
Sau khi sắp xếp, thành phố Thủy Nguyên có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 phường: Minh Đức, Hoa Động, Thiên Hương, Quảng Thanh, Hòa Bình, An Lư, Phạm Ngũ Lão, Lập Lễ, Tam Hưng, Dương Quan, Hoàng Lâm, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Lưu Kiếm, Thủy Đường, Thủy Hà, Nam Triệu Giang và 04 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung.
Thành lập quận An Dương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện An Dương sau khi điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này. Sau khi sắp xếp, quận An Dương có 10 phường, gồm: An Đồng, An Hòa, Đồng Thái, Hồng Thái, Hồng Phong, Lê Thiện, Lê Lợi, Nam Sơn, Tân Tiến, An Hải.
Quận Hồng Bàng có 10 phường, gồm: An Hồng, An Hưng, Đại Bản, Hoàng Văn Thụ, Hùng Vương, Minh Khai, Phan Bộ Châu, Quán Toan, Sở Dầu và Thượng Lý (trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hạ Lý, phường Trại Chuối vào phường Thượng Lý).
Đối với huyện Tiên Lãng, thành lập xã Tân Minh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Toàn Thắng, xã Bạch Đằng và xã Quang Phục. Sau khi sắp xếp, huyện Tiên Lãng có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 18 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Vĩnh Bảo, thành lập xã Vĩnh Hòa trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Vĩnh Long, xã Hiệp Hòa và xã An Hòa. Thành lập xã Vĩnh Hưng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nhân Hòa, xã Tam Đa và xã Quang Vinh. Thành lập xã Vĩnh Hải trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hưng Nhân, xã Thanh Lương và xã Đồng Minh. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Vĩnh Phong, xã Cộng Hiền vào xã Tiền Phong. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Cổ Am, xã Vĩnh Tiến vào xã Tam Cường. Sau khi sắp xếp, huyện Vĩnh Bảo có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 01 thị trấn.
Đối với huyện Kiến Thụy, thành lập xã Kiến Hưng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đại Hà, xã Thụy Hương và xã Ngũ Đoan. Sau khi sắp xếp, huyện Kiến Thụy còn 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 01 thị trấn.
Đối với quận Ngô Quyền, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Đồng Quốc Bình và phường Lê Lợi vào phường Lạch Tray. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Lạc Viên và phường Máy Tơ vào phường Gia Viên. Sau khi sắp xếp, quận Ngô Quyền có 08 phường.
Đối với quận Lê Chân, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Lam Sơn và phường Cát Dài vào phường An Biên. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hồ Nam và phường Dư Hàng vào phường Trần Nguyên Hãn. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Trại Cau và phường Đông Hải vào phường Hàng Kênh. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Niệm Nghĩa và phường Nghĩa Xá vào phường An Dương. Sau khi sắp xếp, quận Lê Chân có 07 phường.
Còn đối với quận Kiến An, thành lập phường Bắc Hà trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phù Liễn và phường Tràng Minh. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Quán Trữ và phường Lãm Hà vào phường Đồng Hòa. Sau khi sắp xếp, quận Kiến An có 07 phường.
TP. Đà Nẵng có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 47 đơn vị hành chính cấp xã
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1251/NQ-UBTVQH15(5) ngày 24/10/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023 - 2025.
Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu để nhập vào phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Sau khi điều chỉnh, quận Liên Chiểu có diện tích tự nhiên 80,96km2 và quy mô dân số 166.832 người. Phường Hòa Minh có diện tích tự nhiên 6,65km2 và quy mô dân số 43.060 người. Quận Thanh Khê có diện tích tự nhiên 10,50km2 và quy mô dân số 236.754 người. Phường Thanh Khê Tây có diện tích tự nhiên 2,38km2 và quy mô dân số 36.444 người.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc quận Thanh Khê, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hòa Khê vào phường Thanh Khê Đông. Sau khi nhập, phường Thanh Khê Đông có diện tích tự nhiên 1,71km2 và quy mô dân số 42.931 người.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tam Thuận vào phường Xuân Hà. Sau khi nhập, phường Xuân Hà có diện tích tự nhiên 1,43km2 và quy mô dân số 40.827 người. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Vĩnh Trung vào phường Thạc Gián. Sau khi nhập, phường Thạc Gián có diện tích tự nhiên 1,29km2 và quy mô dân số 41.802 người. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tân Chính vào phường Chính Gián. Sau khi nhập, phường Chính Gián có diện tích tự nhiên 1,10km2 và quy mô dân số 41.230 người. Sau khi sắp xếp, quận Liên Chiểu có 5 phường, gồm: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh. Quận Thanh Khê có 6 phường, gồm: An Khê, Chính Gián, Thạc Gián, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà. Quận Thanh Khê giáp các quận Cẩm Lệ, Hải Châu, Liên Chiểu và Biển Đông.
Đối với quận Hải Châu, Nghị quyết nêu rõ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Nam Dương và phường Bình Hiên vào phường Phước Ninh. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hòa Thuận Đông vào phường Bình Thuận. Nghị quyết cũng quy định thành lập phường Hải Châu trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hải Châu I và phường Hải Châu II. Bên cạnh đó, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên 0,19km2 của phường Thuận Phước để nhập vào phường Thanh Bình. Sau khi điều chỉnh, phường Thanh Bình có diện tích tự nhiên 1,76km2 và quy mô dân số 21.283 người. Sau khi điều chỉnh theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này, phường Thuận Phước có diện tích tự nhiên 2,21km2 và quy mô dân số 19.630 người. Sau khi sắp xếp, quận Hải Châu có 9 phường.
Đối với quận Sơn Trà, thành lập phường An Hải Nam trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường An Hải Đông và phường An Hải Tây. Đồng thời, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên 0,57km2, quy mô dân số 10.004 người của phường Thọ Quang để nhập vào phường Mân Thái. Sau khi điều chỉnh, phường Mân Thái có diện tích tự nhiên 1,74km2 và quy mô dân số 29.935 người. Sau khi điều chỉnh, phường Thọ Quang có diện tích tự nhiên 49,97km2 và quy mô dân số 27.179 người. Phường Thọ Quang giáp phường Mân Thái, phường Nại Hiên Đông và Biển Đông. Sau khi sắp xếp, quận Sơn Trà có 6 phường.
* Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2025), TP. Đà Nẵng có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 quận và 2 huyện; 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 36 phường và 11 xã.
Từ ngày 01/11/2024, TP. Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 80 đơn vị hành chính cấp xã
Ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1192/NQ-UBTVQH15(6) về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP. Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2024.
Theo Nghị quyết, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 0,50km2, quy mô dân số là 10.851 người của phường An Phú, toàn bộ diện tích tự nhiên là 0,35km2, quy mô dân số là 7.635 người của phường An Nghiệp và toàn bộ diện tích tự nhiên là 0,61km2, quy mô dân số là 23.313 người của phường An Cư vào phường Thới Bình. Sau khi nhập, phường Thới Bình có diện tích tự nhiên là 1,99km2 và quy mô dân số là 56.364 người. Sau khi sắp xếp, quận Ninh Kiều có 8 phường.
Đồng thời, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP. Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 quận và 4 huyện; 80 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 36 xã, 39 phường và 5 thị trấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương
Đối với “Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế” (Đề án), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nội dung cơ bản của Đề án; tán thành sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với các lý do và cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ . Hồ sơ, trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế đã bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt và bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương với yếu tố đặc thù về bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về mặt nguyên tắc đối với các nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, cụ thể là: (1) sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế hiện nay để thành lập quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa; (2) thành lập thị xã Phong Điền và các phường, xã thuộc thị xã Phong Điền; (3) sắp xếp các huyện Nam Đông, Phú Lộc và thành lập thị trấn trực thuộc; (4) thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế trực thuộc trung ương và thành lập, giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện ở các đơn vị hành chính có liên quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Huế trực thuộc trung ương(7).
Ngay sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đúng như phương án Chính phủ đã trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Huế trực thuộc trung ương mà không tổ chức họp để xem xét lại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các cơ quan thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, tập trung thuyết minh các nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội, bảo đảm đúng quy định của pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đồng thời, đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về nội dung của Đề án để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Phát biểu trong phiên thảo luận ở Hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà một lần nữa nhấn mạnh: “Để đảm bảo việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo khoa học, chặt chẽ, chí rõ cả về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm của quốc tế khi thành lập các đô thị di sản. Theo đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế, lấy bảo tồn làm cốt lõi, nhằm tạo tâm lực và nguồn lực cho sự phát triển của Huế. Đồng thời, tạo sức lan toả từ Huế cho cả vùng, góp phần cho phát triển đất nước”(8).
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 ngày 30/11/2024 về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 ngày 30/11/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Huế giai đoạn 2023 - 2025.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được đổi tên để hoạt động với tên gọi TP. Huế kể từ ngày nghị quyết Quốc hội có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025. TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 133 đơn vị hành chính cấp xã. TP. Huế hiện hữu sẽ được tách thành 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa; thành lập mới thị xã Phong Điền; hợp nhất 2 huyện Nam Đông và Phú Lộc thành huyện mới mang tên Phú Lộc.
|
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, sắp xếp các đơn vị hành chính tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương./.
Cao Tuấn Anh, Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ
----------------
Ghi chú:
(1) https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=90363&CategoryId=0
(2) Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
(3) Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
(4) Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025.
(5) Nghị quyết số 1251/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023 - 2025.
(6) Nghị quyết số 1192/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP. Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025.
(7) Kết luận số 972/KL-UBTVQH15 ngày 02/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế trực thuộc trung ương giai đoạn 2023 - 2025.
(8) https://vovlive.vn/dbqh-de-xuat-cac-giai-phap-khi-thanh-pho-hue-truc-thuoc-trung-uong-479909.html