Phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm
Mục đích của thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ chủ trì tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tại Thông tấn xã Việt Nam; tuyển dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đồng thời, thanh tra việc tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý, nghỉ hưu đối với viên chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM; tuyển dụng công chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính). Thanh tra việc tuyển dụng công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương); công tác phòng, chống tham nhũng tại Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ).
Đối với các địa phương, Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức; tiếp nhận vào làm công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; nâng ngạch công chức tại UBND các tỉnh: Lào Cai, Hà Nam, Phú Yên, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Sóc Trăng, Tây Ninh, Cao Bằng. Thanh tra việc tuyển dụng công chức; tiếp nhận vào làm công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; công tác văn thư, lưu trữ tại UBND tỉnh Lai Châu và Tiền Giang.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiến hành chủ trì tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành về công tác thi đua, khen thưởng tại UBND TPHCM, Hải Phòng, các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Long An; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành về công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại UBND tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Bình, Đồng Nai, Lạng Sơn, Yên Bái, Đắk Nông, Kiên Giang.
Trước đó, tại Thông báo 354/TB-VPCP ngày 14/11/2022 kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ hai ngày 19/10/2022, nêu rõ: Phấn đấu trong tháng 11/2022, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh
Công tác cán bộ là gốc của vấn đề. Cán bộ nào thì phong trào nấy. Để xây dựng đất nước hùng cường thì đội ngũ cán bộ phải tận tâm, tận lực, có tầm, biết đặt quyền lợi tập thể, quyền lợi cộng đồng, quyền lợi của nhân dân, đất nước lên trên hết, trước hết.
Ngày 4/11 vừa qua, lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội (kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã làm rõ hơn một số vấn đề về công tác cán bộ, xây dựng bộ máy do các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu lên. Xoay quanh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cùng đó là giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm…
Nói như ĐBQH Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) thì việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế việc đánh giá, xếp loại vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý. Từ đó, ông Huân đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết những giải pháp mà bộ đã và sẽ triển khai giúp cho công tác đánh giá cán bộ được chính xác và phản ánh thực chất trong thời gian tới. Còn ĐBQH Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) đặt vấn đề: Vẫn còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực. Vậy đâu là nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới thế nào và bao giờ thì giải quyết được?
Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn cho biết, công tác cán bộ những năm gần đây đã có kết quả tích cực hơn; tuy nhiên việc đánh giá cán bộ còn chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm đầu ra, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Về tinh giản biên chế có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học ở một vài nơi.
Về vấn đề trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14, khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề: Với nhiệm vụ quyền hạn của mình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã làm gì để biến chủ trương trên thành pháp luật, thành quy tắc có tính chất áp dụng chung?
Theo bà Trà, đây truyền thống của dân tộc ta, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về thu hút và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương mới thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ được khoảng gần 3.000 người. Đây là con số quá ít ỏi vào làm việc trong khu vực công. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ đánh giá lại một cách tổng thể, toàn diện việc thực hiện chủ trương thu hút nhân lực, nghiên cứu xây dựng nghị định mới về thu hút, tuyển dụng tài năng, quan tâm nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường làm việc, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực công.
Một vấn đề rất quan trọng trong công tác cán bộ thời gian qua là việc tuyển dụng, bổ nhiệm liên quan đến vấn đề bằng cấp. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng việc đặt ra các quy định về quá nhiều bằng cấp mang tính hình thức và cũng tạo ra môi trường cho tiêu cực, không chú ý đến người thực học - thực việc, khiến đội ngũ thiếu sức mạnh.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo chức danh lãnh đạo, theo vị trí việc làm, cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết. Phải làm cho công tác cán bộ đi vào thực chất. Về sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức sẽ rà soát lại. Đây được coi như một cuộc tổng rà soát từ năm 2007 cho đến nay.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định liên quan đến các bộ. Chính phủ sẽ tiếp tục ra các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ… dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ. Về vấn đề tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng khẳng định đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế còn mang tính chất cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cải cách hành chính. Trong đó chú trọng việc đổi mới công tác đánh giá bảo đảm thực chất, quan tâm đến việc bố trí công tác giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư.