BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Việc tinh giản biên chế thời gian qua là một 'nỗ lực vượt bậc' của cả hệ thống chính trị

26/06/2023 15:29

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức tốt hơn, thực chất hơn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trước hết phải tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm đồng bộ liên thông với các quy định của Đảng theo hướng “xuyên suốt, đa chiều, có tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Còn hiện tượng đánh giá "dĩ hòa vi quý"

Đại biểu Hà Sỹ Hưng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, việc đánh giá xếp loại cán bộ công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã và sẽ triển khai để giúp cho công tác đánh giá can bộ được chính xác và phản ánh thực chất trong thời gian tới?”, Đại biểu Hà Sỹ Hưng nêu ý kiến.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, thời gian qua, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và công tác này những năm gần đây đã có chuyển biến “tích cực hơn”, thể hiện qua những con số: Năm 2021, số cán bộ công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ khoảng 22%, mà trước đó khoảng 30%. Còn cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ là 1,72%, những năm trước đó, tỷ lệ này chỉ có 0,56 - 0,64%.

Dù vậy, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, “nhìn tổng thể chúng ta thấy việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm kết quả công việc đầu ra, chưa đáp ứng yêu cầu nhiêm vụ”.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ  đang tập trung hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực. Từ đó, làm cơ sở để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Các bộ quản lý ngành lĩnh vực, địa phương cũng phải căn cứ vào quy định chung của Đảng, Chính phủ để cụ thể hóa ở cơ quan, đơn vị mình để xếp lại đánh giá cán bộ, công chức, viên chức công bằng, dân chủ, chính xác.

“Chỉ đánh giá công bằng, chính xác thì mới làm cơ sở, động lực để cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh. Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin; có công cụ cụ thể để đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.  

Sắp xếp bộ máy, tinh gọn biên chế

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) cho rằng mục tiêu tinh giản biên chế là nâng cao năng lực bộ máy, thực hiện chính sách tiền lương.

"Vậy việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến cải cách tiền lương, để bảo đảm đời sống cho cán bộ công chức, viên chức? Việc tinh giản biên chế 10% và kết quả đạt được thời gian qua là rất đáng ghi nhận, nhưng báo cáo của Bộ trưởng chỉ ra còn tình trạng tinh giản cơ học, cào bằng giữa các đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ ở một số lĩnh vực. Đâu là nguyên nhân chính, giải pháp?", đại biểu Tao Văn Giót nêu câu hỏi.

Trả lời đại biểu Tao Văn Giót, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Đây là câu hỏi rất hay, vì suốt thời gian vừa qua, chúng ta sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giảm một loạt các đơn vị sự nghiệp, cơ cấu lại, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách... mục tiêu để cải cách lại tổ chức bộ máy, cải cách lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Điều này đã tác động lớn để có điều kiện nâng lương cho đội ngũ.

Chỉ tính từ 2019 cho đến nay, chúng ta đã tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng, đây là nguồn để đưa vào cải cách tiền lương. Do vậy, mối quan hệ giữa việc sắp xếp bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ để tạo ra được nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện việc này để có thêm nguồn lực, cơ cấu lại đội ngũ gọn hơn, đầu mối các cơ quan, đơn vị, cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn hơn. Đây cũng là điều kiện để chúng ta có nguồn lực lớn cải thiện đời sống của người lao động trong khu vực công, là điều kiện để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Về việc tinh giản biên chế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn vừa qua, việc giảm biên chế là sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị vì chưa bao giờ chúng ta làm được việc sắp xếp tổ chức bộ máy và giảm biên chế được như vậy. Thời gian qua, đã giảm được 10,1% biên chế công chức, giảm 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc tinh gọn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, giảm được số người hưởng lương từ ngân sách.

"Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, đúng là có cào bằng và một mặt nào đó chúng ta vẫn giảm theo hướng cơ học. Vì trong số giảm, tinh giản chỉ khoảng 22%, còn lại là nghỉ hưu. Thêm nữa, biên chế giao các đơn vị không tiếp tục sử dụng và tuyển nữa. Quá trình cơ cấu lại đội ngũ, thực hiện tinh giản thì bước đầu phải làm theo hướng cơ học như vậy, phải giao chỉ tiêu cho các đơn vị để thực hiện mục tiêu là giảm 10% vì nhiều năm trước đó chúng ta không làm được", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau khi có các Nghị quyết của Bộ Chính trị, việc này đã triển khai  được.

"Tôi cho rằng còn có những hạn chế, có cào bằng, có cơ học nhưng chúng ta đã đạt được mục tiêu này và đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Anh Cao
Nguồn: baotintuc.vn
Tìm kiếm