BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ trưởng Nội vụ nói về việc điều chỉnh mức lương cơ bản công chức, viên chức

26/06/2023 15:10

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, chính sách tiền lương, giải quyết số cán bộ - công chức cấp xã dôi dư, tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PT

16h56: Quốc hội kết thúc phiên làm việc buổi chiều.

Tăng lương, tăng phụ cấp để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc

16h40: Phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một trong các khâu cần làm ngay là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Bộ đã chỉ đạo công tác trong hai năm qua và có những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, mỗi địa phương có một kết quả rà soát khác nhau, có địa phương sắp xếp tương đối cơ giới, máy móc, cứng nhắc. Do đó, đề nghị tới đây việc sắp xếp cần đảm bảo khoa học, các học sinh có điều kiện học tập thuận tiện nhất, giáo viên cũng không quá khó khăn trong việc dạy của mình…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn. 

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, một trong những giải pháp cần thực hiện là tiếp tục tuyển theo chỉ tiêu cũ, vừa khẩn trương tuyển theo chỉ tiêu mới. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất, tạm tuyển đối tượng giáo viên đạt được tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn mới. Đồng thời đề ra lộ trình bồi dưỡng, nâng chuẩn cho các đối tượng này để đạt được tiêu chuẩn mới vào năm 2030.

Về giải pháp để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc đang diễn ra, Bộ trưởng cho Bộ đang tiến hành nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trong đó vấn đề tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học cần được thực hiện cấp bách. Bên cạnh đó cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ chuyên môn. Bộ trưởng cho rằng cần nâng cao năng lực của các trường Đại học Sư phạm; có lộ trình tăng lương cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên.

Thu hồi 1.021 quyết định do sai phạm trong vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức

16h35: Trả lời câu hỏi về việc sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức viên chức trong thời gian vừa qua, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Kết luận 71 của Bộ Chính trị và Kết luận 27 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã rà soát những sai phạm trong vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2007 trở lại đây.

Về kết quả, đến thời điểm này đã rà soát 88.888 người (theo Kết luận 71); còn theo Kết luận 27 đã rà soát 11.000 người và trong tổng số đó đã phải thu hồi 1.021 quyết định do sai phạm trong vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

“Việc xử lý những sai phạm này được coi là cuộc tổng rà soát việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức trong suốt giai đoạn từ 2007 đến nay. Sau cuộc rà soát lại, chúng ta chấn chỉnh lại và các bộ ngành, địa phương cũng đang thực hiện rất nghiêm túc, không để xảy ra các sai phạm trong vấn đề tuyển dụng”, bà Trà nói.

Tiếp tục sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính và xác định vị trí việc làm 

16h30: Trả lời câu hỏi đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam về làm thế nào để giảm được 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng đây là bài toán cần sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành. Vừa qua, các cơ quan đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan bộ, ngang bộ thuộc Chính phủ; cải cách tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tới Trung ương...

Đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, bà cho biết mục tiêu là giảm 10% đầu mối từ trung ương tới địa phương với phương châm "Trung ương gương mẫu, địa phương cùng thực hiện". Số lượng đơn vị sự nghiệp hiện còn 753, những đơn vị phục vụ quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ thì sẽ được giữ lại, còn lại rà soát để phân cấp.

Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, bà Trà cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã giám sát, bổ sung các quy định và ban hành Nghị quyết. Đây là điều kiện thuận lợi để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn tới. Bà cũng nhấn mạnh giảm biên chế không còn cách nào khác phải cơ cấu và sắp xếp lại các tổ chức.

Đã giảm trên 7.400 đơn vị sự nghiệp công lập

16h20: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông): Bộ trưởng cần báo cáo rõ hơn về tình hình tinh giản giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn vừa qua với Quốc hội và cử tri. Trong báo cáo của Bộ trưởng có nêu, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm ban hành và hoàn thiện thể chế.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tranh luận.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Vừa qua, các cơ quan đã nỗ lực sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, giảm trên 7.400 đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh tự chủ thường xuyên và cả tự chủ một phần. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của các đơn vị trong toàn hệ thống nhưng còn có những vấn đề liên quan đến đẩy mạnh thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện đã có nghị định của Chính phủ hướng dẫn về tự chủ tài chính và về mặt tổ chức bộ máy. Tuy nhiên đúng như đại biểu đã nêu là dù các nghị định đã được xây dựng từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn còn chậm. 

“Bộ Nội vụ nhận trách nhiệm khi chưa thường xuyên đôn đốc cũng như chưa kịp thời báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo một cách quyết liệt, rốt ráo để đảm bảo thực hiện khi đã có nghị định thì phải kịp thời có các thông tư” - Bộ trưởng nói và cho biết trong thời gian tới sẽ chủ động để phối hợp chặt chẽ với các Bộ, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc thực hiện công việc, để không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện tự chủ.

Đã xử lý kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

16h00: Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn: Thời gian qua, không ít cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật gây ra phản ứng không tốt trong dư luận. Với tư cách là tư lệnh ngành, đề nghị Bộ trưởng nhận xét vấn đề này ra sao và cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Trong quá trình tổng hợp từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã phải xử lý 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải xử lý kỷ luật. Trong đó, có trường hợp phải xử lý hình sự. Riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã phải xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong đó có cả xử lý hình sự. Tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức thì chiếm khoảng 1%. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay.

“Từ thực trạng này, chúng tôi thấy làm thế nào để chúng ta vừa thực hiện rất nghiêm theo tinh thần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng, kỷ cương công vụ. Trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này” - Bộ trưởng nói và cho biết sẽ tham mưu để ban hành nghị định về đạo đức công vụ, từ đó đảm bảo đồng bộ quy định của Đảng với quy định của Nhà nước để xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch phục vụ nhân dân.

Cải cách tiền lương đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng

15h50: Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đặt câu hỏi về tình trạng thiếu giáo viên: Bộ Chính trị đã có quyết định giao bổ sung 65.850 giáo viên cho giai đoạn 2022- 2026, tuy nhiên, năm học 2022- 2023 tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn rất lớn; nhất là đối với các tỉnh thành phố có số lượng học sinh tăng cao.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể về vấn đề này? Vấn đề lương tối thiểu theo vùng, đội ngũ nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán thì mức lương cơ bản thấp. Giải pháp cho vấn đề này?

 Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai).

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Đối với lương tối thiểu vùng, hiện nay, đối với vùng 1 lương tối thiểu là 4.680.000 đồng, vùng 2 là 4.160.000 đồng, vùng 3 là 4.640.000 đồng, vùng 4 là 3.250.000 đồng. Như vậy, lương nhân viên và phụ cấp công vụ 25% thì chỉ có 3.464.000 đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Về giải pháp, trong kỳ họp này xem xét điều chỉnh mức lương cơ bản từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, như thế có nghĩa tăng 20,8%. Đối tượng nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán cũng thuộc điều chỉnh của việc tăng lượng này.

Sau khi thực hiện việc điều chỉnh tăng lương, nếu điều kiện kinh tế trong giai đoạn năm 2023 và những năm tiếp theo ổn định, tăng trưởng tốt thì sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Và khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng, đảm bảo công bằng, hài hoà, hợp lý.

Toàn quốc còn 7.700 biên chế viên chức nhưng đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước

15h25: Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) cho rằng hiện nay nhiều cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các lĩnh vực nhưng chưa được giao biên chế sự nghiệp nên quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều vướng mắc, nhất là đối với khối cơ quan thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính như Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng các địa phương hoặc khối Cảng hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa… Đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết phương án giải quyết vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai).

Trả lời, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng lại giao biên chế viên chức đã tồn tại từ rất lâu, chủ yếu ở các đơn vị có khả năng tự chủ. Quá trình phối hợp giữa Bộ Nội vụ với các đơn vị chức năng của các bộ ngành như Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường chưa chặt chẽ.

Vì vậy, hiện toàn quốc còn khoảng 7.700 biên chế viên chức nhưng đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Các bộ có hơn 2.000 người, địa phương hơn 5.000 người, chủ yếu rơi vào ngành nông nghiệp, kiểm lâm, kiểm ngư.

Bà Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, đánh giá cụ thể, để chuyển đổi biên chế từ viên chức sang công chức. "Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ tham mưu sớm về vấn đề này", bộ trưởng thông tin.

Năm 2021-2022, số lượng viên chức ngành giáo dục còn thiếu hơn 65.980 người

15h20: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) nêu rõ việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, vị trí việc làm dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm. Trước tình trạng này, Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào và Bộ Nội vụ có trách nhiệm ra sao để giải quyết thực trạng này?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk).

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất việc giao biên chế viên chức hàng năm, Bộ Nội vụ không có thẩm quyền mà chỉ có nhiệm vụ thẩm định biên chế viên chức hàng năm để các đơn vị căn cứ vào đó (theo quy định của Luật viên chức) các địa phương thông qua HĐND. Bộ Nội vụ có nhiệm vụ đề xuất, tham mưu cho Chính phủ để bổ sung biên chế viên chức, nhất là viên chức giáo dục, đáp ứng yêu cầu “có học sinh phải có giáo viên” nhưng phải đảm bảo một cách hợp lý, phải đảm bảo theo định mức.

“Hiện nay, theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra, chúng tôi nghĩ rằng tới đây cần có sự sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế. Tôi lấy ví dụ như năm 2021 – 2022, chúng tôi xác định số lượng viên chức ngành giáo dục còn thiếu là hơn 65.980 người trên định mức của Bộ Giáo dục nêu ra. Từ đó, chúng tôi sẽ báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về biên chế để giao biên chế giáo dục trong giai đoạn 2022-2026”, bà Trà nói.

Trưởng ngành nội vụ cho hay, việc giao biên chế phải trên cơ sở định mức; nếu chỉ căn cứ theo điểm trường thì rất khó khăn, không chạy theo được. “Các địa phương cố gắng sắp xếp lại quy mô, hệ thống trường lớp, nhất là trường liên cấp, dồn các điểm trường lẻ (ở vùng cao có nhiều nơi đang làm rất tốt, có những tỉnh giảm tới 800 điểm trường để đưa con em đồng bào về điểm trường trung tâm) thì chất lượng sẽ được nâng lên và giảm được đầu mối, từ đó giảm được biên chế. Tôi được biết có những tỉnh giảm được tới hơn 1.000 biến chế”, bà nói.

Chỉ rõ giải pháp tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?

15h15: Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, nếu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 34/ 2019/NĐ-CP, Bộ có lấy ý kiến từ cấp cơ sở tại thôn, xã hay không ? Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu rõ chừng nào thì Nghị định mới ra đời để cán bộ cấp xã yên tâm công tác?

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 34? Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 34, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp như nào để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, công chức không chuyên trách cấp xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết hiện nay có hai chế độ công vụ, một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và chế độ công vụ cấp xã. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã không có sự thay đổi lớn so với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, chỉ khác nhau về ngạch, còn cán bộ, công chức cấp xã trả lương theo trình độ đào tạo.

Đối với đội ngũ không chuyên trách, thời gian vừa qua khi thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa 12, cơ cấu gọn hơn, theo đó số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã giảm đi nên đang thực hiện khoán kinh phí hoạt động đội ngũ không chuyên trách ở cấp xã và khoán đội ngũ không chuyên trách ở thôn.

Bộ trưởng cho biết, thực tế có bất cật nên đã nghiên cứu rất kỹ, đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện Nghị định 34 và nhận thấy nhiều bất cập cần sửa đổi. Hiện dự thảo đã lấy ý kiến lần 1 đối với 63 tỉnh, thành. Sau kỳ họp Quốc hội này, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét phù hợp hơn. Bộ trưởng cho biết, sửa Nghị định 34 theo hướng phân cấp cho các địa phương căn cứ vào tổng số cán bộ, công chức của cấp xã cũng như cán bộ không chuyên trách các xã, thôn, tổ dân phố, căn cứ vào nguồn ngân sách của địa phương bố trí đủ số lượng người làm việc.

Điều hành phiên chất vấn, làm rõ thêm về việc lấy ý kiến sửa Nghị định 34 của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang phương cho rằng, ngoài việc đề nghị với cấp ủy chính quyền các địa phương tổ chức lấy ý kiến đối với các cán bộ xã phường, thôn bản, đề nghị Bộ Nội vụ nên đăng trên Cổng Thông tin của Bộ để toàn dân được tham gia, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở.

Đã xác định vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp và cấp xã

15h10: Tại Phiên chất vấn, đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) đề cập việc triển khai xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian vừa qua chưa đồng bộ do thiếu các quy định hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo ngạch và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trách nhiệm và bao giờ khắc phục được hạn chế này để cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27?

Trả lời câu hỏi của đại biểu về xác định vị trí việc làm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ năm 2012 đến năm 2019, chúng ta cũng đã xác định vị trí việc làm, tuy nhiên việc này chuẩn bị cũng chưa thật đầy đủ, căn cơ. Sau khi có Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 62 xác định vị trí việc làm đối với công chức và Nghị định 106 xác định vị trí việc làm đối với viên chức.  Hiện nay đã xác định được một khung chung.

Cụ thể, vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí, trong đơn vị sự nghiệp là có 615 vị trí, ở cấp cơ sở (cấp xã) có 17 vị trí. Bộ trưởng cho biết, thời gian tới phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng hoàn thiện lại các vấn đề liên quan đến xác định vị trí việc làm cũng như khung năng lực của vị trí việc làm để triển khai đồng bộ, toàn diện để đảm bảo quản lý biên chế theo vị trí việc làm.

Tiết kiệm 25.600 tỉ đồng từ sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

15h05: Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) cho biết, một trong những mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong giai đoạn vừa qua, việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức?

Đại biểu cũng cho biết, việc tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới thế nào và bao giờ thì giải quyết được? 

Đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu.

Trả lời, Bộ trưởng Trà cho biết, trong suốt thời gian qua, chúng ta sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đơn vị hành chính, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, chúng ta giảm tổ chức hành chính, giảm một loạt các đơn vị sự nghiệp. Chúng ta cơ cấu, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Mục tiêu đó là chúng ta cải cách tổ chức hệ thống bộ máy và cải cách đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta. Cho nên, báo cáo với các đại biểu, cái này tác động rất lớn, chúng ta có điều kiện để nâng lương cho cán bộ, công chức, viên chức chỉ có tính từ năm 2019 cho đến nay.

Như vậy, chúng ta đã tiết kiệm hơn 25.600 tỉ đồng. Đây là nguồn đưa vào làm lương. Mối quan hệ giữa tổ chức, sắp xếp bộ máy với tinh gọn biên chế tác động rất rõ để chúng ta tạo ra nguồn lực và thực hiện cải cách tiền lương. Tới đây tiếp tục triển khai việc này để chúng ta có thêm nguồn lực, cơ cấu lại đội ngũ gọn hơn, đầu mối của các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gọn hơn thì đó chính là điều kiện để chúng ta có nguồn lực rất lớn để chúng ta cải thiện đời sống của người lao động trong khu vực công. Đó là điều kiện để cải cách chính sách tiền lương.

Liên quan tới việc tinh giản biên chế trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn vừa qua việc tinh giản biên chế đạt được mục tiêu là sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị. Bộ trưởng cho biết, chúng ta giảm được 10,01% công chức và giảm được 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Và từ đó, đã góp phần quan trọng vào việc tinh gọn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bộ trưởng cũng cho hay, giai đoạn vừa qua đúng là có cào bằng và một mặt nào đó vẫn giảm theo hướng cơ học. Trong quá trình cơ cấu lại đội ngũ, thực hiện tinh giản thì bước đầu phải làm theo hướng cơ học và giao chỉ tiêu cho tất cả các cơ quan, đơn vị giảm 10% thì mới đạt được mục tiêu này. Bởi nhiều năm trước chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu này. Kể từ khi có Nghị quyết 39, Nghị quyết 18, 19 thì chúng ta đã làm được. Dù còn những hạn chế nhưng chúng ta đã đạt được mục tiêu tinh giản biên chế, việc này này làm cơ sở để tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Lãng phí tài sản công do chất lượng của một bộ phận công chức còn hạn chế

15h00: Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, trong báo cáo số 330 của Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 có nêu, năng lực của nhiều tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật còn hạn chế.

Cụ thể là còn thiếu kỹ năng phân tích, dự báo, thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu chính sách chưa sâu, chưa kỹ, chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành; một số trường hợp còn thiếu trách nhiệm, nặng về lợi ích ngành, cơ quan, chưa quan tâm bố trí đủ công chức làm công tác pháp chế.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga nhận thấy, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân. Với trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV?

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Trả lời, Bộ trưởng cho biết, theo đại biểu, chúng ta đang rất cần quan tâm để xây dựng đội ngũ công chức, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong những năm vừa qua, trong hệ thống đào tạo đã quan tâm, đào tạo lao động trên lĩnh vực pháp luật. Tuy nhiên, thực tế lực lượng này vào khu vực công không nhiều. Nhất là những năm gần đây, do thị trường lao động lĩnh vực này phát triển đa dạng, phong phú nên thu hút lực lượng lao động này khó khăn hơn.

Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu. Trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để xây dựng đề án một cách căn cơ, hoàn chỉnh và cụ thể để chuẩn bị nguồn nhân lực về việc tham mưu, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian mới.

Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa sát thực tế, dĩ hoà vi quý

14h58: Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) về việc công tác đánh giá năng lượng, chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức chưa sát thực tế, còn tình trạng nể nang, e ngại, dĩ hoà vi quý trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và thực chất kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian gần đây đã có chuyển biến tích cực hơn.

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn).

Số liệu năm 2021, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ đạt 22%, mà trước đó, số liệu này là 30%; số cán bộ công chức, viên chức được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ là 1,72% mà những năm trước đó, tỉ lệ này dao động từ 0,56% - 0,64%. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng bà Trà cho rằng “dù sao đi chăng nữa, việc đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức chưa sát thực tế, chưa căn cứ vào sản phẩm kết quả đầu ra, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, còn có những nội dung mà như đại biểu đã nêu”.

Bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Trong thời gian tới, để việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được tốt hơn, trưởng ngành nội vụ cho biết các cấp các ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về đánh giá, đảm bảo đồng bộ, có tiêu chí và bằng sản phẩm cụ thể. Cần tập trung hoàn thiện xong việc xác định vị trí việc làm, làm cơ sở để đánh giá năng lực của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm mới đảm bảo yêu cầu tốt hơn. Các bộ quản lý ngành, địa phương cần cụ thể hoá ở cơ quan đơn vị mình việc việc xếp loại, đánh giá công khai, công bằng, dân chủ, chính xác.

14h53: Bảng điện tử có 107 đại biểu đăng ký chất vấn. Chủ tọa điều hành phiên chất vấn đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung vào những câu hỏi tâm đắc.

Toàn cảnh hội trường phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 4.11.

Tập trung tinh gọn tổ chức bộ máy

14h50: Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ gửi lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước mà ngành nội vụ hoàn thành nhiệm vụ được giao đóng góp quan trọng và xây dựng nền hành chính Nhà nước. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đại biểu Quốc hội, Nhân dân và cử tri cả nước luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, theo dõi, chia sẻ đối với hoạt động của ngành.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết những năm qua, Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách và phối hợp, triển khai đồng bộ, toàn diện lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành liên quan tới bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, Bộ tập trung tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng đội ngũ. "Phía trước, ngành Nội vụ còn rất nhiều việc phải đổi mới, bổ sung, hoàn thiện đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội và cử tri cả nước", bà Trà nói.

Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

14h46: Chiều 4.11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ.

- Các vấn đề được chất vấn gồm:

+ Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.

+ Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.

+ Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.

+ Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

- Người trả lời chất vấn:

+ Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

+ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Báo cáo gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến 30.9, các bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm được 90% phòng trong vụ.

Các địa phương giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc Sở và thuộc UBND cấp huyện.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ nhìn nhận, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy chỉ là bước đầu, chưa bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Cũng theo báo cáo, tính từ ngày 1.1.2020 đến 30.6.2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 được giao là 247.722 biên chế. Trong đó bộ, ngành trung ương là 106.890 và địa phương là 140.832, giảm 27.530 biên chế.

Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%. Biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm được 11,67%.

Công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015, như vậy tính chung cả nước đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo nghị quyết của Đảng.

Về xử lý vi phạm, theo Bộ Nội vụ, thống kê năm 2021 thì có 20.382 cán bộ, công chức, viên chức  bị xử lý kỷ luật chiếm tỷ lệ 1% trên tổng số 2.037.307 cán bộ, công chức, viên chức cả nước (trong đó cán bộ, công chức là 12.651  người, chiếm 0,62%; viên chức là 7.731 người, chiếm 0,38%). 

Anh Cao
Nguồn: laodong.vn
Tìm kiếm