BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ đã thẩm định 40/42 Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

27/12/2019 15:50

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Nội vụ, ông Phan Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, đến nay, Bộ Nội vụ đã thẩm định 40/42 Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn tham luận tại Hội nghị


Địa phương chủ động rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào quy định của Đảng, Nhà nước đã chủ động rà soát số liệu để xác định số lượng các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Theo đó, có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã (trong đó, có 07 tỉnh thực hiện sắp xếp cả ĐVHC cấp huyện, cấp xã). Tất cả 45/45 tỉnh, thành phố đã gửi Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 về Bộ Nội vụ.

Đến nay, đã có 42/45 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ đề án chi tiết đến Bộ Nội vụ. Còn 03 tỉnh, thành phố chưa gửi hồ sơ đề án là thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang. Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định 40/42 đề án của các tỉnh, thành phố; trình Chính phủ hồ sơ đề án của 39 tỉnh, thành phố; Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề án của 31 tỉnh, thành phố; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hồ sơ đề án của 21 tỉnh.

Giảm 06 ĐVHC cấp huyện

Theo quy định của pháp luật thì có 19 ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp, tuy nhiên, các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp 09 ĐVHC cấp huyện, còn 10 ĐVHC cấp huyện thì đề nghị chưa tiến hành sắp xếp giai đoạn này. Mặc khác, tỉnh Quảng Ninh đề nghị sắp xếp 01 ĐVHC cấp huyện thuộc diện khuyến khích.

Kết quả đã có 18 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp (trong đó, 09 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 01 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 08 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp). Dự kiến, số ĐVHC cấp huyện giảm là 06 đơn vị. Trong đó, tỉnh Cao Bằng giảm 03 huyện, tỉnh Quảng Ngãi giảm 01 huyện, tỉnh Quảng Ninh giảm 01 huyện, tỉnh Hòa Bình giảm 01 huyện; các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới hành chính để sắp xếp các ĐVHC cấp huyện nhưng không giảm được số lượng ĐVHC cấp huyện.

Giảm 560 ĐVHC cấp xã

Đối với ĐVHC cấp xã, theo quy định thì có 631 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, tuy nhiên các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 546 đơn vị; còn 85 ĐVHC cấp xã thì đề nghị chưa tiến hành sắp xếp đợt này. Mặc khác, các tỉnh, thành phố còn đề nghị sắp xếp 11 ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích.

Như vậy, đến nay đã có 1.054 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp (trong đó, 546 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 397 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp). Dự kiến số lượng ĐVHC cấp xã giảm do sắp xếp là 560 đơn vị. Trong có có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 ĐVHC cấp xã; Cao Bằng giảm 38/199 đơn vị; Phú Thọ giảm 52/277 đơn vị; Thanh Hóa giảm 76/635 đơn vị; Quảng Trị giảm 16/141 đơn vị; Lạng Sơn giảm 26/226 đơn vị; Hải Dương giảm 29/264 đơn vị…

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân

Ông Phan Trung Tuấn cho rằng, các địa phương đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã để vừa đạt mục tiêu là giảm số lượng ĐVHC, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp. Bên cạnh đó, các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, thể hiện qua việc nhiều địa phương khi tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về phương án, đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì đều nhận được kết quả đồng ý với tỷ lệ cao.

Đặc biệt, các địa phương đều có phương án chi tiết về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách cho những người dôi dư khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, ông Phan Trung Tuấn cho biết, hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng để báo cáo Bọ Chính trị có văn bản hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; trong đó, có các nội dung như: thành lập tổ chức Đảng, số lượng cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư cấp ủy; thành lập tổ chức, cơ cấu cơ quan lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức giải quyết các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp.

Sau khi Ban Tổ chức Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc theo thẩm quyền có văn bản hướng dẫn đối với các cơ quan, đơn vị của chính quyền địa phương, bảo đảm thống nhất, đồng bộ khi triển khai thực hiện việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp./.

Thanh Tuấn

Tìm kiếm