Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ Nội vụ Việt Nam có đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; tại điểm cầu trực tuyến có đại diện Ban Công vụ các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Ông Chu Tuấn Tú phát biểu khai mạc Hội thảo Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Chu Tuấn Tú cho biết, Hội thảo là một trong những hoạt động để hiện thực hóa các nhiệm vụ của Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả và tính khả thi của các chính sách và quá trình ra quyết định; xác định vai trò của người dân trong quá trình xây dựng chính sách và ra quyết định. Chia sẻ kinh nghiệm và các thực tiễn tốt về các sáng kiến để phát huy vai trò của người dân trong quản lý công nói chung và trong quá trình hoạch định chính sách và quá trình ra quyết định nói riêng.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp để tiếp tục khuyến khích, phát huy vai trò của người dân trong quản lý công, xây dựng chính sách công trong bối cảnh, tình hình mới.
Ông Hoàng Minh Hiếu tham luận tại Hội thảo
Tham luận mở đầu Hội thảo với chủ đề “Tham vấn công chúng về dự án luật, pháp lệnh trên internet – Kinh nghiệm từ Quốc hội Việt Nam”, ông Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội cho biết, thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã triển khai các hoạt động trực tuyến như họp Quốc hội trực tuyến, tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng Liên minh nghị viện các nước ASEAN (AIPA) lần thứ 41 qua hình thức trực tuyến… các hoạt động này thêm một lần nữa thúc đẩy cách thức tham vấn thông qua internet nhằm đem lại hiệu quả cao trong việc xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam.
Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề cơ sở, địa phương và cả nước”. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định, các báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội cũng phải được đăng tải trực tuyến trên các trang web, Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước…
Việt Nam quy định rất chặt chẽ việc xin ý kiến Nhân dân bằng hình thức trực tuyến. Năm 2017, Văn phòng Quốc hội đã xây dựng trang web “Dự thảo online” để cung cấp thêm các công cụ tiện ích cho người dân dễ dàng tham gia góp ý vào các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản pháp luật.
Trang dự thảo online gồm: thông tin nền về dự thảo; ý kiến của người dân; ý kiến của Đại biểu Quốc hội, ý kiến của chuyên gia; báo cáo nghiên cứu; báo cáo thẩm tra; tờ trình và tài liệu liên quan; điều tra xin ý kiến; tin tức lập pháp; kết quả biểu quyết.
Sau 03 năm triển khai thực hiện đã có 98% các dự án luật trong chương trình xây dựng pháp luật được đăng tải; 02% là các dự án liên quan đến an ninh quốc gia không được đăng tải. Các dự án thu được nhiều ý kiến của người dân tham gia như Hiến pháp 2013; Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Công an nhân dân… Trên cơ sở góp ý của người dân, Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp báo cáo để gửi các Đại biểu Quốc hội đánh giá, tham khảo. Kết quả có đến 95% Đại biểu Quốc hội đánh giá là hữu ích; 45,4% Đại biểu Quốc hội thường xuyên sử dụng để tham khảo và phát biểu tại Quốc hội.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động tham vấn công chúng về dự án luật, pháp lệnh trên internet, ông Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh cần thiết phải nâng cao và cải tiến cách thức tham vấn đó là xóa bỏ khoảng cách bằng việc số hóa và đăng tải online; kết hợp truyền thông để người dân biết sự tồn tại của trang web và biết đến nội dung dự thảo các dự án luật, pháp lệnh; tăng cường sự tương tác giữa các cơ quan của Quốc hội, người dân, doanh nghiệp, tổ chức; có thể sử dụng các mạng xã hội để người dân biết được ý kiến của mình được tiếp thu như thế nào…
Đại diện Ban Công vụ Brunei tham luận tại Hội thảo
Đại diện Ban Công vụ Brunei cho rằng, ở mọi nơi trên toàn cầu, các Chính phủ đều đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp, có mối liên hệ với nhau và thay đổi nhanh chóng. Chính phủ có nghĩa vụ tiếp cận người dân bằng cách truyền tải những thông tin có lợi để họ có thể đánh giá tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và phát triển trong tiến trình đi lên của đất nước.
Ở Brunei, sự tham của cộng đồng thường xuyên là một trong những sáng kiến trong Khuôn khổ công vụ, nhằm hỗ trợ Chính phủ đối phó với những thách thức về kinh tế, xã hội cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc hoạch định chính sách, thực hiện các quy định trong các chương trình, dự án do cơ quan Chính phủ thực hiện. Quy trình này gồm 06 bước: tăng cường sự quan tâm của công chúng; tập trung vào các vấn đề quan trọng; tiếp cận những kiến thức cụ thể; giảm thiểu những hậu quả, tác động không mong muốn; xác định các chiến lược phù hợp; cải thiện truyền thông và trách nhiệm giải trình.
Kết quả đạt được là Chính phủ Brunei đã trao quyền cho công dân và tham gia vào việc thực hiện các ưu tiên và mục tiêu quốc gia; cam kết với cộng đồng cùng nhau đưa ra các giải pháp và sự lựa chọn; khuyến khích và xây dựng các hỗ trợ chiến lược.
Bài học kinh nghiệm được đại diện Ban Công vụ Brunei đưa ra là sự tham gia của cộng đồng có thể tăng cường kết quả phát triển. Tham gia với công chúng có thể đem lại sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và hòa nhập xã hội cao hơn, dẫn tới những cải thiện hữu hình trong cuộc sống người dân. Chính phủ Brunei nhận ra tầm quan trọng của sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện chính sách và đưa ra quyết định phù hợp.
Đại diện Ban Công vụ các nước ASEAN tham dự Hội thảo trực tuyến
Đại diện Bộ Công vụ Campuchia cho biết, Luật Quản lý thủ đô, tỉnh, đô thị và Khan 2008 đề cập ngắn gọn rằng: “cả công dân nam và nữ được trao quyền tham gia vào quá trình ra quyết định để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của họ”. Thông qua Ủy ban Quốc gia về Phát triển Tiểu quốc gia (NCDD), Chính phủ đề cao sự tham gia của người dân trong quá trình quyết định thông qua việc triển khai Dự án Tham gia của người dân tại cơ quan hành chính cấp Tiểu quốc gia kể từ năm 2014. Với việc thực hiện Dự án này, các Hội đồng địa phương bắt đầu để người dân tham gia vào việc lập kế hoạch phát triển cấp xã bằng cách lắng nghe người dân trong cộng đồng và sử dụng những ý tưởng, mối quan tâm, khuyến nghị đó làm đầu vào trong kế hoạch phát triển.
Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách gồm 06 bước: xác định những vấn đề; xác định các nhóm mục tiêu và phương pháp luận; chuẩn bị cho quá trình tham gia của người dân; thực hiện quá trình tham gia của người dân; đánh giá đề xuất và quyết định của hội đồng; thực hiện các quyết định của hội đồng.
Dự án này đã kết nối người dân và chính quyền địa phương trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.
Hội thảo trực tuyến ASEAN điểm cầu Bộ Nội vụ Việt Nam
Đại diện Cơ quan công vụ Indonesia cho biết, tại Indonesia, con số các văn bản pháp luật tại nước này rất lớn lại có sự chồng chéo, mâu thuẫn và có nhiều cách lý giải khác nhau, các cách hiểu khác nhau nên không có sự nhất quán, dẫn đến hiệu quả thực thi không cao.
Do đó cần phải có sự tham gia của người dân vào việc hoạch định chính sách nhằm tăng cường và triển khai thực hiện có hiệu quả, đặc biệt trong việc xây dựng văn bản pháp luật để đạt được mục tiêu phát triển quốc gia và nhằm hạn chế sự cảm nhận tiêu cực đến quá trình phát triển đất nước, tăng cường sự cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Chính phủ Indonesia cũng trao quyền cho người dân tham vào quá trình xây dựng luật như lắng nghe ý kiến của người dân; coi trọng vai trò của nghiên cứu viên, vai trò của các nhà phân tích chính sách; tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa…
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng tham vấn công chúng thông qua hình thức trực tuyến để tăng cường tính minh bạch trong việc xây dựng pháp luật. Các dự thảo văn bản đã được đưa lên internet để xin ý kiến người dân và các khuyến nghị đối với việc tập trung vào nội dung dự thảo văn bản.
Đại diện Bộ Nội vụ Lào cũng cho biết, Chính phủ Lào đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc hoạch định chính sách, pháp luật. Tiếng nói của người dân có đóng góp rất quan trọng trong việc ra quyết định, Chính phủ thừa nhận sự tham gia của người dân và sự tương tác giữa các nhóm khác nhau.
Sáng kiến để tăng cường sự tham gia của người dân là điều tra phản hồi của người sử dụng dịch vụ, đây là kênh của chính quyền điều tra, khảo sát. Các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và triển khai thực hiện dự án và nắm bắt tình hình triển khai trong khu vực đó.
Chính phủ Lào cũng thực hiện đo lường mức độ hài lòng của người dân và nắm bắt các đề xuất nhằm cải thiện tốt hơn các dịch vụ công. Các dịch vụ được tập trung đo lường như giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch, giao thông công chính…
Chính phủ Lào cũng mong muốn cải cách hệ thống văn bản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút đầu tư vào đất nước và giảm bớt sự quan liêu hành chính; cung cấp cơ chế thuận lợi để tạo điều kiện cho các bên tham gia; giúp chính quyền địa phương hiểu đươc các lỗ hổng mà ở đó thiếu các dịch vụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; tăng cường mối quan hệ điều phối giữa các cơ quan; tiến hành thu thập các số liệu để hoạch định chính sách phù hợp với nhu cầu địa phương và cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng tham luận tại Hội thảo Liên quan đến việc đo lường sự hài lòng của người dân, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Việt Nam cho biết, một trong những nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020.
Chính phủ Việt Nam đã tiến hành đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ của mình nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Các yếu tố đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức bao gồm 05 yếu tố cơ bản: tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; thủ tục hành chính; công chức giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.
Trong vòng 03 năm, từ năm 2017 đến năm 2019, đã có khoảng 100.000 người dân tham gia khảo sát, tại 63 tỉnh thành trong cả nước, 384 huyện và 1.152 xã. Các báo cáo SIPAS hàng năm được thiết kế với ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu, mọi nhóm dân cư có thể đều hiểu được các thông tin trong báo cáo. Chỉ số SIPAS đã tăng dần theo từng năm và đến nay đã đạt mức trên 80%.
Giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn vào điều tra trực tuyến, tuy nhiên việc tiến hành điều tra trực tiếp vẫn được thực hiện vì có tính đại diện và bao trùm tốt hơn; tập trung vào một số chủ đề cụ thể trong các nhóm công dân khác nhau, đơn giản vì không phải người dân nào cũng có điều kiện tham gia vào mạng internet.
Quang cảnh Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, đại diện Ban Công vụ các nước Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Singapore cũng đều khẳng định, Chính phủ cần phải đồng hành với người dân trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật mới có thể đem lại hiệu quả cao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thanh Tuấn