BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: Từ quá khứ tới tương lai

24/11/2021 15:03

Việt Nam và Nhật Bản có sự gắn bó thân thiết, tương đồng trên nền tảng văn hóa Đông Á. Ngày nay, sự gần gũi về văn hóa, lịch sử đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.

Ông Dương Trung Quốc: Những năm gần đây, Việt Nam luôn có vị trí được coi trọng trong quan hệ đối ngoại của Nhật Bản

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh điều này trước chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 22 đến ngày 25/11.

Theo ông Dương Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản đều là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển nên có mối quan hệ từ khá sớm. Thế kỷ thứ 16, 17 là thời kỳ mà mối quan hệ phát triển tương đối rõ nét, nhất là với việc hình thành đô thị Hội An (Quảng Nam) và mối giao thương giữa Việt Nam-Nhật Bản cũng như giữa Nhật Bản với các nước trong khu vực thông qua vị trí của Hội An. Dấu ấn của quan hệ Việt- Nhật trong thời kỳ này cũng để lại khá đậm nét trong những thư khố của Nhật Bản.

Trong thời kỳ cận đại, đối diện với các nước phương Tây, Nhật Bản đã chọn con đường tự lực, tự cường, con đường cải cách, con đường “Minh Trị”. Đó là một tấm gương cho người Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam còn ở chế độ phong kiến lạc hậu, lỗi thời và đóng cửa với bên ngoài…  Ở thời điểm đó, nhiều người Việt Nam đã nhìn Nhật Bản như một tấm gương để học tập, như phong trào Đông Du với vai trò của cụ Phan Bội Châu.

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo cả Đảng Cộng sản, nhân dân Nhật Bản cũng rất mạnh mẽ trong các phong trào chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.

Trên tất cả những nền tảng đó, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973.

“Đến nay, có rất nhiều biểu hiện cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, thông qua những số liệu kinh tế, những chuyến viếng thăm… nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, đó là sự tin cậy lẫn nhau về chính trị trong bối cảnh thế giới phức tạp”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản ngày càng khăng khít và phát triển mạnh.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn có vị trí được coi trọng trong quan hệ đối ngoại của Nhật Bản. Nhiều Thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên khi xuất ngoại sau khi nhậm chức. Lãnh đạo của hai nước cũng có các cuộc gặp gỡ, trao đổi rất thường xuyên. Chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản chắc chắn sẽ nối tiếp và củng cố quan hệ tốt đẹp ấy.

Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam vẫn coi Nhật Bản là một tấm gương vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh, điều này rất gần gũi với hoàn cảnh Việt Nam và có lẽ phía Nhật Bản cũng rất chia sẻ với Việt Nam về điều này với sự hợp tác, viện trợ hết sức thiết thực, hiệu quả.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, không chỉ trong quá khứ mà trong thời kỳ hiện tại, những yếu tố gần gũi về mặt văn hóa cũng là một cơ sở để cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được thuận lợi hơn. Như việc người Việt Nam sang Nhật Bản học tập, làm việc, người Nhật Bản sang Việt Nam để đầu tư…, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc.

Riêng trong ngành sử học, ông Dương Trung Quốc cho biết, các nhà nghiên cứu Nhật Bản luôn bày tỏ sự trân trọng với tinh thần nhìn thẳng vào quá khứ lịch sử giữa hai nước để rút ra các bài học thiết thực, coi đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững ngày nay. Ngay cả những vấn đề lịch sử trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà sử học Nhật Bản cũng rất chủ động hợp tác với phía Việt Nam để nghiên cứu, điều tra xã hội học, trên tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa, Việt Nam coi Nhật Bản là một đất nước có nhiều kinh nghiệm và giàu nguồn lực. Rất nhiều các chuyên gia, trường đại học Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả trong các dự án lớn như khai quật và bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long, khôi phục lại giá trị lịch sử của Hội An và đặc biệt của kinh thành Huế.

 

Nguồn: baochinhphu.vn

Tìm kiếm