BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đẩy mạnh hợp tác để xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại

20/12/2021 16:58

Sáng ngày 18/12, phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành ngoại giao “Đổi mới, sáng tạo hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại” trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 31 đã được tổ chức tại Hà Nội.

Những vấn đề quan trọng đối với việc thực hiện chủ trương xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, cũng như thiết thực đối với phát triển của đất nước như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, môi trường, y tế,… đã được các bộ, ngành đóng góp ý kiến.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, vai trò tiên phong của đối ngoại đã được phát huy
và thể hiện rõ qua các hoạt động “ngoại giao y tế”, "ngoại giao vaccine".

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả "ngoại giao vaccine", thuốc, trang thiết bị y tế

Trong bối cảnh dịch COVID-19, vai trò tiên phong của đối ngoại đã được phát huy và thể hiện rõ qua các hoạt động “ngoại giao y tế”, "ngoại giao vaccine", tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào phòng, chống, thích ứng an toàn và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Với rất nhiều nỗ lực từ ngoại giao vaccine, đến ngày hết ngày 14/12/2021, Bộ Y tế tiếp nhận 168.865.244 liều vaccine phòng COVID-19. Trong số vaccine đã tiếp nhận, Bộ Y tế đã phân bổ 103 đợt với 154 triệu liều, còn khoảng gần 14,8 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine. Thông qua việc tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, ngoại giao về vaccine đã đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội, qua đó khẳng định rõ vai trò tiên phong của đối ngoại trong văn kiện Đại hội XIII là hoàn toàn đúng đắn.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết bối cạnh hiện nay càng khẳng định rõ hợp tác quốc tế về lĩnh vực y tế là rất quan trọng trong đó có những lĩnh vực trao đổi hợp tác như: Kinh nghiệm của các nước trong việc xử lý dịch bệnh chung; nâng cao năng lực y tế của đất nước, trong đó có nâng cao năng lực y tế cộng đồng; hợp tác về sản xuất dược phẩm, không chỉ riêng vaccine phòng COVID-19 mà còn có các loại vaccine và dược phẩm khác; đồng thời nâng cao năng lực kinh nghiệm quản lý hỗ trợ cộng đồng…

Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn, trong thời gian tới, để triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong hoạt động đối ngoại là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành có liên quan để thực hiện công tác phòng, chống dịch, qua đó góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, với một số hoạt động.

Đó là: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường vai trò, vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế thông qua việc đóng góp, hỗ trợ và tham gia các hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức LHQ, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới; tranh thủ việc thiết lập, hình thành các văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; thực hiện có hiệu quả ngoại giao vaccine, thuốc, trang thiết bị y tế; triển khai việc công nhận giữa các nước về hộ chiếu vắc xin để mở cửa phục vụ cho phát triển kinh tế và giao lưu, đi lại của người dân giữa các nước và Việt Nam; thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển công nghiệp dược; tiếp cận sớm nhất vaccine, thuốc, công nghệ xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị thế hệ mới; hình thành các khu công nghiệp dược để tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Ông Đặng Quang Tấn cho biết, trong quá trình triển khai công tác ngoại giao vaccine, Bộ Y tế nhận thấy nhu cầu và sự cần thiết của việc cử cán bộ y tế sang làm việc tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài ở một số địa bàn trọng điểm, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và đặc biệt sự tác động của đại dịch COVID-19 vừa qua. Đây cũng là một trong những ưu tiên trong lĩnh vực đối ngoại của ngành y tế trong thời gian tới, đồng thời cũng phù hợp với xây dựng một nền ngoại giao toàn diện và hiện đại được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII…

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy để tiếp cận thêm các nguồn vaccine phòng COVID-19 cũng như vận động các nước hỗ trợ trang thiết bị phòng chống dịch, việc triển khai hợp tác với các nước trên để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine, tìm hiểu, tiếp cận thuốc và phương pháp điều trị COVID-19 ở một số nước sẽ là một thách thức mới, đòi hỏi vai trò không thể thiếu của cán bộ phụ trách về y tế tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài...

Theo ông Đặng Quang Tấn, nhằm đáp ứng nhu cầu về trao đổi thông tin y tế, nhu cầu  tư vấn, hỗ trợ kiều bào trong giai đoạn dịch bệnh nói riêng, tạo thuận lợi trong công tác ngoại giao y tế, an ninh y tế trong bối cảnh y tế toàn cầu nói chung, để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao, trên cơ sở các nghiên cứu và dự báo về mầm bệnh lây nhiễm và nguồn lây nhiễm tại Việt Nam và các nước trên thế giới, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các Bộ có liên quan để tổng hợp và đề xuất với  Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cử cán bộ y tế tại cơ quan đại diện một số khu vực, nước trọng điểm và tổ chức đa phương có hợp tác lớn về y tế cũng như có nguồn vaccine hiệu quả, như Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc.

Chủ động khơi dòng các nguồn tri thức và công nghệ tiên tiến

Phát biêu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho biết trong bức tranh ngoại giao chung của đất nước, hợp tác quốc tế về KH&CN cũng có nhiều thành tựu nổi bật. Đến nay, Việt Nam có quan hệ hợp tác KH&CN với gần 70 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ; có hơn 150 điều ước quốc tế (cấp Chính phủ) và hơn 80 thỏa thuận quốc tế (cấp Bộ) được ký kết. Bộ KH&CN đảm nhiệm vai trò cơ quan đầu mối triển khai điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và là đầu mối hợp tác đa phương với nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như: ASEAN, APEC, WIPO, IAEA, UNESCO,...

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN đã thực sự góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước theo chuẩn quốc tế, thu hút việc chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tăng cường tiềm lực KH&CN cho Việt Nam. Đồng thời, hợp tác quốc tế về KH&CN còn là một thành tố tích cực trong các hoạt động ngoại giao của đất nước. Việt Nam cũng tích cực trong các hiệp định quốc tế về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học...

Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng dưới làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc tế về KH&CN cần được nhìn nhận một cách tổng thể hơn và có tính chiến lược hơn để chủ động ‘khơi dòng’ các nguồn tri thức và công nghệ tiên tiến chảy vào đất nước, góp phần nâng cao năng lực hấp thụ tri thức mới, công nghệ nhập khẩu hiện đại từ nước ngoài, đưa KH&CN trong nước tiếp cận với KH&CN quốc tế; đồng thời, góp phần ngăn chặn được công nghệ lạc hậu từ nước ngoài, bảo đảm an ninh công nghệ quốc gia, và trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng KH&CN thế giới.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, Việt Nam cần xây dựng chính sách ngoại giao KH&CN. Đây là cách tiếp cận tổng thể để KH&CN trở thành một trụ cột mới trong chính sách đối ngoại quốc gia. Cụ thể, cần đưa KH&CN thành trụ cột trong các hiệp định, văn bản hợp tác với các nước đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện của Việt Nam; đưa một số nội dung hợp tác KH&CN vào trong các Hiệp định hợp tác kinh tế, khu vực thương mại tự do song phương và đa phương như dịch vụ , thu hút đầu tư cho nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ; ký kết các hiệp định hợp tác KH&CN thế hệ mới, trong đó tích hợp chuyển giao, mua bán công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa, các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam và đối tác tham gia hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ; tạo ra những cơ chế cụ thể để thu hút chất xám KH&CN trên thế giới vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà KH&CN Việt Nam ở nước ngoài và thúc đẩy lưu chuyển các nhà KH&CN trong nước ra nước ngoài (mobility) và trở thành một bộ phận tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động KH&CN khu vực và toàn cầu thông qua việc tham gia vào các dự án KH&CN lớn của thế giới.

Xây dựng chính sách ngoại giao KH&CN là cách tiếp cận tổng thể để KH&CN
trở thành một trụ cột mới trong chính sách đối ngoại quốc gia.

Đổi mới sáng tạo công tác ngoại giao khí hậu

Trong khi đó Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, biến đổi khí hậu hiện nay đang trở nên nghiêm trọng hơn và trở thành vấn đề khẩn cấp đối với toàn cầu. Do ứng phó với biến đổi khí hậu đã bước sang một giai đoạn mới, công tác ngoại giao khí hậu cần được đổi mới nhằm đáp ứng các yêu cầu và thách thức của tình hình mới.

Về đổi mới sáng tạo công tác ngoại giao khí hậu, ông Lê Công Thành nhấn mạnh cần đưa biến đổi khí hậu vào trong các chương trình nghị sự, chính sách và chiến lược hợp tác tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Trong đó các chủ đề nội dung ngoại giao khí hậu cần gắn liền với ngoại giao kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư vào các công nghệ xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sử dụng các sản phẩm xanh.

Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động ngoại giao khí hậu theo hướng không chỉ vận động hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các bộ, ngành địa phương mà phải kết nối mang đến các nhà đầu tư có công nghệ cao, công nghệ sạch vào Việt Nam hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu và cam kết giảm phát thải phù hợp với xu hướng chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Vận động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế tiềm năng như điện gió trên bờ, năng lượng gió ngoài khơi, điện mặt trời và năng lượng sạch.

Công tác ngoại giao khí hậu phải dự báo được sớm, phát hiện được từ xa các xu thế dịch chuyển đầu tư, phát triển công nghệ liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cần sớm có các khuyến nghị về cơ chế chính sách để trong nước có những phản ứng chính sách kịp thời theo yêu cầu mới phù hợp luật chơi mới trên toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính. Có như vậy Việt Nam mới có thể đón được những dòng tài chính đầu tư đang dịch chuyển theo xu thế giảm nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, vượt qua các hàng rào cản về thuế, phí liên quan đến phát thải các bon trong sản xuất hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam trên bản đồ thương mại đầu tư toàn cầu.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác ngoại giạo khí hậu trong đó nhấn mạnh cần tăng cường kết nối giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành liên quan để thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực hợp tác và đầu tư xanh. Cần tạo điều kiện và khuyến khích các cán bộ Việt Nam tham gia ứng cử vào các vị trí công tác của các tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á để tăng cường tiếp nhận thông tin và thúc đẩy hợp tác ngoại giao khí hậu giữa Việt Nam và quốc tế.

 

Nguồn: baochinhphu.vn

Tìm kiếm