BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Kiểm tra hoạt động công vụ và công tác cải cách hành chính tại tỉnh Lai Châu

09/09/2019 14:57

Sáng ngày 23/8, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn, đã  kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ và công tác cải cách hành chính tại tỉnh Lai Châu. 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân - Tổ trưởng Tổ công tác, phát biểu tại buổi kiểm tra.
(Ảnh: MOHA/Nguyễn Thắng)

Làm việc với Tổ công tác có Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND một số huyện, thành phố thuộc tỉnh Lai Châu.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân - Tổ trưởng Tổ công tác Kiểm tra hoạt động công vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, đã đề nghị UBND tỉnh kết hợp báo cáo về cải cách hành chính tại Lai Châu, với mục đích tiết kiệm thời gian của địa phương.

Báo cáo tại buổi làm việc về kết quả hoạt động công vụ và cải cách hành chính, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thực hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức,, đạo đức nghề nghiệp của viên chức tại địa phương; UBND các cấp đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống tiêu cực, đặc biệt là tình trạng tham nhũng vặt. Việc kiểm tra công vụ, công chức được UBND tỉnh thực hiện hàng năm phối hợp cùng với kiểm tra về cải cách hành chính. 

Ông Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, báo cáo tại Buổi kiểm tra.

Cụ thể, năm 2017-2018 UBND tỉnh thực hiện kiểm tra công vụ lồng ghép với kiểm tra cải cách hành chính. Năm 2019, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch về kiểm tra công vụ và thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất cả các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhằm ngăn ngừa, phát hiện và uốn nắn kịp thời các biểu hiện vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức nghiêm túc việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức về kết quả thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng đến cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tinh giản biên chế.

Về quản lý, sử dụng biên chế công chức, năm 2018 Bộ Nội vụ giao 2018 biên chế, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan 1980 biên chế; Năm 2019 Bộ Nội vụ giao 1976 biên chế, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan 1900 biên chế.

Về quản lý, sử dụng biên chế viên chức, năm 2018 Bộ Nội vụ thẩm định số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập là 16.983 người, UBND tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị 16.753 người; Năm 2019 Bộ Nội vụ thẩm định 16.106 người, UBND tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị 16.443 người.

Về hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP trong các đơn vị sự nghiệp, năm 2019 Bộ Nội vụ thẩm định 1.157 người, UBND tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị 1.164 người.

Về tinh giản biên chế gắn với việc sắp xếp lại tổ chức và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã góp phần làm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. UBND tỉnh đã xác định rõ số lượng biên chế giảm từng năm, đảm bảo đến năm 2021 giảm 2.172 người, tương đương 10,32% so với tổng biên chế được giao năm 2015 theo lộ trình và yêu cầu tinh giản biên chế của Trung ương. Cụ thể, UBNE tỉnh giao biên chế năm 2019 giảm 1.326 biên chế so với năm 2015, trong đó thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ được 363 người. Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII giảm được 955 biên chế so với năm 2017. Đối với hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố đã giảm 319 người không chuyên trách. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý và sử dụng biên chế được giao; bước đầu gắn việc bố trí biên chế, số người làm việc phù hợp với vị trí việc làm và thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đảm bảo chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. 

Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, từ năm 2018 đến nay đã giảm 130 tổ chức, đơn vị do giải thể, sáp nhập so với năm 2017 tại các Sở và UBND cấp huyện. Giảm 165 lãnh đạo cấp phòng trực thuộc Sở, ngành và UBND cấp huyện, trong đó giảm 96 cấp trưởng và 69 cấp phó. Từ năm 2015 đến 2018, sắp xếp giảm 116 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tính riêng từ năm 2018 đến nay giảm 102 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Tính đến ngày 30/4/2019, có 54/482 đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên trở lên, trong số đó có 5,2% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính. Việc sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi sáp nhập, giải thể đơn vị được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, tính đến ngày 15/6/2019 trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 2.456/2.457 công chức, viên chức, nhân viên hợp đồng đã được bố trí, sắp xếp tại các cơ quan, đơn vị sau giải thể, sáp nhập. Hiện nay chỉ còn duy nhất 01 viên chức dôi dư do không bố trí, sắp xếp được tại Trung tâm Phát hành sách – Văn hóa phẩm thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

UBND tỉnh đã ban hành Đề án tổng thể sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, theo đó dự kiến đến năm 2020 sẽ sáp nhập 434 thôn, bản, tổ dân phố để thành lập 216 thôn, bản, tổ dân phố; giảm 218 thôn, bản, tổ dân phố, dựu kiến giảm 2.398 người hoạt động không chuyên trách. Bước đầu trong năm 2018 đã thực hiện sáp nhập 60 thôn, bản, tổ dân phố tại 05 huyện (Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Mường Tè).

Nhìn chung, công tác tuyển dụng công chức, viên chức và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ tháng 6/2012 đến nay được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, từ tháng 6/2012 đến ngày 31/12/2018, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng là 3.938 người, trong đó có 145 công chức và 3.793 viên chức.

Công tác bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn, trình tự bổ nhiệm. Kết quả bổ nhiệm 4.267 lượt người được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển và bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn từ tháng 6/2012 đến ngày 01/4/2019. Đa số các cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về tuổi bổ nhiệm theo quy định.

Thực hiện đúng số lượng cấp phó tại cơ quan, đơn vị cơ bản đảm bảo bằng hoặc thấp hơn quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tuy nhiên trong năm 2018 số lượng cấp phó ở một số phòng, đơn vị thuộc Sở cao hơn so với quy định bởi nguyên nhân thực hiện sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Công tác tiếp công dân được các sở, ban, ngành và UBND các cấp nghiêm túc thực hiện, trong năm 2018, toàn tỉnh đã tiếp 1.344 lượt với 1.996 người với 1.237 vụ việc. Qua công tác tiếp công dân, các cấp, các ngành đã xem xét, giải quyết, hướng dẫn, giải thích cho công dân hiểu về các chế độ, chính sách có liên quan, đồng thời giúp công dân thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Báo cáo về công tác cải cách hành chính, UBND tỉnh đã quán triệt việc thực hiện cải cách hành chính đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; ban hành và triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính nhà nước; thực hiện kiểm tra cải cách hành chính và bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính.

Ngay từ tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 21/01/2019 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, chỉ đạo các sở, ngành và ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố triển khai thực hiện, trong đó nội dung cải cách hành chính được chỉ đạo cụ thể: đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ, kiến tạo phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp và giải quyết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin điện tử,.nâng cao đạo đức công vụ tăng cường kỷ luật kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực nhũng nhiễu vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ.

Cụ thể, đến thời điểm này UBND tỉnh đã tổ chức 01 Hội nghị phân tích đánh giá kết quả chỉ số PCI Lai Châu năm 2018, nhiệm vụ và giải pháp cải thiện PCI năm 2019, và 01 Hội nghị phân tích đánh giá Chỉ số PAR Index, PAPI, SIPAS tỉnh Lai Châu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các Chỉ số PAR Index, PAPI, SIPAS trong năm 2019.

Mở 5 lớp bồi dưỡng đạo đức công vụ cho các học viên là cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND thành phố Lai Châu và huyện Mường Tè. Thành lập tổ kiểm tra công vụ, công chức và thực hiện kiểm tra công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức tại 5 đơn vị.

Kết quả thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp nhanh, gọn, xử lý hồ sơ thành lập mới doanh nghiệp trung bình là đạt 1,2 ngày, giảm 60% so với quy định của Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn là 100%, thời gian thực hiện khởi sự doanh nghiệp còn 05 ngày. Trong 6 tháng đầu năm có 78 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 1.419 doanh nghiệp.

Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, UBND tỉnh Lai Châu đã chủ động bám sát các mục tiêu CCHC của Chính phủ để cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC trên địa bàn tỉnh năm 2019. Xây dựng chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đến năm 2020 và ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư quyết định chủ trương đầu tư trung bình xuống còn 20 ngày, quy định tại Luật Đầu tư là 35 ngày. Hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát cơ hội kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, Tỉnh đoàn Lai Châu đã thành lập tổ tư vấn Thanh niên khởi nghiệp, nhằm hỗ trợ thông tin kiến thức kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.
 

Thực hiện công khai minh bạch 142 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến doanh nghiệp ở đầu tư trong nước, nước ngoài tại trụ sở Kế hoạch trụ sở của Sở Kế hoạch Đầu tư, trên Trang dịch vụ công của tỉnh Lai Châu, trên trang Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Kết quả đạt được trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính trên các mặt công tác cải cách thể chế, kiểm tra rà soát văn bản, theo dõi tình hình thi hành pháp luật của tỉnh Lai Châu được thực hiện đúng pháp luật và theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.

Về cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh đã chỉ đạo kiểm soát chặt khâu ban hành thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện công bố, công khai TTHC, tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của các cá nhân tổ chức về quy định hành chínhthực hiện cơ chế một cửa liên thông. Đến nay tỉnh Lai Châu đã hoàn thành Trung tâm phục vụ hành chính công, dự kiến bắt đầu đưa vào sử dụng từ tháng 9/2019.

Tổng số TTHC của Lai Châu là 1.862 thủ tụctrong số đó cấp tỉnh có 1.493 thủ tục cấp tỉnh cấp huyện 258 TTHC và cấp xã 111 TTHC.

Kết quả giải quyết TTHC đến hết quý II năm 2019 đã tiếp nhận 117.449 hồ sơ (với 100.876 hồ sơ thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông), trong số đó hồ sơ đã giải quyết và trả kết quả là 116.072/117.449 hồ sơ (với số hồ sơ trả đúng hạn và trước hạn là 116.035; hồ sơ trả kết quả quá hạn  37 hồ sơ). Hiện naysố hồ sơ đang giải quyết  1.377 hồ sơ (chưa đến hạn 1371 hồ sơ, quá hạn có 06 hồ sơ).

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản điều hành dùng chung liên thông 4 cấp và triển khai tích hợp chữ ký số trên Hệ thống này; nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ; tích hợp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Lai Châu và Hệ thống một cửa điện tử tại địa chỉ: http://laichau.vnptgate.vn.

Ông Trần Ngọc Huy - Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, phát biểu tại Buổi kiểm tra.

Tại buổi kiểm tra, các thành viên Tổ công tác đánh giá UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc nội dung yêu cầu báo cáo, tuy nhiên, các thành viên Tổ công tác cũng đề nghị UBND tỉnh báo cáo bổ sung một số nội dung, như: về tình hình sử dụng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; về tình hình chuyển công chức cấp xã lên các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh; về kết quả rà soát công tác tuyển dụng công chức, viên chức trong những năm trước; về số lượng cấp phó; về số lượng lớn biên chế sự nghiệp và phương án sắp xếp, tổ chức các trung tâm y tế đa chức năng; về kết quả sử dụng các đội viên sau khi kết thúc Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu; về công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến nhằm mục tiêu tạo sự thuận lợi, rút ngắn khoảng cách di chuyển, tiết kiệm thời gian cho người dân, tổ chức.

Bà Đào Thị Hồng Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế, phát biểu tại Buổi kiểm tra.

Ông Trương Hải Long - Thư ký Tổ công tác, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), phát biểu tại Buổi kiểm tra.

Ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, phát biểu tại Buổi kiểm tra.

Ông Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng BCĐ Cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), phát biểu tại Buổi kiểm tra.

Báo cáo, giải trình làm rõ các nội dung được Tổ công tác yêu cầu, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và một số sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu đã trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc sử dụng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; về kết quả rà soát hồ sơ tuyển dụng công chức; điều chuyển công chức cấp xã lên các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh; về tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó, tinh giản biên chế, đồng thời đánh giá việc thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn các trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thành công tốt đẹp.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu, phát biểu giải trình tại Buổi kiểm tra.

Ông Phạm Văn Huỳnh - Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy, phát biểu giải trình.

Phát biểu tại Buổi kiểm tra, bà Giàng Páo Mỷ - Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Lai Châu tiếp thu những ý kiến góp ý của Tổ công tác, tổng hợp để hoàn thiện báo cáo gửi Bộ Nội vụ đúng thời gian quy định; đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về hoạt động công vụ.

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ phát biểu tại Buổi kiểm tra.
(Ảnh: MOHA/Nguyễn Thắng)

Kết luận Buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - Tổ trưởng Tổ công tác Kiểm tra hoạt động công vụ của Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo hoạt động công vụ và công tác cải cách hành chính của UBND tỉnh Lai Châu. 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân biểu dương UBND tỉnh Lai Châu và Sở Nội vụ, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đã thực hiện tốt việc phê duyệt đề án vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp, mô tả vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm. Đây chính là cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, quản lý biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan hành chính cũng như tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng trực tiếp giải đáp 4 vấn đề kiến nghị của Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, liên quan đến: xử lý vi phạm trong công tác tuyển dụng, biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, phương án sáp nhập đơn vị hành chính và công tác tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu kết luận.

 

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổ công tác của Chính phủ, đề nghị tỉnh Lai Châu thực hiện một số nhiệm vụ:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai các Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức bộ máy, về công tác quản lý biên chế, công tác cán bộ, vấn đề kỷ cương, kỷ luật hành chính, văn hóa công vụ.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, công tác công vụ nói chung, công tác cán bộ nói riêng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, kể cả đơn vị sự nghiệp công lậpphấn đấu đến hết năm 2019 phải thanh tra, kiểm tra hết các đơn vị; Có kế hoạch để khắc phục những hạn chế theo các kết luận của các cơ quan Trung ương; chuẩn bị nhân sự tốt nhất cho Đại hội Đảng sắp tới; Rà soát công tác cán bộ theo Kết luận số 43-KL/TW của Bộ Chính trị và kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm theo đúng quy định tại Kết luận số 48-KL/TW của Ban Bí thư để tiến tới Đại hội các cấp vào năm 2020; Khắc phục những nội dung kiến nghị trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ năm 2017 và đây cũng là một bước chuẩn bị tốt cho công tác nhân sự của Đại hội đảng các cấp.

Thứ ba, khắc phục những tồn tại trong công tác tuyển dụng.

Thứ tư, chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu giúp UBND tỉnh phê duyệt đề án xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để làm cơ sở tuyển dụng công chức, viên chức; trường hợp đã phê duyệt thì nghiên cứu bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp. Thẩm quyền này đã giao cho Chủ tịch UBND tỉnh tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Thứ năm, chỉ đạo các cấp, các ngành quản lý nghiêm về biên chế công chức, chấm dứt tình trạng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn; chỉ đạo quyết liệt trong việc tinh giản biên chế, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị theo quy định.

Thứ sáu, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các văn bản của UBND, HĐND ban hành phải phù hợp chủ trương, nghị quyết của Đảng, với Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, trường hợp phát hiện văn bản không còn phù hợp đề nghị sửa đổi, bổ sung.

Thứ bảy, đối với các trường hợp sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, cần sớm gửi đề án để Hội đồng liên ngành thẩm định trước khi trình Chính phủ trình Ban Thường vụ Quốc hội. 

Thứ tám, tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, hạn chế tối đa việc cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công cho cấp phó tiếp công dân.


Ông Phạm Minh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với một số sở, ngành tại tỉnh Lai Châu, chiều ngày 22/8.
(Ảnh: Vụ Cải cách hành chính)

Trước đó, chiều ngày 22/8, ông Phạm Minh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) đã có buổi làm việc với một số sở, ngành của tỉnh Lai Châu về công tác cải cách hành chính và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2018 của tỉnh Lai Châu./.

Nam Phong 

Tìm kiếm