Chúng tôi quan niệm rằng để có nghị quyết kỳ họp, ngoài những nhiệm vụ kinh tế xã hội, phải đáp ứng các yêu cầu phát sinh, các vấn đề mang tính cấp bách mà nhiều người quan tâm, cử tri bức xúc, những điều bất cập trong quá trình thực hiện nghị quyết, cần phải chấn chỉnh hoặc điều chỉnh bổ sung; chính vì thế hoạt động giám sát phải nêu vấn đề và giải quyết được các yêu cầu này. Chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát càng cao thì việc đề ra nghị quyết càng khả thi và khoa học.
Như vậy chất lượng và hiệu quả của giám sát tại kỳ họp vừa là kết quả của việc thực hiện nghị quyết đồng thời là cơ sở để hoạch định chính sách (nghị quyết). Theo tôi, giám sát tại kỳ họp bao gồm: các báo cáo thẩm tra của Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân, thảo luận và kiến nghị, chất vấn và trả lời chất vấn, nội dung các hoạt động này gắn kết nhau làm đề tài cho nhau.
Báo cáo thẩm tra tốt trên cơ sở xây dựng chương trình giám sát tiếp cận được tình hình thực tiễn. Để có báo cáo thẩm tra tốt, trước hết phải xây dựng chương trình giám sát trên cơ sở: yêu cầu phát triển bền vững của thành phố, kịp thời cập nhật những vấn đề lớn mà người dân quan tâm, các phát sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết…, quan tâm đến phương thức giám sát, từng bước cải tiến, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả hơn là số lượng; từ giám sát chung chung, dàn trải, nghe báo cáo là chủ yếu đến giám sát theo chuyên đề, lựa chọn điểm giám sát, từ giám sát khi gần kỳ họp đến giám sát thường xuyên, đột xuất với nhiều hình thức khảo sát, thực địa tại một công trình, một cơ sở hoặc phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân quận huyện, phường xã…
“Năm 2006 là năm cải cách hành chính” và trong báo cáo 6 tháng đầu năm của Ủy ban nhân dân và một số sở, ngành thành phố về tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt trên 90% thậm chí 100%, chỉ có một đơn vị đạt thấp nhưng cũng đạt tới mức 75%. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố thấy rằng cần phải phải tập trung giải quyết dứt điểm một, hai vấn đề quá bức xúc của cử tri, trước tiên là ý kiến chung quanh cải cách hành chính, tập hợp các thông tin này và làm việc với Ủy ban nhân dân cùng sở, ngành liên quan và sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề, song song đó tiến hành điều tra xã hội học về chỉ số hài lòng của người dân đối với 7 lĩnh vực thiết thực trong cuộc sống hàng ngày làm cơ sở cho giám sát tại kỳ họp cuối năm 2006 (đó là: rác thải, y tế cơ sở, vận tải hành khách công cộng (xe buýt), cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, công chứng và khai thuế, nộp thuế).
Trong thời gian qua, để thực hiện tốt công tác giám sát tại kỳ họp, Thường trực, các Ban luôn nắm bắt thông tin, các kiến nghị của cử tri- và phải nói rằng báo đài là một kênh rất quan trọng trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; thời gian gần đây chúng tôi tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của đại biểu đặt vấn đề để Thường trực quan tâm xử lý, đây cũng là nội dung chúng tôi phải xem xét, trả lời hoặc tiến hành giám sát dưới nhiều hình thức hết sức linh hoạt.
Kết luận giám sát càng rõ, thảo luận càng tập trung:
Ngoài việc chuẩn bị kỹ nội dung thảo luận trọng tâm, đòi hỏi các báo cáo thẩm tra phải có chất lượng, nghĩa là báo cáo giám sát, thẩm tra phải đáp ứng yêu cấu khách quan, trung thực, phát hiện những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết, thể hiện được chính kiến của người giám sát và có những kiến nghị xác đáng, khả thi, là cơ sở quan trọng và gợi mở cho các đại biểu thảo luận, tranh luận làm sáng tỏ vấn đề trước khi quyết định chính sách (biểu quyết). Báo cáo thẩm tra phải đánh giá được việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, chỉ ra được những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp. Hiện nay báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố phần nào có khắc phục được tính dàn trải, chung chung, liệt kê số liệu đã có trong báo cáo của Ủy ban nhân dân, nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu như đã nêu trên, nhất là phần kiến nghị. Vì thế tuy đi giám sát rất nhiều cuộc nhưng kết luận giám sát chưa rõ- chưa thể hiện được bản lĩnh của người giám sát, còn e dè nể nang, cả việc né tránh những vấn đề “nóng, bỏng”, chính vì vậy không thể đeo bám hậu giám sát và hạn chế đến chất lượng giám sát tại kỳ họp.
Do việc chuẩn bị khá chu đáo, nội dung thảo luận được chắc lọc từ báo cáo của Ủy ban nhân dân, tình hình giám sát của các Ban, ý kiến cử tri, chất vấn của các đại biểu nên nội dung thảo luận dần dần có tập trung hơn không dàn trải như trước đây, những chủ trương, biện pháp được bàn bạt thấu đáo, các quyết định rõ ràng, thiết thực và khả thi. Các đại biểu cũng khắc phục dần tình trạng mô tả tình hình, chỉ quan tâm phản ánh những vấn đề ở địa phương, không đề xuất được giải pháp đúng tầm của cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng…
Chất vấn và trả lời chất vấn là một hình thức rõ nhất tâm huyết và trình độ của người đại biểu nhân dân và năng lực trách nhiệm của người bị chất vấn.
Đây là phiên sôi nổi nhất và cũng căng thẳng nhất, được trực tiếp truyền hình, truyền thanh, cử tri có điều kiện theo dõi và tham gia ý kiến. Nội dung chất vấn cũng được tập hợp từ tình hình nêu trên, nhiều đại biểu đã gửi trước các câu chất vấn về Thường trực Hội đồng nhân dân, có những câu chất vấn được đặt ra sau khi nghe Ủy ban nhân dân báo cáo tại kỳ họp hoặc thảo luận, nảy sinh tại phiên chất vấn. Trước đó, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng lãnh đạo các Ban xem xét và chọn lọc những câu chất vấn mang tính cụ thể của vấn đề nhưng liên quan đến nhiều người và là bức xúc của cử tri như quy hoạch treo, các công trình chậm tiến độ, thi công kéo dài gây khó khăn trong sinh hoạt người dân, thất thoát, lãng phí, thủ tục hành chính, ngập nước, ô nhiễm môi trường…
Chất vấn và trả lời chất vấn là một hình thức thể hiện rõ nhất tâm huyết và trình độ của người đại biểu và năng lực, trách nhiệm của người bị chất vấn. Chúng tôi luôn cải tiến cách thức điều hành phiên họp này sao cho cả người chất vấn lẫn người trả lời chất vấn đều có sự chuẩn bị, tránh hỏi chiếu lệ, trả lời qua loa và như vậy cả 2 đều thiếu trách nhiệm với cử tri. Một cải tiến mà chúng tôi nhận thấy có tác động đến kết quả chất vấn là ngoài 2 số điện thoại trực tiếp để cử tri gọi đến, hộp thư điện tử, chúng tôi cho phát hình trực tiếp ý kiến người dân, hình ảnh tại hiện trường của vấn đề mà người trả lời chất vấn đang đề cập đến, nhằm minh chứng cho sự thiếu sâu sát, quan liêu, chậm trễ trong khắc phục yếu kém, hoặc phát hình những phóng sự đã được chuẩn bị trước để đại biểu thấy rõ hơn thực trạng của nội dung đang bàn. Ví dụ dư luận xã hội không đồng tình về việc Ủy ban nhân dân lấy 2ha ở công viên Gia Định để xây dựng chung cư cho việc tái định cư của người dân bị giải tỏa hoặc lấy 1/10 diện tích công viên 23 tháng 9 để xây dựng khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp (dự án lấy 2ha ở công viên Gia Định một lần nữa đã bị bãi bỏ), dự án lấy 1/10 diện tích công viên 23 tháng 9 còn đang trong quá trình lấy ý kiến củ mọi người, vì trong đại biểu Hội đồng nhân dân cũng chưa rõ tỉ lệ tán thành hay không tán thành và đoàn chủ tịch cũng thấy cần có thời gian thảo luận, tranh luận…
Kết quả đạt được trong phiên chất vấn khá tốt, những vấn đề bức xúc từ cuộc sống đã được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân đưa vào chương trình nghị sự để mổ xẻ giải quyết, khắc phục tình trạng chỉ một vài đại biểu chất vấn. Tuy nhiên, rất khó có nhiều đại biểu đi đến cùng, truy vấn đến cùng như yêu cầu. Hoạt động giám sát tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Người dân ngày càng hiểu hơn vai trò, vị trí của cơ quan quyền lực, của đại biểu Hội đồng nhân dân, được cung cấp thông tin nhiều hơn qua giải trình của chính quyền và quan trọng là nói lên được những bức xúc đối với diễn đàn của cơ quan quyền lực; Thường trực Hội đồng nhân dân ngày càng thể hiện được quyền hạn, trách nhiệm của mình, nâng cao năng lực trong hoạch định chính sách và quyết định các vấn đề quan trọng, thiết thực đến cuộc sống của người dân, từng bước khắc phục tính hình thức và đại biểu Hội đồng nhân dân càng nâng cao trách nhiệm của mình trước cử tri, nghiên cứu, nắm bắt tình hình, tham gia đề xuất giải pháp, biện pháp quyết định các chính sách, chủ trương; Ủy ban nhân dân và thủ trưởng các sở, ngành càng thấy trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mình, trong giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như trong điều hành công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được so với yêu cầu và mong muốn của người dân thành phố vẫn còn khoảng cách khá xa, và theo tôi, về chủ quan, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nhất là Thường trực và lãnh đạo chuyên trách các Ban của Hội đồng nhân dân, thì kết quả nhất định sẽ cao hơn nhiều.
Tóm lại, hoạt động giám sát nói chung và giám sát tại kỳ họp nói riêng đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén và bản lĩnh, Hội đồng nhân dân không được né tránh những vấn đề gai góc trong cuộc sống, càng không hình thức, phô trương. Khi đã đưa vào nghị trường (kỳ họp) vấn đề gì (sau khi đã chắc lọc) thì phải thảo luận, tranh luận đến nơi đến chốn, nếu chưa quyết định được thì dừng lại đến kỳ họp sau. Thường trực Hội đồng nhân dân cần nghiên cứu cách thức cung cấp thông tin cho các đại biểu một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Với những việc làm được, chưa làm được nêu trên, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, luôn đổi mới hoạt động, sâu sát thực tiễn, quan tâm một cách thiết thực đến đời sống người dân, chống bệnh hình thức, nửa vời./.
(Trích tham luận của bà Trần Thị Thanh Diệu, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại hội thảo về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tại An Giang, tháng 8/2006).