Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức trao đổi kinh nghiệm hoạt động của ĐBQH, tại Hội nghị này, tôi xin thay mặt Đoàn ĐBQH TP khoá 11 trình bày tóm tắt kết quả và những kinh nghiệm hoạt động của Đoàn trong 5 năm qua.
Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ vừa qua nhiều đại biểu có thay đổi công tác nhưng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và luôn gắn bó chặt chẽ với địa phương, với cử tri thành phố. Lãnh đạo Đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể và cử tri của thành phố luôn quan tâm, theo dõi hoạt động của Đoàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi và góp ý kiến, kiến nghị với Đoàn. Sau đây là một số kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH TP, ĐBQH TP trong nhiệm kỳ khoá 11:
1-Đoàn ĐBQH TPHCM xác định công tác xây dựng pháp luật là việc trọng tâm trong toàn bộ hoạt động của Đoàn nhằm góp phần cùng với Quốc hội thể chế hoá đường lối của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đoàn ĐBQH TP chủ trương mời gọi các luật sư, luật gia, các nhà khoa học, các trường đại học, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức thành viên, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân cùng chung sức đóng góp ý kiến vào các dự án luật. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH đã tổ chức 70 cuộc hội thảo đóng góp ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội thông qua; trên 30 cuộc khảo sát, tọa đàm để thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến. Phối hợp chặt chẽ với TT.HĐND TP trong việc tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân, các ngành, các cấp của TP đối với một số dự án luật quan trọng theo kế hoạch của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như Bộ luật dân sự, luật đất đai… Qua đó ghi nhận nhiều nội dung góp ý có cơ sở khoa học và thực tiễn báo cáo UBTVQH, tập hợp được nhiều tư liệu và tài liệu tham khảo cung cấp cho ĐBQH TP, từ đó giúp đại biểu nghiên cứu tham gia đóng góp xây dựng luật tại kỳ họp Quốc hội có chất lượng.
Tuy nhiên, mặc dù pháp luật có quy định nhưng do chưa có cơ chế cụ thể về việc trình sáng kiến luật của Đại biểu Quốc hội ra trước Quốc hội, kể cả quy định về việc trả lời của Quốc hội đối với các chủ thể trình sáng kiến lập pháp nên có nhiều vấn đề của thực tiễn đặt ra, ĐBQH TP có đề xuất nhưng vẫn chưa thể có sáng kiến luật được trình.
2-Đoàn ĐBQH TP nhiệm kỳ khoá XI đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cùng với Quốc hội cũng như chính quyền địa phương quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về kế hoạch kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm; quyết định về ngân sách, tổ chức bộ máy và nhân sự các cơ quan Nhà nước, về chủ trương thực hiện các công trình quan trọng của quốc gia. Tích cực tham gia triển khai luật, chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống tội phạm và bài trừ các tệ nạn xã hội... Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH TP đã góp phần tích cực đóng góp ý kiến để Quốc hội thông qua Nghị quyết 16/2003/QH11 về thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
3-Đoàn ĐBQH TP xác định công tác giám sát là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Đoàn và của ĐBQH nên đã dành nhiều thời gian cho hoạt động này. Từ khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội có hiệu lực (1/8/2003), Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 37 cuộc giám sát; tham gia 31 Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, HĐDT và các Uỷ ban của Quốc hội. Nhiều nội dung kiến nghị góp ý của Đoàn ĐBQH TP được UBND TP, Sở ban ngành TP, quận-huyện xem xét giải quyết, trả lời bằng văn bản, một số vụ việc đã được điều chỉnh theo sự góp ý của Đoàn ĐBQH như: tiến độ thi công công trình Bệnh viện Hùng Vương, dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa- Nguyễn Văn Trỗi, dự án KCN Tân Bình mở rộng; chấn chỉnh việc sử dụng nhà xưởng kho bãi của nhà nước không đúng mục đích, lãng phí; chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân KCX-KCN trên địa bàn TP; rà soát và giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng kéo dài...
Tuy vậy, công tác giám sát vẫn còn nhiều hạn chế. Số cuộc giám sát trực tiếp tại cơ sở tuy có tăng lên nhưng chưa nhiều. Đoàn ĐBQH TP chỉ mới chú trọng đến việc chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, công tác chất vấn giữa hai kỳ họp thực hiện không thường xuyên. Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa thực hiện được. Các cuộc giám sát thường tổ chức theo Đoàn ĐBQH; có rất ít ĐBQH thực hiện chương trình giám sát riêng. Nhiều kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH TP được các cơ quan hữu quan tiếp thu và có điều chỉnh trong quá trình ban hành các chính sách, điều hành nhưng không ít vụ việc còn dây dưa. Mặt khác, một số kiến nghị còn dàn trải và chung chung.
4-Trong nhiệm kỳ, Đoàn đã tổ chức 190 buổi ĐBQH tiếp 2.160 lượt công dân tại Trụ sở Đoàn. Tổng số đơn đã chuyển đến các ngành chức năng là 2664, có 1697 văn bản trả lời, đạt tỷ lệ 63,70%. Kết quả này còn nhiều hạn chế, không tương xứng với công sức của Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội. Còn khá nhiều văn bản trả lời với nội dung chung chung, nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài. Đơn thư khiếu nại, tố cáo do ĐBQH chuyển và có ý kiến, kiến nghị chưa thật sự được các ngành hữu quan giải quyết thấu đáo. Việc tổ chức các cuộc giám sát các vụ khiếu nại tồn đọng lâu ngày tuy được xem là tích cực, nhưng không nhiều và có vụ cũng chưa dứt điểm.
5-Nhiệm kỳ khoá 11, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 479 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có hơn 200 cuộc TXCT ở phường, xã, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành. Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh mang tiếng nói và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các ngành, các cấp của TP.Hồ Chí Minh đến diễn đàn Quốc hội, thực hiện quyền chất vấn và góp phần cùng với Quốc hội đôn đốc Chính phủ và các Bộ Ngành giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền TP cũng được Đoàn tập hợp và đề nghị UBND TP và các Sở Ngành hữu quan xem xét giải quyết. Một số Tổ ĐBQH trước khi tiếp xúc cử tri đã tiến hành làm việc với UBND TP và các Sở Ngành hữu quan để giám sát, đôn đốc giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri tại các lần tiếp xúc trước. Cách làm này được cử tri hoan nghênh.
Mặc dù có cải tiến trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri, nhưng nhìn chung tình trạng “ đại cử tri” vẫn còn phổ biến, số cuộc tiếp xúc cử tri ở cơ sở (xã, phường), tiếp xúc cử tri theo giới ngành còn ít. Việc đeo bám, đôn đốc và theo dõi kết quả giải quyết giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Chưa xác định cụ thể cơ chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với HĐND, UBND các cấp trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền địa phương để tránh trùng lắp.
Đoàn ĐBQH TP.HCM khoá XI đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động và phối hợp có kết quả với các cơ quan của Quốc hội và địa phương. Nhìn chung, Đoàn ĐBQH TP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp tích cực trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, thể hiện được vai trò là Đoàn ĐBQH của một TP lớn. Các ĐBQH trong Đoàn đều cố gắng giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, luôn có nhiều cố gắng để xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.
Hoạt động của Đoàn ĐBQH TP trong nhiệm kỳ khoá 11 tuy đạt nhiều kết quả, nhưng ĐBQH và tập thể Đoàn ĐBQH vẫn thấy còn những mặt hạn chế. Nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân tuy được ĐBQH ghi nhận phản ảnh nhưng quá trình đeo bám, đôn đốc giải quyết chưa đến nơi, đến chốn… Trong hoạt động giám sát, nhất là trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, còn không ít trường hợp chưa được trả lời hoặc trả lời chung chung. Nhiều nội dung bức xúc do cử tri kiến nghị - một mặt chưa được thể chế hoá bằng luật pháp hoặc chậm được hướng dẫn, mặt khác có nhiều quy định bất cập chậm được sửa đổi, bổ sung…
Từ thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn ĐBQH TP khoá 11 rút ra được một số bài học kinh nghiệm : Một là, phát huy tính chủ động sáng tạo trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sao cho phù hợp trong điều kiện đa số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, mục tiêu đã đề ra. Hai là, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự phối hợp với chính quyền, với mặt trận và các ban ngành đoàn thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn và nhiệm vụ ĐBQH. Ba là, gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của ĐBQH được pháp luật quy định, mà còn là yêu cầu bức thiết để ĐBQH và Đoàn ĐBQH nắm bắt được thực tiễn, nguyện vọng, ý chí của người dân, qua đó góp phần thể chế hoá vào các văn bản của pháp luật, làm cho các văn bản pháp luật gắn với thực tiễn, với cuộc sống. Bốn là, cần có sự phân công Đại biểu Quốc hội chuyên trách và xây dựng bộ máy Văn phòng Đoàn ĐBQH đủ mạnh để làm công tác tham mưu, giúp việc, nghiên cứu tổng hợp giúp Lãnh đạo Đoàn tổ chức thực hiện các hoạt động của Đoàn ĐBQH, tổ ĐBQH và ĐBQH.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH trong nhiệm kỳ mới, Đoàn ĐBQH TP khoá 11 xin đề xuất một số biện pháp:
1-Tạo điều kiện để ĐBQH gắn bó và đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tham gia giám sát, đôn đốc giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc do cử tri nêu ra; đồng thời tuyên truyền, giải thích để cử tri chấp hành đường lối, chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, vì nếu cơ chế, quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH có đầy đủ đến đâu, nhưng bản thân ĐBQH không thực hiện được đầy đủ trách nhiệm của mình, thì chức năng đại diện cho cử tri còn là hình thức. Phối hợp với MTTQ thực hiện chế độ báo cáo với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình để cử tri có điều kiện giám sát đối với ĐBQH theo quy định.
2-Tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức lấy ý kiến xây dựng pháp luật với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Kiến nghị UBTVQH tạo điều kiện để ĐBQH, Đoàn ĐBQH tiếp cận với dự thảo và các tài liệu tham khảo liên quan đến dự án luật ngay từ đầu, từ đó mới có thể huy động các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến một cách sâu rộng, thiết thực và có chất lượng.
3-Cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tập trung giám sát những vấn đề theo chương trình và những vấn đề cử tri đang bức xúc, có chú ý hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở. Kinh nghiệm cho thấy nếu cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH TP chỉ giới hạn trong một buổi làm việc với TT.UBND TP và các Sở, ngành hữu quan thì khó có thể đưa ra những kiến nghị sâu và có tính thuyết phục cao. Hoặc nếu chỉ nghe người được giám sát báo cáo mà không đối chiếu với nguyện vọng của dân, không đi sâu nghiên cứu tìm hiểu độ “chênh” của báo cáo so với thực tế thì giám sát cũng mang tính phiến diện. Khi tổ chức Đoàn giám sát cần cử những đại biểu có kiến thức chuyên sâu, am hiểu về lĩnh vực giám sát. Nâng cao chất lượng các kiến nghị sau giám sát và thực hiện giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước. Chú trọng tiến hành chất vấn giữa hai kỳ họp.
4-Tiếp tục duy trì và tổ chức thường xuyên các buổi tiếp công dân tại Trụ sở Đoàn ĐBQH theo quy định của Nghị quyết 228 của UBTVQH. Trong công tác này có một số nội dung cần được Đoàn ĐBQH TP khoá 12 nghiên cứu xử lý là: Nếu chỉ tiếp công dân, nhận đơn và chuyển đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đến các cơ quan chức năng và chờ trả lời thì hiệu quả không cao; nhưng nếu đơn thư nào cũng đi sâu phân tích, kiến nghị -nhất là các vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì trong điều kiện ĐBQH đa phần hoạt động kiêm nhiệm, cán bộ giúp việc cho Đoàn ĐBQH còn ít, sẽ tạo áp lực quá tải. Có một thực tế là: Nghị quyết 228 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định rõ ĐBQH không chuyển đơn của công dân do ĐBQH khác đã chuyển trước đó, song vẫn còn rất nhiều công dân tìm cách gặp hầu hết các ĐBQH để trình bày, khiếu nại và cho rằng đại biểucủa dân phải tiếp dân, phải can thiệp để giải quyết những vấn đề của dân. Mặt khác, trong một số trường hợp ĐB cho rằng các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết đúng pháp luật, nhưng công dân vẫn không đồng ý và đề nghị xem xét lại. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để minh định rõ chức năng của đại biểu dân cử với các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác này để vừa không chồng chéo chức năng, không làm cho công dân hiểu Đoàn ĐBQH như là cơ quan giải quyết khiếu nại cấp cao; vừa giám sát có hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
5-Đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri, tăng cường các cuộc tiếp xúc cử tri tại cơ sở, phường xã, khu dân cư, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành. Các tổ ĐBQH cần nghiên cứu việc tiếp xúc ở nhiều điểm để gặp gỡ và ghi nhận được nhiều ý kiến cử tri. Quan tâm đeo bám, đôn đốc và theo dõi kết quả giải quyết giải quyết kiến nghị của cử tri, tổ chức các buổi làm việc định kỳ giữa Đoàn ĐBQH TP với Thường trực HĐND, UBND TP để giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri và các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài trên địa bàn TP. Chú ý tạo thêm các kênh thông tin kết quả giải quyết đến cử tri nhanh hơn.
6-Tăng cường cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động của ĐBQH. Nghiên cứu cơ chế huy động chuyên gia, cơ quan nghiệp vụ để tư vấn và giúp cho ĐBQH trong xây dựng luật, giám sát, thảo luận các chủ trương về kinh tế xã hội. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng của cơ quan tham mưu giúp việc cho Đoàn ĐBQH.
Cuộc bầu cử Quốc hội khoá 12 đã thành công tốt đẹp. Cử tri đang mong đợi các vị đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng là đại biểu của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước và thành phố đã và đang tiến hành nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến trình phát triển, hội nhập. Chúng ta tin tưởng rằng các vị đại biểu Quốc hội TP.HCM nhiệm kỳ khoá 12 sẽ là những nhân tố tích cực, đóng góp có hiệu quả vào tiến trình này.
(Do đồng chí Phạm Phương Thảo -Chủ tịch HĐND TP,
Trưởng Đoàn ĐBQH TP trình bày tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH TP khoá 11 )