Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Ngày 22/5 tới đây, cử tri trong cả nước sẽ tham gia bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, những thiết chế quan trọng nhất của nền dân chủ đại diện ở nước ta.
Thực ra, dân chủ trước hết là việc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân có thể trực tiếp thực thi quyền lực này hoặc ủy quyền cho các đại biểu của mình. Trong trường hợp thứ nhất chúng ta có dân chủ trực tiếp. Trong trường hợp thứ hai, chúng ta có dân chủ đại diện.
Dân chủ trực tiếp là rất tốt đẹp, nhưng khó thực thi. Ngoại trừ trong phạm vi của một cộng đồng dân cư tương đối nhỏ (thôn, làng chẳng hạn), không thể triệu tập hàng chục nghìn hoặc hàng triệu công dân mỗi ngày để thảo luận và ban hành quyết định. Cho đến nay, trưng cầu dân ý là cách làm khả dĩ nhất để triển khai dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, cách làm này là rất tốn kém và không phải bao giờ cũng có nghĩa, nếu trước đó không diễn ra các cuộc tranh luận sâu rộng trong toàn xã hội. Dân chủ đại diện vì vậy vẫn là mô hình thực thi dân chủ thiết thực và hiệu quả hơn.
Như đã nói ở trên, dân chủ đại diện là việc nhân dân ủy quyền cho các đại biểu của mình thực thi quyền lực nhà nước. Dân chủ vì vậy gắn với hành vi ủy quyền nhiều hơn với hành vi đại diện. Và toàn bộ sự anh minh chính trị của một cộng đồng nằm ở khả năng thiết lập và vận hành cơ chế ủy quyền. Có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết trong cơ chế này. Thí dụ như: Việc ủy quyền được thực hiện như thế nào? Ủy quyền đến đâu và theo phương thức gì? Ủy quyền bao lâu và điều kiện tái ủy quyền? Mối quan hệ giữa người được ủy quyền và chủ nhân thực sự của quyền lực được thiết kế như thế nào? Ủy quyền cho ai, làm thế nào để chọn được chính xác những người này?
Về cơ bản, bốn câu hỏi đầu tiên thường được trả lời một phần trong Luật Hiến pháp và Luật Bầu cử, một phần trong thực tiễn của hoạt động bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp. Và cũng có những phần thực tế là chưa được trả lời. Điều mà cử tri quan tâm ngày càng nhiều hơn là: bầu cho ai và làm thế nào để chọn được chính xác những người này? Quá trình hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên đại biểu QH và HĐND các cấp đã diễn ra trong thời gian vừa qua chính là để góp phần trả lời những câu hỏi ấy.
Ủy quyền được thực hiện theo nguyên tắc “Chọn mặt gửi vàng”. Năm tiêu chuẩn mà Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đề ra là căn cứ quan trọng cho việc “chọn mặt” nói trên. (Có thể tóm tắt năm tiêu chuẩn này như sau: 1. Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và với Hiến pháp; 2. Có phẩm chất đạo đức tốt; 3. Có trình độ, năng lực; 4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; 5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của QH và HĐND). Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi làm việc và Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú chính là những công cụ được Luật Bầu cử đề ra để thẩm định các tiêu chuẩn nói trên. Ý kiến của các đồng nghiệp và của những người hàng xóm là tương đối khách quan và là cơ sở quan trọng cho các vòng hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên.
Tuy nhiên, việc “Chọn mặt gửi vàng” ở ta không chỉ được thực hiện theo tiêu chuẩn, mà còn theo cơ cấu. Thông thường, người đủ tiêu chuẩn thì chưa chắc đã nằm trong cơ cấu, và người nằm trong cơ cấu thì chưa chắc đã đủ tiêu chuẩn. Vấn đề đặt ra là xác định ưu tiên ở đây như thế nào? Ưu tiên tiêu chuẩn sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của các HĐND. Ưu tiên cơ cấu lại tăng cường khả năng đại diện của các cơ quan này (đồng thời bảo đảm công bằng xã hội). Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng một đại biểu không đủ trình độ thì sẽ rất khó thực hiện tốt chức năng đại diện, cũng như rất khó tác động lên nghị trường để bảo đảm sự công bằng xã hội. Khả năng điều chỉnh cơ cấu sau mỗi vòng hiệp thương cho thấy chúng ta đang dành ưu tiên nhiều hơn cho tiêu chuẩn của đại biểu QH và HĐND. Đây là cách làm hợp lý. Suy cho cùng, phương thức quan trọng nhất để vận hành chức năng đại diện là bảo đảm lợi ích (cả tinh thần lẫn vật chất) của việc làm đại biểu và bảo đảm sự phụ thuộc của các đại biểu vào cử tri hơn là bảo đảm sự xuất thân của họ.
Ngoài ra, các cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử của các ứng cử viên cũng đã cung cấp nhiều thông tin cần thiết để cử tri có thể “chọn mặt gửi vàng”. Chọn ai và “gửi vàng” cho ai cuối cùng là quyền của cử tri.
Nhân dân bỏ phiếu cho ai chính là ủy quyền cho người đó thay mặt mình điều hành công việc của đất nước. Về mặt pháp lý, sự ủy quyền chỉ được xác lập khi các ứng cử viên giành được từ trên 50% số phiếu của cử tri và có số phiếu cao hơn.
Điều chúng ta có thể làm vào lúc này là tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm và sự sáng suốt của cử tri.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng