BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


HỒ CHÍ MINH VÀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, KIỂM SOÁT

25/09/2015 16:56

Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo của thực tiễn cách mạng. Người không chỉ vạch ra định hướng, nguyên tắc hoạt động của cách mạng Việt Nam, đưa ra những quyết sách chiến lược mà còn trực tiếp tổ chức thực hiện các quyết sách đó một cách quyết liệt và triệt để trong đời sống. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Người luôn quan tâm nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu hoạt động của tổ chức là công tác kiểm tra, kiểm soát.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: kiểm tra, kiểm soát là yếu tố cơ bản để người lãnh đạo bám sát thực tiễn hoạt động. Kết quả kiểm tra giúp cho người lãnh đạo có thông tin thực tiễn, từ đó ban hành, điều chỉnh các quyết định một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu định hướng quản lý, lãnh đạo.

Hoạt động kiểm tra được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là phương pháp cơ bản trong hoạt động điều hành của mình, được Người đúc rút thành các nguyên tắc, cơ sở lý luận để truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đội ngũ cán bộ. Người đưa ra tiêu chí cụ thể, chức năng nhiệm vụ cụ thể của người lãnh đạo, kiên quyết chống thói hợm hĩnh, quan liêu. Yêu cầu đối với công tác lãnh đạo là phải dân chủ, gắn liền thực tiễn, chủ động sáng tạo, chịu trách nhiệm, không phải cứ ngồi phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh.

       Về kiểm soát công việc, trong bài “Thiếu óc tổ chức…” Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một điều thiếu sót nữa là trong khi làm công tác, kế họach đã sơ sài, phân công không sáng suốt, rồi sau khi làm lại không chịu kiểm điểm lại. Ta thường có tính tới đâu hay đó, xong việc thì thôi không biết ưu điểm hay khuyết điểm của mình, làm như thế mong tiến sao được… cần phải làm việc cho có phương pháp”.

Về kiểm tra, Người cho rằng: kiểm tra là nguồn gốc của thắng lợi…Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức kiểm tra được chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm. Khi đã có chính sách đúng thì sự thành công, thất bại của chính sách phụ thuộc vào các yếu tố: cách thức tổ chức kiểm tra, cán bộ kiểm tra, nơi kiểm tra. Người nhắc nhở: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” công việc vẫn không chạy”.

Đối với người làm công tác lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu:

“1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng… nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.

2. Tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.

3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng cũng phải có quần chúng giúp mới được”(1).

Người đưa ra nguyên tắc kiểm soát: phải thường xuyên, có hệ thống, người kiểm soát phải có uy tín, đáng tin cậy.

Theo Người, kiểm soát có 2 cách: từ trên xuống và từ dưới lên. Từ trên xuống là kiểm soát kết quả công việc cán bộ mình làm. Từ dưới lên là quần chúng, cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sự sai lầm đó. Hoạt động kiểm soát của quần chúng được tiến hành thông qua việc tổ chức các cuộc họp, bầu cử…

Để triển khai công việc, người lãnh đạo cần chọn lựa phương pháp, cách thức điều hành;  xem xét kỹ lưỡng vấn đề, trao đổi bàn bàn bạc với bộ phận thực hiện để bàn cách thực hiện có hiệu quả.

Về cách kiểm tra, phải có tính hệ thống, phải sát hợp thực tế, không quan liêu, dựa vào báo cáo: “không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo mà phải đến tận nơi. Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình”.

          Về cán bộ kiểm tra, Người yêu cầu lãnh đạo phải đích thân đi kiểm tra, đồng thời phải có nhóm chuyên trách đủ năng lực và phẩm chất và xác định rõ trách nhiệm kiểm tra: “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần  phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất  thì người ấy phải chịu trách nhiệm”.

Công tác kiểm tra cần phải cụ thể, triệt để; kết quả kiểm tra cần phải được lượng hóa chi tiết. Năng lực kiểm tra cũng là tiêu chí cơ bản để đánh giá năng lực lãnh đạo của cán bộ, làm cơ sở để sắp xếp, sử dụng cán bộ. Người cho rằng, cần có những phương thức đối với những loại cán bộ chưa đảm bảo yêu cầu cách mạng: “Đối với những người cậy mình là “công thần cách mạng”, ngang tàng, không giữ kỷ luật phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo. Đối với hạng người nói suông tuy thật thà, trung thành nhưng không có năng lực làm việc, không thể dùng vào việc thực tế(2).

Đối với công tác soạn thảo văn bản, viết bài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phương pháp biên tập, kiểm tra lại theo tiêu chí, yêu cầu phù hợp với thực tiễn tiếp nhận của quần chúng: Khi biên tập bài viết, phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi… đọc đi đọc lại 4 đến 5 lần vẫn chưa đủ, mình đọc vẫn chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công nông binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngoắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải sửa lại.

Về phương pháp kiểm tra, báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý: các báo cáo kết quả công tác từ trung ương đến địa phương nhiều khi quá dài, dàn trải, ảnh hưởng làm cho xử lý thông tin, điều hành, lãnh đạo trở nên kém hiệu quả: “Từ các Bộ ở Trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều. Như Bộ Nội vụ: một bản thông tư (biên chế) dài 26 trang; một biên bản (hội nghị củng cố xã) dài hơn trăm trang. Bộ Tài chính: riêng Vụ Ngân sách, một tháng đòi hỏi hơn 10 báo cáo, báo cáo dài hơn 10 trang, bản thống kê dài 53 cột… Bộ Canh Nông: là Bộ có quan hệ nhiều nhất với Nông dân mà: giấy tờ quá nhiều, quá dài: Bộ gửi công văn cho 38 cơ quan, trong đó có nhiều cơ quan không cần nhận công văn ấy. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm) kèm thêm tài liệu phụ lục dài 120 trang… đòi hỏi xã cung cấp thống kê dài 153 cột…(3).

Người chỉ rõ nguyên nhân và cách chống lại bệnh quan liêu giấy tờ chính bằng phương pháp kiểm tra gắn liền với thực tiễn: phải thiết thực… học tập quần chúng… rút bớt thời giờ việc công văn, thêm giờ công tác thực tế… mở rộng dân chủ, phê bình, tự phê bình, nhất là từ dưới lên… các Bộ thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ… Người kiên quyết chống thói báo cáo giả dối. Thành công ít, suýt ra nhiều. Khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng.

          Phương pháp kiểm tra của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính hiệu quả, thường là kiểm tra đột xuất, trực tiếp, Người đến kiểm tra các địa phương, đơn vị thường tránh các nghi lễ đón tiếp. Người đến thăm Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây ngày 26/5/1946 nhân dịp khai giảng, Người đi thẳng vào doanh trại xem bố trí nơi ăn chốn ở. Đến nhà bếp, thấy anh em ăn thừa, Người đã phê bình là lãng phí cơm gạo, nhất là khi dân ta vừa qua nạn đói khủng khiếp đầu 1945. Tiếp thu ý kiến của Người, ngày hôm sau, cơm thừa còn sạch được tận dụng ủ làm tương cho bộ đội(4).

          Khi về kiểm tra công tác chống hạn ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày 12/01/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến từ khoảng 8 giờ sáng, Người không vào trụ sở Ủy ban xã mà xắn cao quần, tự tay xách dép đi thẳng ra cánh đồng Quai Chảo. Mọi người đề nghị lấy đất khô rải đường cho đỡ trơn nhưng Người không đồng ý mà lội thẳng xuống ruộng và tham gia tát nước cùng bà con một cách thuần thục không khác gì nhà nông. Bản thân Người vừa thực hiện công tác kiểm tra thực tế, vừa trực tiếp tham gia cùng nhân dân lao động. Chính vì thế mà Người có những đánh giá, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm với cái nhìn của người trong cuộc nên có tính thực tiễn và khái quát cao(5).

          Khi đến thăm Trường mẫu giáo Sao Sáng số 5 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội ngày 27/4/1962, Người đến thăm lớp học, thấy các thứ đồ chơi được trưng bày rất nhiều, nhưng Người rất ngạc nhiên và không hài lòng khi đồ chơi được trưng bày trong tủ kính, treo cao trên tường, còn nơi vui chơi của các cháu thì rất nghèo nàn. Khi ra về, Người căn dặn: hình thức là quan trọng, nhưng dạy các cháu phải là những điều thiết thực, nếu chỉ nặng về hình thức là điều không nên, vì nó gây lãng phí, nhưng lại không bổ ích cho xã hội. Đồ chơi của các cháu phải để các cháu được chơi. Nhà nước sản xuất ra bán để các cháu vui chơi, không phải để trưng bày, trang trí. Các cô phải biết dạy các cháu nói những điều do các cháu tự nghĩ, tự biết để nói. Không nên dạy các cháu học vẹt(6)…

          Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiểm tra là một trong những phương thức tối quan trọng, là vũ khí chống lại tệ quan liêu, chống lại nguy cơ mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và với chính quyền. Tối 30 tết năm 1960, Người bất ngờ đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Thời điểm gần đến giao thừa mà chị Tín vẫn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đưa con của mình. Gặp Người, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, òa khóc: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm”. Vị Chủ tịch nước đã an ủi chị: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai”. Về đến nhà, Người trao đổi với các đồng chí trong Bộ Chính trị: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một  số lãnh đạo địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”(7).

          Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc kiểm tra là hoạt động thường xuyên, hàng ngày. Tấm gương thực hiện công tác kiểm tra của Người phản ánh tính hiệu quả, thực chất của kiểm tra. Những kết quả kiểm tra dùng để uốn nắn, động viên những người thực thi kịp thời điều chỉnh, sửa chữa. Những bài học lý luận và thực tiễn về công tác kiểm tra của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng sâu sắc và vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, khi mà những đòi hỏi của thực tế trong hoàn cảnh mới đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện hoạt động của Đảng và chính quyền, xây dựng niềm tin vào chính quyền trong nhân dân.

 

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2000, tr.989-990.

 (2) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 5, tr.294.

(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 7, tr.120.

(4), (5), (6) Bác Hồ với Thủ đô, Nxb Thanh niên, 2014, tr.31; tr.86; tr.167.

(7) 286 chuyện kể đời thường về Bác Hồ, Nxb Nghệ An, Vinh-2012, tr. 90.

TS. Nguyễn Văn Hậu
Trưởng Khoa - Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính
Học viện Hành chính Quốc gia

Tìm kiếm