BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tấm gương tự học, tự rèn luyện

17/09/2015 10:52

Nhắc đến PGS, TS, NGƯT Nguyễn Thế Thắng (Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhiều đồng nghiệp, học viên đã dành cho ông sự trân trọng, kính phục.

Tiếp tôi trong căn phòng làm việc được bài trí gọn gàng, ngăn nắp, PGS,TS, NGƯT Nguyễn Thế Thắng say sưa kể về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Trong câu chuyện đó có ngập tràn những thăng trầm của cuộc sống, có vui, có buồn nhưng hơn cả là nghị lực sống, là những đam mê, ước nguyện với nghề mà ông vẫn còn trăn trở.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lục Nam (Bắc Giang), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai trẻ Nguyễn Thế Thắng đã nuôi ước mơ trở thành một người chuyên nghiên cứu lịch sử nước nhà. Tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử Đại học Tổng hợp năm 1976, theo sự phân công công tác, anh về làm việc tại Ban sách Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự Thật với vai trò là biên tập viên rồi biên tập viên chính. Ở môi trường công tác mới, với mong ước trở thành một biên tập viên nổi tiếng chuyên biên tập sách về các lãnh tụ, anh không ngừng tự học để làm đầy thêm vốn kiến thức chuyên môn. Ngoài việc nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, anh còn tự trang bị kiến thức về các bậc lãnh tụ khác của Đảng, các nhân vật lịch sử trong và ngoài nước cũng như kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác. Năm 1982, khi một bộ phận của Nhà xuất bản Sự Thật tách ra và nhập với Ban Lý luận Trung ương, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng để thành lập Viện Mác - Lênin, anh về công tác tại Viện kinh điển Mác - Lênin. Đến năm 1985 anh được cử sang làm chuyên gia cho nước bạn Lào với nhiệm vụ làm sách cho Chủ tịch Cay-xỏn-phôn-vi-hẳn và lịch sử Đảng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, sau đó chuyển sang công tác tại Viện Hồ Chí Minh mới thành lập trong Viện kinh điển Mác - Lênin... Tốt nghiệp khóa học đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Triết học xã hội tại Viện Triết học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) trước thời hạn, tháng 4 năm 1993 anh về công tác tại đơn vị cũ và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Văn kiện, sau đó chuyển về làm việc tại Học viện Chính trị khu vực I từ năm 1995.
Trong cuộc đời con người thường có những lối rẽ tình cờ. Với PGS,TS Nguyễn Thế Thắng, đó là năm 1996, sau khi thôi giữ chức Phó Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục Lý luận chính trị (Phân viện Hà Nội, nay là Học viện Chính trị khu vực I), ông được cử làm Phó Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, rồi trưởng Khoa Xã hội học. Chưa từng nghĩ sẽ trở thành thầy giáo nên khi nhận nhiệm vụ mới, ông không khỏi trăn trở. Từng là biên tập viên, rồi nghiên cứu viên, lại có sở trường và thế mạnh trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nên khi được phân công giảng dạy các môn học về Chủ nghĩa xã hội khoa học, xã hội học, đối với PGS,TS Nguyễn Thế Thắng đây thực sự là một thử thách. Vậy là bắt đầu một quá trình “luyện nghề”, “vừa học, vừa làm” với những bộ môn khoa học mới, lĩnh vực mới, nhất là nghiệp vụ của nghề giảng viên. Ngoài việc tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về phương pháp giảng dạy, ông đã miệt mài nghiên cứu các sách chuyên khảo cũng như tham khảo sách về lý luận dạy học và các phương pháp giảng dạy hiện đại của các tác giả trong và ngoài nước, đồng thời thực hiện việc “Việt hóa” trong áp dụng vào thực tế lên lớp tại Học viện Chính trị khu vực I, các Học viện và trường đại học mà ông được mời giảng và hướng dẫn học viên. Với quan điểm “giảng đường là nơi làm ra kiến thức chứ không đơn thuần là nơi giảng dạy”, cùng với việc đi sâu nghiên cứu khoa học, ông đặc biệt để tâm rèn luyện phương pháp giảng dạy. Thay vì áp dụng cách giảng dạy lý luận truyền thống trong đó người thầy giáo đóng vai trò là một diễn viên độc thoại một chiều, đối với mỗi giờ lên lớp, PGS,TS Nguyễn Thế Thắng thường coi mình là một đạo diễn biết tung hứng, biết khơi gợi việc học tập tích cực, sáng tạo, có tính nghiên cứu của học viên nhằm giúp người học chủ động nắm bắt kiến thức, tự khám phá, tự đi đến chân lý chứ không phải thụ động ngồi nghe rồi tiếp nhận… Năm 2006, khi được phân công đảm nhận giữ chức Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, đối với PGS,TS Nguyễn Thế Thắng, đây thực sự là quãng thời gian mãn nguyện và hạnh phúc nhất. Sở dĩ nói như thế bởi đến lúc này, đối tượng nghiên cứu và giảng dạy của ông đã thống nhất làm một và hơn tất cả, đối với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một đối tượng nghiên cứu giảng dạy mà còn là hình mẫu của đời ông. Đây cũng là quãng thời gian ông thoải mái “phiêu” trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, thoải mái với những đam mê, tìm tòi để có sáng tạo trong các công trình nghiên cứu, các tác phẩm, trong các bài giảng để truyền bá tư tưởng, phương pháp, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.  
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, ngoài số lượng 80 bài đăng tạp chí, tác giả 08 sách, đồng tác giả 20 sách, ông còn tham gia chủ nhiệm các đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước, được giới học giả đánh giá cao đồng thời là một trong những tác giả đầu tiên biên soạn và giảng thành công chuyên đề Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta về công tác thi đua, khen thưởng tại các lớp bồi dưỡng cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trên cả nước. Không dừng lại ở việc làm tốt vai trò của một nhà khoa học, ông còn làm tốt “vai” một người thầy, người cố vấn trong việc đào tạo cán bộ kế cận, dìu dắt các giảng viên trẻ trong Khoa cũng như tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh, cao học ở trong và ngoài hệ thống Học viện. Với cương vị là một Trưởng khoa, PGS,TS Nguyễn Thế Thắng còn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng thành công 09 chuẩn mực đạo đức dành cho người giảng viên tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I. Đây được coi là căn cứ, định hướng phấn đấu của cán bộ, đảng viên chi bộ và Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp mỗi người cán bộ, giảng viên tự hoàn thiện bản thân, không ngừng phấn đấu vươn lên.
 Một buổi sáng cuối đông, lắng đọng bên tách trà nóng, chiêm nghiệm về cuộc sống, về thành công của đời người, bài học mà ông tâm đắc nhất đó là luôn phải tự học, tự rèn tính cách để thích nghi với hoàn cảnh; là luôn cố gắng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định những nguyên tắc, mục tiêu của đời mình, biết khắc phục khó khăn, nhất là khắc phục những hạn chế của bản thân, khống chế những “kẻ địch” nguy hiểm trong lòng mình để có thể làm “Người hoàn thành thực sự tốt đẹp sứ mạng truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nghĩ được thế, làm được thế kể cũng khó lắm thay! Hơn 60 tuổi đời, đến tận bây giờ PGS,TS, NGƯT Nguyễn Thế Thắng mới dám nhận mình bắt đầu đạt độ “chín” về chuyên môn nghiệp vụ. Rời cương vị quản lý, ông thanh thản với vai trò là một nhà giáo và nhà khoa học, tiếp tục với thú vui đọc sách và tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đất nước giai đoạn hiện nay.
Sinh thời khi bàn về giáo dục, một nhà giáo dục người Nga đã từng nói: “Thước đo thành công và giá trị của nhà giáo trong sự nghiệp của mình không phải là quyền lực hay  tiền bạc mà là những dấu ấn để lại trong lòng các thế hệ học trò và trong tình cảm của đồng nghiệp”. Đối với PGS.TS Nguyễn Thế Thắng sự kính trọng của các thế hệ học trò, lòng yêu quý của bạn bè, đồng nghiệp dành cho ông chính là phần thưởng xứng đáng nhất mà ông hằng mong đợi.


Ban Thi đua - Khen thưởng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tìm kiếm