BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Dự án 513 khu vực phía Bắc

18/08/2015 16:29

Sáng ngày 17/7/2015, tại Hải Phòng,  Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” – Bộ Nội vụ (Dự án 513) tổ chức hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Dự án khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án 513 và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án 513 đồng chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án 513 phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Dự Hội nghị có các đồng chí đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra); các thành viênBan Chỉ đạo,Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, Ban quản lý Dự án 513.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án 513 trình bày Báo cáo tại Hội nghị

Theo Báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Dự án theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 6/2015, Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện văn bản báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định phương án giải quyết tranh chấp giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai tại 3 khu vực và phương án giải quyết tranh chấp giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế tại 2 khu vực. Bộ Nội vụ đã xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng các khu vực tranh chấp và đề xuất phương án giải quyết từng khu vực có tranh chấp; tổ chức các Hội thảo và lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương có thành phần trong Ban Chỉ đạo Dự án 513 để hoàn thiện, xây dụng Dự thảo Tờ trình Chính phủ kèm theo Dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tại 11 khu vực có tranh chấp còn lại liên quan đến 7 cặp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hải Phòng và Quảng Ninh 2 khu vực, Hải Phòng và Hải Dương 1 khu vực; Hòa Bình và Ninh Bình 4 khu vực; Hòa Bình và Thanh Hóa 1 khu vực; Thừa Thiên Huế và Đà Nằng 1 khu vực; Khánh Hòa và Đắk Lắk 1 khu vực; Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai 1 khu vực).

Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương để các địa phương thực hiện hiệp thương, thoả thuận phương án hiệu chỉnh lại đường địa giới hành chính tại các khu vục có tranh chấp mới phát sinh; chỉ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong trường hợp giữa các địa phương liên quan không thỏa thuận được. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài 16 khu vực tranh chấp cấp tỉnh do lịch sử để lại còn có 973 khu vực tranh chấp mới phát sinh (cấp tỉnh có 103 khu vực, cấp huyện có 243 khu vực, cấp xã có 627 khu vực) và có 1.927 khu vực có đường địa giới hành chính bị phá vỡ, biến dạng do tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận động của địa chất tự nhiên, lũ lụt.

Về xác định ranh giới quản lý biển, đảo giữa các địa phương ven biển, Bộ Nội vụ đã cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, dự thảo nguyên tắc và phương án phân chia ranh giới quản lý hành chính các cấp trong vùng nội thủy giữa các địa phương ven biển và đã tổ chức Hội thảo trong Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án 513 và các chuyên gia để hoàn thiện; đã tiến hành làm điểm tại tỉnh Bình Định để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

Về khép kín đường địa giới hành chính đến biên giới quốc gia và chuyển vẽ đường biên giới quốc gia, đường địa giới hành chính trên bản đồ địa giới hành chính. Từ cuối năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chuẩn bị hồ sơ, tài liệu pháp lý và các tài liệu cần thiết phục vụ triển khai thực hiện Dự án 513. Đồng thời, đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan tổ chức thực hiện việc xác định những đoạn đường địa giới hành chính chưa khép kín đến biên giới quốc gia; chuyển vẽ đường địa giới hành chính, mốc địa giới hành chính từ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính 364- CT trên bản đồ địa giới hành chính Hệ tọa độ quốc gia VN - 2000 để các địa phương sử dụng làm tài liệu triển khai thực hiện Dự án 513. Đến hết năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao kết quả chuyển vẽ nêu trên cho 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng số 14.607 mảnh bản đồ các tỷ lệ.

Căn cứ Thiết kế kỹ thuật — Dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã được Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng góp ý kiến và UBND cấp tỉnh phê duyệt, các địa phương đang triển khai việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các hạng mục công việc của Dự án tại địa phương. Đến nay, đã có 8 tỉnh: Đắk Nông, Ninh Thuận, Sơn La, Cao Bằng, Ninh Bình, Nam Định, Kiên Giang và Thái Nguyên lựa chọn được nhà thầu là những đơn vị đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn về kinh nghiệm, năng lực thi công các hạng mục công việc của Dự án.

Cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính được xây dựng trên cơ sở các Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã được các địa phương hoàn thiện, hiện đại hóa và đã được cấp có thẩm quyền công nhận đủ điều kiện đưa vào quản lý, sử dụng và nộp lưu trữ quốc gia.Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính và phần mềm quản lý cơ sờ dữ liệu về địa giới hành chính.

Tham luận tại Hội nghị, đại diện các địa phương đều khẳng định quyết tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Dự án; đồng thời kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, giải quyết nhanh việc tranh chấp địa giới hành chính giữa các tỉnh; xây dựng, ban hành quy trình xử lý các tranh chấp, hiệu chỉnh địa giới hành chính; sớm bố trí nguồn kinh phí, phân bổ kinh phí kịp thời để đảm bảo chương trình, nhiệm vụ của Dự án.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án 513 yêu cầu Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, Ban quản lý Dự án tổng hợp toàn bộ ý kiến tham luận tại Hội nghị hôm nay và hội nghị ở khu vực phía Nam tổ chức vào tuần tới, báo cáo cụ thể với Ban Chỉ đạo. Trong đó, phải làm rõ những mặt đã làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc giải quyết các tranh chấp của các tỉnh sẽ trên tinh thần mời lãnh đạo của hai địa phương thảo luận, thống nhất ký biên bản phương án hiệu chỉnh lại đường địa giới hành chính tại các khu vực có tranh chấp. Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan sẽ nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản, có thể là thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình giải quyết các tranh chấp, hiệu chỉnh ranh giới hành chính. Rà soát, đánh giá việc sử dụng kinh phí theo quy định Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan để thực hiện theo đúng quy định của luật. Việc kiến nghị kéo dài Dự án đến thời điểm nào cũng cần rà soát lại trên cơ sở phải đảm bảo kinh phí để thực hiện. Sau Hội nghị, các địa phương báo cáo lãnh đạo tỉnh, thành phố, tiếp tục chủ động triển khai Dự án. Hai sở Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp thực hiện cho tốt. Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện lại báo cáo và chỉ đạo đến các địa phương.

Nguồn trích dẫn: Tạp chí Tổ chức nhà nước

Tìm kiếm