BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ ra Nghị định đặt lại giờ chính thức ở Việt Nam

10/06/2020 16:02

Để chuẩn bị cho ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 02/9/1945, ngày 01/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 3 thiết quân luật tại Hà Nội. Cùng với đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp cũng ký Nghị định đặt lại giờ chính thức ở Việt Nam.

Nghị định quy định, kể từ 24 giờ ngày 01/9/1945, giờ chính thức trên toàn quốc sẽ lùi lại hai giờ so với giờ chính thức được quy định trong Nghị định ngày 29/3/1945 của chính quyền cũ. Bãi bỏ quy định về giờ chính thức của chính quyền cũ.

Trước đó, vào ngày 29/3/1945, toàn quyền Nhật ở Đông Dương ra Nghị định áp đặt việc toàn cõi Đông Dương thực hiện tính giờ theo múi thứ 9 (Múi giờ mà Nhật Bản thực hiện). Theo đó, thời gian được tính ở Đông Dương sẽ nhanh lên 120 phút.

Đến ngày 08/8/1967, thay mặt Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 121-CP về việc tính lịch và quản lý lịch của Nhà nước. Quyết định này gồm 06 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1968.

Theo Điều 1, “Nước ta nằm hoàn toàn trong múi giờ thứ 7, theo hệ thống múi giờ quốc tế. Kinh tuyến trung tâm của múi giờ đó là kinh tuyến 105 độ đông, đi qua gần Hà Nội. Để thống nhất việc tính giờ, nay xác định giờ chính thức của nước ta là giờ của múi giờ thứ 7”. 

Theo Điều 2, từ cách mạng tháng Tám, dương lịch đã được dùng trong các cơ quan Nhà nước và trong giao dịch giữa cơ quan Nhà nước với nhân dân. Âm lịch vẫn còn được thông dụng trong nhân dân, nhất là ở nông thôn. Âm lịch có nhiều căn cứ tính và cách tính khác nhau, ngày, tháng âm lịch không thống nhất và không phù hợp với giờ chính thức ở nước ta. 

Nay quyết định dương lịch là công lịch, tức là lịch duy nhất dùng trong các cơ quan Nhà nước, trong các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta và trong giao dịch giữa cơ quan Nhà nước với nhân dân.

Ngày tết dân tộc, một số ngày kỷ niệm lịch sử và lễ cổ truyền vẫn được tính theo âm lịch.

Đến ngày 14/10/2002, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định số 134/2002/QĐ-CP sửa đổi Điều 1 của Quyết định số 121-CP ngày 08/8/1967 của Hội đồng Chính phủ về việc tính lịch và quản lý lịch của Nhà nước, cụ thể: Lấy múi giờ thứ 7 theo hệ thống múi giờ quốc tế làm giờ chính thức của Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các Quyết định trên đã bổ sung căn cứ khoa học cho Nghị định của Bộ Nội vụ ban hành ngày 01/9/1945 về đặt lại giờ chính thức ở Việt Nam, không ảnh hưởng gì đến giờ giấc hiện dùng trong cơ quan Nhà nước và trong sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, giờ chính thức còn được dùng để tính lịch và thông tin, giao dịch với nước ngoài, đảm bảo tính chính xác và tính pháp lý./.

Thanh Tuấn

Tài liệu tham khảo: 
- Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Chính trị quốc gia, 2005;
- Biên niên Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Đại học Sư phạm, 2007;
- Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1, năm 1945;
- Quyết định số 121-CP ngày 08/8/1967 của Hội đồng Chính phủ;
- Thông tư số 01-VLĐC ngày 19/8/1967 của Nha Khí tượng giải thích và hướng dẫn thi hành Quyết định số 121-CP ngày 08/8/1967 của Hội đồng Chính phủ;
- Quyết định số 134/2002/QĐ-CP ngày 14/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Tìm kiếm