Thứ Trưởng Bộ Nội vụ - Trần Thị Hà trao Cờ Chính phủ cho nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ngãi
thực hiện tốt phong trào thi đua
Trong 5 năm qua, công tác thi đua và khen thưởng của tỉnh có nhiều đổi mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các phong trào thi đua sát với yêu cầu của thực tiễn “nói đi đôi với làm”, tạo khí thế thi đua sôi nổi ở các cấp, các ngành, lĩnh vực và trở thành phong trào thi đua yêu nước sâu rộng và đều khắp, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, các cấp, các ngành, lĩnh vực và địa phương đã hưởng ứng các phong trào thi đua tỉnh phát động; đồng thời, phát động tổ chức thực hiện các phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất kinh doanh, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, triển khai các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và quản lý, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế tập thể, xây dựng nếp sống văn hoá mới, tạo khí thế sôi nổi cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân lao động, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 5 năm, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 7,2%/năm. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp chiếm 62%, dịch vụ chiếm 24%, nông nghiệp chiếm 14% trong tổng GRDP. Quy mô tổng sản phẩm năm 2015 (giá so sánh năm 1994) đạt 12.410 tỷ đồng, tăng 3.652 tỷ đồng so với năm 2010. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.485USD.
Đặc biệt, Phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung sức xây dựng nông thôn mới” được phát động và tổ chức thực hiện khá sôi nổi đã đem lại hiệu quả thiết thực. Với sự quyết tâm và đồng thuận cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sử dụng nguồn vốn công khai, dân chủ; cộng đồng dân cư cùng nhau tự quản, tự làm đường giao thông, kênh mương theo quy chuẩn, hướng dẫn và chỉ đạo của chính quyền cấp xã, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nguồn nội lực với nhiều cách làm phong phú, phù hợp đặc điểm của từng xã, thôn và từng khu dân cư. Điển hình như: Phong trào hiến đất mở đường, xây dựng tường rào, cổng ngõ là một trong các phong trào tiêu biểu. Hệ thống bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, lưới điện, trạm bơm, cống đập, chợ, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao, trạm y tế, bãi xử lý rác thải,... được tập trung đầu tư xây dựng.
Phong trào thi đua phát triển văn hoá - xã hội đã đạt nhiều kết quả khích lệ, góp phần làm cho công tác giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực; đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên. Nhất là phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Chương trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh vì mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT”; “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,...
Chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được nâng lên, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực, mỗi năm giải quyết việc làm khoảng 36.500 lao động, hộ nghèo giảm từ từ 75.034 hộ năm 2010 còn 26.538 hộ vào cuối năm 2015, trung bình giảm 2,23%/năm. Trong 5 năm, xây dựng 6.172 nhà, sửa chữa 1.213 nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng kinh phí 213,396 tỷ đồng; phong trào đền ơn đáp nghĩa được cả xã hội quan tâm, huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội,…
Cùng với các phong trào thi đua phát triển kinh tế xã hội, phong trào xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh đạt nhiều kết quả quan trọng: Các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng trong tỉnh tiếp tục phát động phong trào thi đua “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh” và các phong trào thi đua gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tạo chuyển biến mạnh và tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng,...
Bên cạnh đó, công tác khen thưởng 5 năm qua tiếp tục quan tâm thực hiện, quy trình bình xét khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo công bằng, dân chủ. Đối tượng khen thưởng được mở rộng, tỷ lệ khen thưởng trong lĩnh vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hộ gia đình, công nhân, nông dân, tập thể nhỏ, cá nhân là người trực tiếp lao động ngày càng được nâng lên, khen thưởng các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh đề ra trong thời gian tới, Đại hội đã xác định các nhiệm vụ chủ yếu cần lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng như: Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc “càng khó khăn thì càng phải thi đua”, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, quán triệt đầy đủ Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương, của tỉnh đến toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
Đổi mới nội dung, hình thức thi đua, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Tổ chức các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, địa phương trong từng giai đoạn, cụ thể hoá nội dung, tiêu chí thi đua phù hợp với nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp và cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nâng cao chất lượng khen thưởng theo tinh thần của Luật Thi đua, Khen thưởng; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân tố điển hình, trong khen thưởng phải khách quan, công bằng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan. Quan tâm khen thưởng những tập thể, cá nhân trực tiếp làmviệc, lao động ở cơ sở, nhất là đội ngũ trí thức, giáo viên, nông dân, công nhân lao động,... tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người mới.
B.T