Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng"; triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Các phong trào thi đua yêu nước phải gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay”. Thông qua phong trào thi đua yêu nước để xây dựng tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh toàn diện.
Thứ hai, trên cơ sở các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016- 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X đề ra, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung xây dựng và phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh; đồng thời tập hợp, huy động đông đảo các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh và định hướng cho phong trào thi đua trong 5 năm tới là tập trung huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tranh thủ những thời cơ, vận hội mới để tiếp tục xây dựng Bình Dương phát triển nhanh, bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, trong thời gian tới các phong trào thi đua yêu nước trong tỉnh phải hướng mạnh vào việc thực hiện các nhiệm vụ, đó là: tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí của đô thị, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng đô thị; huy động đông đảo các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhằm hoàn thành Chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới của tỉnh trước năm 2020; chú trọng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng hình ảnh con người Bình Dương thân thiện, sống có nghĩa tình, ứng xử văn minh, lịch sự; nâng cao ý thức, trách nhiệm phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, lấy tiêu chí “phục vụ nhân dân” để làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức; các phong trào thi đua ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế còn phải góp phần tích cực trong việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mục đích cuối cùng của các phong trào thi đua chính là thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, con người phát triển, xây dựng Bình Dương sớm trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, thân thiện với môi trường và cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Thứ ba là, không ngừng đổi mới phương thức, hình thức tổ chức phát động thi đua; xây dựng và phát động phong trào thi đua đa dạng, phong phú, rộng khắp trên các lĩnh vực, tạo sức lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội. Phong trào thi đua phải tạo được sự hưởng ứng sâu rộng của nhiều ngành, nhiều cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, trong đó, trước hết và đi đầu là từ lãnh đạo và các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị. Chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua trong khu vực ngoài nhà nước, các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, khoa học công nghệ... Xây dựng nhiều mô hình thi đua mới, sáng tạo, hiệu quả trong các địa bàn dân cư, các khu nhà trọ, các trang trại nông nghiệp,… trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư là, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền các phong trào thi đua và điển hình tiên tiến. Quan tâm hơn nữa đến việc phát hiện, đề xuất khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến đối với những người trực tiếp lao động sản xuất, các hộ gia đình, nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chú trọng phát hiện, tôn vinh những điển hình tiên tiến xuất phát từ các phong trào, từ thực tiễn đời sống, từ những công việc nhỏ nhất, bình thường nhất trong xã hội, nhằm tạo ra sức lan tỏa và huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Thứ năm là, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng và gương mẫu tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do ngành, địa phương phát động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, vai trò hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng.