Phát biểu khai mạc Đại hội, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, Đại hội thi đua yêu nước là dịp để ngành tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu; đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước do Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương trình bày nêu rõ: Trong 5 năm qua (2011 - 2015), công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) của ngành đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị. Với những tiêu chí và chỉ tiêu cụ thể, công tác này đã tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân nỗ lực, hăng say làm việc; qua đó phát huy được tính năng động, sáng tạo của mỗi cán bộ công nhân viên chức và người lao động.
 | Đại hội thi đua yêu nước ngành BHXH lần thứ IV (giai đoạn 2015 - 2020) Ảnh: KT |
Đặc biệt, các phong trào thi đua đột xuất đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thể hiện qua những kết quả cụ thể như: đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng tăng (năm 2011 có 57.178.356 người tham gia thì đến ngày 30/6/2015 tăng lên 65.263.469 người); số thu năm 2011 đạt 98.625 tỷ đồng thì trong 6 tháng năm 2015 thu được 97.849 tỷ đồng (đạt 48,04% kế hoạch năm); số nợ BHXH, BHYT cuối năm 2011 bằng 6,2% số phải thu, nhưng đến tháng 6/2015 còn 5,79%, phấn đấu đến cuối năm giảm còn dưới 4% số phải thu; quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được đảm bảo; công tác quản lý tài chính, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH được kịp thời, an toàn… Bên cạnh đó, phong trào thi đua cải cách hành chính gắn với cuộc thi “Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp” do BHXH Việt Nam vừa phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ công nhân viên chức và người lao động trong và ngoài ngành, hứa hẹn đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, giúp BHXH Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu giảm thời gian giao dịch với các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động xuống còn 49,5 giờ/năm. Bên cạnh những ưu điểm, thành tích đã đạt được, công tác TĐKT trong ngành BHXH vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế, như: Luật TĐKT và các văn bản hướng dẫn mới được ban hành, trong khi đó ngành lại chưa tổ chức tập huấn kỹ được, khiến nhiều đơn vị thực hiện chưa đúng quy định; một số đơn vị chưa thực sự coi trọng các phong trào thi đua...; việc khen thưởng những cá nhân không phải là lãnh đạo chưa được quan tâm; vẫn còn sự cả nể trong bình xét các danh hiệu... nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy các phong trào thi đua. Ngoài ra, một số đơn vị chưa thực sự coi trọng việc đăng ký các danh hiệu thi đua để động viên, thu hút cán bộ công nhân viên chức hưởng ứng tham gia. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức về công tác TĐKT của một số nơi, một số cá nhân chưa đầy đủ, chưa đúng mức. Trong khi đó, cơ chế chính sách; quy trình, tiêu chuẩn, hồ sơ TĐKT chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập; cán bộ làm công tác TĐKT tại đơn vị phải kiêm nhiệm, không ổn định và chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác này... Do đó, để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, đòi hỏi BHXH Việt Nam cần phải chú trọng nâng cao chất lượng, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng TĐKT; có kế hoạch, chương trình phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể để tổ chức các phong trào thi đua; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức thi đua cho phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm; nội dung và mục tiêu thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và Ngành; khen thưởng phải công khai, dân chủ để động viên, khích lệ mọi người tích cực tham gia… Trong giai đoạn 2016 - 2020, BHXH Việt Nam sẽ phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020”. Để thực hiện mục tiêu này, BHXH Việt Nam sẽ tập trung thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, sẽ lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo đánh giá phong trào thi đua; lấy năng lực, chất lượng cán bộ, đảng viên làm cơ sở xét khen thưởng và thực hiện chính sách cán bộ. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Cụm thi đua; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến - đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua. Cùng với việc phát động, tổ chức phong trào thi đua hàng năm, tùy tình hình cụ thể, các đơn vị trong toàn ngành sẽ tổ chức phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để giải quyết những khó khăn tại địa phương; tăng cường khen thưởng đột xuất, chú trọng khen thưởng những đơn vị, địa phương hoặc cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... nhằm tạo sức lan tỏa và nâng cao ý nghĩa của việc khen thưởng.
 | Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu chỉđạo tại Đại hội thi đua yêu nước ngành BHXH.Ảnh: KT |
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích trong phong trào thi đua của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong 5 năm qua, đồng thời khẳng định: Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, với nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; số thu bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ngày càng tăng; hàng năm chi trả đảm bảo an toàn tuyệt đối đến tận tay cho hơn 2,7 triệu đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh cho hơn 100 triệu lượt người tham gia bảo hiểm y tế… góp phần quan trọng đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhấn mạnh BHXH, BHYT là 2 chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với người lao động và là trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, Phó Chủ tịch nước cho rằng thời gian tới, ngành Bảo hiểm cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, những mô hình mới, cách làm hay để các tập thể, cá nhân trong Ngành học tập làm theo, khen thưởng và tuyên dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính để thực hiện tốt Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đến hết năm 2015 giảm thời gian thực hiện thủ tục thu nộp BHXH, BHYT xuống còn 49,5 giờ/năm, phấn đấu những năm tiếp theo xuống còn 48,5 giờ/năm. Mỗi đơn vị trong Ngành cần chủ động, sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua phù hợp với chức năng nhiệm vụ, yêu cầu công tác của mình, tránh hình thức, rập khuôn, máy móc…  | Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể và 3 cá nhân Ảnh: KT |
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho BHXH tỉnh Sơn La, BHXH tỉnh Hòa Bình; trao Huân chương Lao động cho 3 cá nhân. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể và 3 cá nhân; tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể./. |