BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Nghị định số 29/CP của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ

16/06/2020 17:15

Ngày 26/02/1970, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 40/CP chuyển công tác tổ chức Nhà nước từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng và do đồng chí Phó Thủ tướng thường trực phụ trách, Bộ Nội vụ lúc này chỉ thực hiện một số nhiệm vụ xã hội. 


Bầu cử Hội đồng nhân dân ngày 19/11/1989. Ảnh tư liệu

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa V (tháng 6/1975), Quốc hội đã quyết định hợp nhất hai Bộ Công an và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ. Bộ mới tuy vẫn được gọi là Bộ Nội vụ nhưng lại chỉ làm nhiệm vụ cảnh sát, an ninh quốc gia và một nhiệm vụ của Bộ Nội vụ cũ là phòng cháy, chữa cháy. Các chức năng về công tác thương binh - xã hội do Bộ Thương binh - Xã hội đảm nhiệm. Công tác về Việt kiều, tôn giáo, đào tạo và bồi dưỡng viên chức, lưu trữ, văn thư, tổ chức được giao về một số cơ quan trực thuộc Chính phủ như Ban Việt kiều Trung ương, Ban Tôn giáo Trung ương, Trường Hành chính Trung ương, Cục Lưu trữ và Văn phòng Phủ Thủ tướng.

Trong hoàn cảnh mới, cần thiết phải có một cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng tham mưu, quản lý công tác tổ chức bộ máy hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Ngày 20/02/1973, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 29/CP về việc thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ.

Theo đó, Ban Tổ chức của Chính phủ có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng Chính phủ quản lý công tác tổ chức và cán bộ theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và luật lệ của Nhà nước, nhằm xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước.

Ban Tổ chức của Chính phủ có nhiệm vụ:

1. Nghiên cứu xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước các ngành, các cấp, nhằm quy định rõ nhiệm vụ chức năng, hệ thống tổ chức, mối quan hệ (gồm cả mối quan hệ với tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân), tiêu chuẩn tổ chức và cán bộ, biên chế của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, trình Chính phủ duyệt và phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện.

2. Quản lý chung công tác biên chế các cơ quan Nhà nước.

3. Quản lý công tác cán bộ các cơ quan Nhà nước theo đúng đường lối, nguyên tắc, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước.

4. Hướng dẫn việc tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp theo luật lệ quy định; theo dõi tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

5. Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền các cấp.

6. Xây dựng chế độ thành lập và hoạt động của các Hội quần chúng trình Chính phủ ban hành; theo dõi tình hình hoạt động của các Hội quần chúng.

Sau đó, theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng Chính phủ đã lần lượt bổ sung và giao thêm một số nhiệm vụ cho Ban Tổ chức của Chính phủ, cụ thể là: 

Ngày 31/12/1973, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 275/TTg về việc thực hiện Bản Điều lệ về tổ chức và hành động của Hội đồng Chính phủ và Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Trong đó, Ban Tổ chức của Chính phủ được giao là một thành viên giúp Hội đồng Chính phủ theo dõi và đôn đốc việc thi hành.

Ngày 20/5/1974, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 124/QĐ-CP về việc điều động cán bộ ngoài diện Hội đồng Chính phủ bổ nhiệm và bãi nhiệm. Trong Quyết định có quy định rõ nhiệm vụ của Ban Tổ chức của Chính phủ là  nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định điều động những cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ khoa học - kỹ thuật... ngoài diện thuộc Hội đồng Chính phủ bổ nhiệm và bãi miễn.

Ngày 05/11/1974, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 245/CP về tinh giản biên chế bộ máy nhà nước, quản lý các ngành sản xuất kinh doanh, quản lý các xí nghiệp, sắp xếp và sử dụng hợp lý cán bộ, công nhân viên chức khu vực Nhà nước. Trong đó, Ban Tổ chức của Chính phủ được phân công và giao là thành viên của Tiểu ban Nghiên cứu phương án thực hiện việc tinh giản bộ máy hành chính Trung ương và địa phương, các chính sách và chế độ có liên quan đến việc tinh giản bộ máy và sắp xếp biên chế.

Ngày 28/10/1975, Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư số 335/TT-TTg quy định: Ban Tổ chức của Chính phủ phối hợp với một số cơ quan chức năng hướng dẫn việc thực hiện các chế độ đối với cán bộ cao cấp.

Ngày 02/3/1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 45/QĐ-CP giao cho Ban Tổ chức của Chính phủ quản lý kế hoạch lao động tiền lương của các ngành không sản xuất vật chất.

Ngày 02/02/1980, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 36/CP về việc thành lập Tiểu ban nghiên cứu xây dựng danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức vụ viên chức Nhà nước. Trong Tiểu ban này, Trưởng Ban Tổ chức của Chính phủ đã được Hội đồng Chính phủ giao nhiệm vụ là Phó Tiểu ban.

Ngày 27/8/1980, Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư số 257/TT-TTg hướng dẫn về quản lý biên chế các cơ quan nhà nước. Trong Thông tư này quy định rõ nhiệm vụ của Ban Tổ chức của Chính phủ là tham mưu, theo dõi và tổng hợp tình hình báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 02/10/1980, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 316/QĐ-CP về việc thành lập Tiểu ban nghiên cứu sử dụng lực lượng lao động và xác định quỹ lương trong khu vực Nhà nước. Trong Quyết định này, Ban Tổ chức của Chính phủ cũng là một thành viên và được Hội đồng Chính phủ giao cho nhiệm vụ theo dõi và thi hành.

Ngày 19/02/1981, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử Trung ương và lãnh đạo Ban Tổ chức của Chính phủ được phân công là thành viên của Hội đồng.

Ngày 08/02/1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 16/HĐBT về việc tinh giản biên chế hành chính từ Trung ương đến địa phương. Trong Nghị quyết này, Hội đồng Bộ trưởng giao cho Ban Tổ chức của Chính phủ là thành viên thường trực giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng theo dõi việc thực hiện tinh giản biên chế.

Ngày 04/8/1983, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 86/HĐBT về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện. Trong Nghị định này, Ban Tổ chức của Chính phủ được Hội đồng Bộ trưởng giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng...

Theo Nghị định số 29/CP, cơ cấu của Ban Tổ chức của Chính phủ được tổ chức gồm 05 đơn vị: Văn phòng; Vụ Tổ chức; Vụ Biên chế; Vụ Chính quyền địa phương và Vụ Cán bộ. Lãnh đạo Ban lúc này có các đồng chí Phó Trưởng ban: Trịnh Nguyên, Dương Văn Phúc, và Nguyễn Diêu. Đồng chí Trịnh Nguyên, Phó Trưởng ban là người điều hành trực tiếp các hoạt động của Ban.

Từ tháng 2/1979 đến tháng 9/1988, đồng chí Vũ Trọng Kiên, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương được điều động về đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Tổ chức của Chính phủ. Các đồng chí Phó Trưởng ban là Trịnh Nguyên, Nguyễn Diêu và Dương Văn Phúc. 

Năm 1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định bổ nhiệm đồng chí Trần Công Tuynh, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình giữ chức Phó Trưởng ban. Đến tháng 10/1988, sau khi đồng chí Vũ Trọng Kiên nghỉ hưu, đồng chí Trần Công Tuynh được giao Quyền Trưởng ban. 

Đến tháng 10/1989, đồng chí Phan Ngọc Tường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giữ chức vụ Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức của Chính phủ./.

Thanh Tuấn

Xem toàn văn tại File đính kèm dưới đây.

Tìm kiếm