Các thành viên Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Ảnh tư liệu
Ngày 02/3/1946, tại phiên họp đầu tiên, Quốc hội đã chấp nhận sự từ chức của Chính phủ Liên hiệp lâm thời; đồng thời, trao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệm vụ thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Do đã có chủ trương và chuẩn bị từ trước, dựa trên cơ sở thoả thuận với các "đảng phái đối lập", việc thành lập Chính phủ được tiến hành khá nhanh chóng và Quốc hội đã công nhận chính thức danh sách Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị. Đây là Chính phủ đầu tiên được cơ quan quyền lực tối cao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phê chuẩn. Trong thành phần Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ yêu nước, có danh vọng lớn, không thuộc đảng phái nào được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Trước đó, cũng theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL "hợp các Sở Cảnh sát và các Sở Liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan đặt tên là Việt Nam Công an vụ". Việt Nam Công an vụ do một ông Giám đốc điều khiển, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Nội vụ. Đây là một trong những biện pháp quan trọng củng cố tổ chức của cơ quan Công an nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của công tác bảo vệ chính quyền, bảo vệ trị an lúc đó.
Nhằm tiếp tục củng cố chính quyền thêm một bước, ngày 03/5/1946, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 57/SL quy định tổ chức bộ máy của các Bộ. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL quy định về tổ chức Bộ Nội vụ. Sắc lệnh đã thay thế Nghị định số 14/NV ngày 19/01/1946 quy định về tổ chức Bộ Nội vụ. Đây là một văn bản pháp lý rất quan trọng, chính thức quy định cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Theo đó, tổ chức của Bộ Nội vụ gồm:
I.- Văn phòng, do một Đổng lý Văn phòng điều khiển;
II.- Nha Thanh tra, có nhiệm vụ kiểm soát và trình báo về hành chính và chính trị. Nha này thuộc quyền trực tiếp của Bộ trưởng và sẽ do một sắc lệnh riêng tổ chức;
III.- Năm Nha có nhiệm vụ kể sau đây, thuộc quyền kiểm soát của một Đổng lý sự vụ:
1) Nha Công chức và Kế toán: quy chế quản trị công chức - kế toán trong Bộ;
2) Nha Pháp chính: việc pháp chế và hành chính;
3) Nha Thông tin Tuyên truyền: thu thập và truyền bá các tin tức trong nước;
4) Việt Nam Công an vụ: việc trị an;
5) Nha Dân tộc thiểu số: xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam.
Mỗi Nha có một Giám đốc quản trị.
Theo Sắc lệnh số 58/SL, tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ đã được kiện toàn thêm một bước; đặc biệt, có hai Nha mới được thành lập là Nha Thông tin Tuyên truyền và Nha Dân tộc thiểu số.
Văn phòng Bộ Nội vụ là cơ quan trực tiếp giúp việc cho Bộ trưởng về nhiệm vụ chính trị, do một Đổng lý đứng đầu. Thời gian này, ông Phạm Khắc Hòe giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ thay cho ông Hoàng Minh Giám được cử chức vụ khác.
Nha Thanh tra có nhiệm vụ kiểm soát và trình báo về hành chính và chính trị. Đứng đầu Nha Thanh tra là ông Tôn Quang Phiệt.
Nha Công chức và Kế toán của Bộ Nội vụ là cơ quan chuyên phụ trách các vấn đề liên quan đến quy chế, quản trị công chức và kế toán của Bộ. Đứng đầu Nha Công chức và Kế toán thời kỳ này là Giám đốc Phạm Huy Thụ.
Nha Pháp chính có nhiệm vụ về văn thư, nhân viên, cơ sở vật chất; nghiên cứu, dự thảo các luật lệ thuộc về công pháp, xét duyệt các dự án nghị định hay quy định do cấp kỳ trình lên; đóng góp ý kiến về lĩnh vực pháp chế, công luật và tất cả những dự thảo về luật, sắc lệnh, nghị định, nghị quyết…; công bố các đạo luật, sắc lệnh, nghị định của Nhà nước; công tác in ấn, xuất bản và quản lý tờ Việt Nam Dân quốc công báo. Tổ chức của Nha Pháp chính gồm có Ban Công văn, Ty Pháp chế và Ty Hành chính. Đứng đầu Nha Pháp chính là ông Vũ Quý Mão.
Nha Thông tin Tuyên truyền có nhiệm vụ thu thập và truyền bá các tin tức trong nước. Tổ chức của Nha Thông tin Tuyên truyền bao gồm: Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Ty Nhận tin vô tuyến điện, Ty Kiểm soát giấy, Ty Kiểm duyệt báo chí và sách. Tại mỗi kỳ, tổ chức một Sở Thông tin Tuyên truyền, đứng đầu là một Giám đốc. Cấp tỉnh có một Ty Thông tin Tuyên truyền. Từ cấp huyện đến cấp xã, việc thông tin tuyên truyền do một uỷ viên trong Uỷ ban hành chính phụ trách. Theo Sắc lệnh số 224/SL ngày 27/11/1946, Nha Thông tin Tuyên truyền được đổi tên thành Nha Thông tin. Đứng đầu Nha Thông tin là Tổng Giám đốc Nguyễn Tấn Gi Trọng.
Nha Dân tộc thiểu số chịu trách nhiệm nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nhằm củng cố mối tương trợ, đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Tổ chức của Nha bao gồm: Văn phòng, Ban Nghiên cứu các dân tộc thiểu số, Ban Tuyên truyền, Ban Thanh tra, Ban Kinh tế, Ban Đón tiếp. Giám đốc Nha Dân tộc thiểu số là ông Hoàng Văn Phùng, người dân tộc Thổ.
Việt Nam Công an vụ có nhiệm vụ tìm kiếm và tập trung các tin tức và tài liệu liên quan đến sự an toàn của quốc gia ở cả trong và ngoài nước; đề nghị và thi hành các phương pháp đề phòng những hành động của người Việt Nam hay người nước ngoài gây rối trật tự an ninh của đất nước; điều tra những hành động trái phép và truy tìm can phạm gửi lên toà án xét xử. Tổ chức của Việt Nam Công an vụ, bao gồm ba cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh. Cơ quan Công an Trung ương gọi là Nha Công an Việt Nam, đứng đầu là một Tổng Giám đốc. Chức vụ này được giao cho ông Nguyễn Dương. Đến ngày 08/6/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh cử ông Lê Giản giữ chức Tổng Giám đốc thay cho ông Nguyễn Dương được cử giữ chức vụ khác.
Như vậy, trước yêu cấp thiết của cách mạng Việt Nam, đến giữa năm 1946, bộ máy của Bộ Nội vụ đã nhanh chóng được xây dựng và kiện toàn. Cấp Trung ương được tổ chức tương đối hoàn chỉnh với một Văn phòng trực thuộc và 6 Nha. Riêng Việt Nam Công an vụ và Nha Thông tin đã tổ chức được hệ thống dọc xuống các địa phương.
Lãnh đạo Bộ thời gian này có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng; Thứ trưởng Hoàng Minh Giám; Thứ trưởng Hoàng Hữu Nam.
Ngày 30/4/1947, Hội đồng Chính phủ đã thông qua đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Tôn Đức Thắng, một cán bộ Đảng lão thành có uy tín rất lớn, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Trần Duy Hưng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Khuất Duy Tiến giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ.
Ngày 09/11/1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phan Kế Toại, một nhân sĩ yêu nước từng giữ chức Khâm sai đại thần của triều Nguyễn tại Bắc Kỳ, được cử giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay cho ông Tôn Đức Thắng được cử giữ chức Thanh tra đặc biệt toàn quốc./.
Thanh TuấnXem toàn văn tại File đính kèm dưới đây.