BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tầm vóc và cốt cách báo chí Hồ Chí Minh

22/06/2015 15:24

Tư duy báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh không tồn tại trong những giá trị đóng khung sẵn có, mà luôn rộng mở, trau dồi, vươn tới những nhận thức mới. Quá trình rèn nghề của Bác đã là một bài học sâu sắc cho những người làm báo cách mạng Việt Nam. Hơn thế, điều chúng ta cần quan tâm là tinh thần học hỏi không ngừng, thái độ khiêm tốn, cầu thị của một tầm vóc văn hóa lớn.

Không cứng nhắc
Quan điểm làm báo của Bác là quan điểm mở, phù hợp với sự phát triển đi lên của đời sống xã hội, mặc dù cốt lõi của nó vẫn là dựa trên những nguyên lý bền vững. Thật khó hình dung, một vị lãnh tụ dân tộc lại tâm sự cởi mở, với những nhà báo thế hệ sau về bài học kinh nghiệm mà mình lĩnh hội được bằng những lời lẽ giản dị, khiêm nhường đến thế: “Khi qua Liên Xô, đồng chí L. phóng viên tờ báo Tiếng còi bảo mình viết bài và dặn phải viết rõ sự thật: việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào... và phải viết ngắn gọn. Cách đây mấy năm, mình trở lại Liên Xô, đồng chí L. lại bảo mình viết. Nhưng L. bảo: chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương vì ngày trước khác, người đọc báo chí muốn biết những việc thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta đọc thấy hay, thấy văn chương thì mới thích đọc”.
Hiện thực cuộc sống luôn biến chuyển. Tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh biểu hiện ở chỗ luôn bắt nhịp được với sự vận động ấy, chỉ ra bản chất của nó. Người coi trọng nguyên tắc nghề nghiệp nhưng một trong những nguyên tắc quan trọng nhất lại là không được đóng khung trong những tín điều cứng nhắc, không coi kinh nghiệm của mình là giá trị bất biến mà phải học hỏi không ngừng. Trong bức thư gửi Bộ Biên tập báo Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân, Bác viết:
“Đồng chí Tổng biên tập thân mến!
Tôi không viết tiếng Pháp đã từ lâu, khá lâu. Lần này viết, chắc tôi mắc nhiều lỗi. Mong các đồng chí chữa hộ những lỗi đó. Nếu thấy cần thiết, đồng chí có thể sử dụng tài liệu này để viết lại hoàn toàn bài báo”.
Khiêm tốn và nghiêm cẩn
Sự khiêm tốn, giản dị của Hồ Chí Minh không chỉ là cốt cách ung dung tự tại của một bậc trí nho thấm nhuần đức “khiêm cương” của giáo lý phương Đông, mà còn thể hiện một lối tư duy báo chí hiện đại, coi trọng thực chất hiệu quả công việc. Người chủ bút kiêm chủ nhiệm tờ Le Paria gây chấn động chế độ thuộc địa, người chỉ trong một năm từng viết tới hơn 60 bài báo cho nhiều tờ báo lớn ở Pháp, một nhà báo tầm cỡ quốc tế lại sẵn sàng để cho những đồng nghiệp của mình viết lại bài báo vì “tôi không viết tiếng Pháp đã lâu” nên chắc “sẽ mắc nhiều lỗi!”. Bên cạnh sự khiêm tốn, ở đây còn thể hiện những hiểu biết sâu sắc về nghề báo, về công việc biên tập của một nhà báo lớn. Thế nên, cũng dễ hiểu khi Bác “lấy tư cách một người có nhiều duyên nợ với báo chí” để đưa ra những lời nhắc nhở nghiêm khắc với những người làm báo ở hai kỳ đại hội Hội Nhà báo Việt Nam:
“Có những người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”.
“Chớ tự phụ, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc khi bàn về bản sắc văn hóa Việt Nam đã cho rằng: truyền thống văn hóa Việt Nam là truyền thống nhân cách luận. Một con người chỉ được đánh giá cao thông qua cách ứng xử của anh ta với Tổ quốc, với dân tộc và gia đình, nghĩa là ở phạm trù đạo đức. Khía cạnh tu thân, khiêm nhã được đề cao. Xét từ góc độ này, Hồ Chí Minh là mẫu mực của sự thống nhất “lời nói đi đôi với việc làm”, của thái độ cầu thị, “tu thân, luyện nghiệp”. Những lời dạy của Người về báo chí không phải là giáo lý áp đặt mà là máu thịt từ hoạt động thực tiễn sinh động. Cho nên, Hồ Chí Minh là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam với ý nghĩa đầy đủ, toàn diện của từ này, trước hết là ở thái độ làm nghề của Người, sau đó mới đến hệ thống tư tưởng của Bác về báo chí thể hiện trong những bài diễn văn, những lời nhắc nhở chân tình và sâu sắc.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng đánh giá về tầm vóc báo chí Hồ Chí Minh: “Hãy đọc ngay một đoạn báo bình thường của Bác. Biết là của Bác rồi mà đọc xong ta vẫn lạ lùng. Quá quen hàng chục năm trời nay với lời văn giản dị Tiếng suối trong như tiếng hát xa của Người, ta sửng sốt trước lối văn rất hiện đại, rất là châu Âu, mà đây cũng là của Bác”.
Anh Mai
Nguồn: daibieunhandan.vn

Tìm kiếm