BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Công bố Luật Cán bộ, công chức và hai Nghị quyết của Quốc hội

02/12/2008 14:15

    Chiều 02/12/2008, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Cán bộ, công chức và Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của HĐND và UBND các cấp; Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật Cán bộ công chức và các Nghị quyết của Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn

Giới thiệu Luật Cán bộ, công chức (CBCC) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định Luật sẽ làm rõ các tiêu chí để phân định một cách tương đối cán bộ với công chức. Trong đó, cán bộ, công chức cấp xã được quy định cụ thể theo chức vụ bầu cử và chức danh chuyên môn để khắc phục xu hướng “hành chính hóa” và phát sinh biên chế ở cơ sở.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế  - xã hội, quy mô, đặc điểm của từng địa phương, Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể số lượng CBCC cấp xã trên cơ sở các chức vụ, chức danh do Luật quy định. Theo ông Nguyễn Duy Thăng, sắp tới sẽ tiếp tục đổi mới phương thức sử dụng và quản lý CBCC theo nguyên tắc kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng. Sử dụng, đánh giá, phân loại CBCC phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ.
Đáng lưu ý, biên chế công chức từ nay phải xác định trên cơ sở quy định vị trí công tác (mỗi vị trí sẽ phải có bản mô tả công việc) và cơ cấu công chức. Việc tuyển dụng theo hướng gắn thẩm quyền tuyển dụng với sử dụng. Việc nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan – sẽ không hạn chế điều kiện đăng ký dự thi ở thâm niên giữ ngạch và hệ số lương như hiện nay nhưng phải gắn với nhu cầu thực tế.
Chế độ đánh giá cán bộ được đổi mới theo hướng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. CBCC có 2 năm liên tiếp bị đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở xuống sẽ được bố trí công tác khác hoặc miễn nhiệm, giải quyết thôi việc. Luật cũng bổ sung thêm hình thức kỷ luật giáng chức đối với CBCC.
Về Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 của HĐND và UBND các cấp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng giải trình: trong 5 năm có nhiều cuộc bầu cử như hiện nay vừa gây lãng phí về thời gian, tốn kém tiền của, công sức Nhà nước và nhân dân, vừa gây khó khăn trong công tác quy hoạch, đảm bảo sự kế thừa liên tục của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
Để khắc phục tình trạng này, và để thống nhất bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp vào cùng một thời điểm, Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 khóa X đã thông qua chủ trương kéo dài nhiệm kỳ hoạt động của HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2004 – 2009 đến năm 2011. Chủ trương này đã được Quốc hội thông qua bằng Nghị quyết số 25/2008/QH 12, kéo dài nhiệm kỳ hoạt động của HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2004 – 2009 cho đến kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp khóa sau vào năm 2011; ngày bầu cử đại biểu HĐND các cấp khóa sau do Ủy ban Thường vụ QH ấn định và công bố có hiệu lực từ 01/4/2009.
Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương bắt đầu từ 25/4/2009 cho đến khi QH quyết định chấm dứt việc thí điểm. Tại những nơi thí điểm, HĐND huyện, quận, phường kết thúc nhiệm kỳ 2004-2009  vào ngày 25/4/2009; UBND huyện, quận, phường nhiệm kỳ 2004-2009 tiếp tục hoạt động đến khi UBND mới được thành lập. Danh sách các địa phương thí điểm do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định.
 

Từ Lương                                                                                                                         

 (Theo www.chinhphu.vn)
 

Tìm kiếm