BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đồng hành cùng doanh nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng 10%

31/03/2010 10:55

Ngày 30/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì  Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thi đua sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế năm 2010.

 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết, Quý I/2010, GDP của Thành phố tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông - lâm - thủy sản là 21,6%, ngành xây dựng tăng 9,2%, các ngành dịch vụ tăng 6,9%. Dù đây là một dấu hiệu khởi sắc nhưng những khó khăn của khủng hoảng vẫn chưa thực sự qua đi. UBND thành phố sẽ cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp một cách tốt nhất, cùng tháo gỡ những vướng mắc để đạt mức tăng trưởng cả năm 10%.
  Cũng theo Phó Chủ tịch TP Nguyễn Huy Tưởng, tình hình kinh tế trong nước thời gian tới tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các năm trước, nhất là trong công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hạn hán và dịch bệnh trong nông nghiệp, sự phục hồi kinh tế thế giới kéo theo tăng giá ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong nước. Việc điều chỉnh tỷ giá chính thức VND/USD, tăng giá bán lẻ xăng dầu, tăng giá điện… cùng với những biến động của tình hình kinh tế thế giới sẽ có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội.
  Tại hội nghị, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng trình bày những khó khăn đang vấp phải để cùng tìm cách tháo gỡ trong vay vốn ngân hàng,  thủ tục cấp phép đầu tư còn kéo dài, cổ phần hóa doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Hà Nội gặp khó khăn về thuê đất, đóng thuế, thiếu kinh phí trong hoạt động xúc tiến thương mại…
  Ông Nguyễn Tấn Khải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Quốc tế cho biết, việc giải quyết các thủ tục cấp phép đầu tư cho DN vẫn “rất rất chậm”. Công ty mất rất nhiều thời gian chờ đợi mới có được thủ tục xây dựng một nhà máy mới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư vì doanh nghiệp chậm chễ trong việc chớp cơ hội. Do vậy, phải đẩy mạnh cải cách TTHC hơn nữa, đồng thời tăng cường trách nhiệm của công chức.
 

Ông Sachio Kageyama - Tổng giám đốc Canon Việt Nam trình bày tại Hội nghị
 Cũng về TTHC, theo đại diện 18 doanh nghiệp đóng tại Khu công nghiệp Thanh Oai (Hà Tây cũ), các chính sách giữa Hà Tây cũ và Hà Nội mở rộng có nhiều điều vênh nhau, gây khó cho doanh nghiệp. Theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tây cũ, các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Thanh Oai được miễn tiền giải phóng mặt bằng. Nhưng khi doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động thì Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, doanh nghiệp lại nhận được yêu cầu nộp tiền giải phóng mặt bằng theo quy định của UBND thành phố Hà Nội.
  Cũng liên quan đến đất đai, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, vấn đề định giá đất khi triển khai các dự án đầu tư cũng đang có nhiều bất cập. Theo thủ tục, để triển khai một dự án đầu tư, sau khi xin được chủ trương của thành phố, doanh nghiệp phải khảo sát, lập dự án thiết kế, quy hoạch. Đối với một dự án nhỏ, những chi phí này cũng mất vài trăm triệu, lớn hơn thì vài tỷ, thậm chí dự án lớn lên tới vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đến khâu định giá đất, đa phần cơ quan quản lý áp giá nào thì doanh nghiệp phải chịu giá đó, ít có cơ hội thương lượng. Nếu không làm tiếp thì mất không số tiền khảo sát, lập dự án, nếu làm mà giá đất quá cao cũng không được.
  Theo ông Sachio Kageyama - Tổng giám đốc công ty TNHH Canon Việt Nam, Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hoá, do đó cần quan tâm nhiều đến ngành công nghiệp chế tạo. 
  Ông Sachio Kageyama  cho rằng, để làm được điều này, Việt Nam cần có một hệ thống giáo dục đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, giáo dục và thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ngành công nghiệp chế tạo.. .“Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư là điều rất quan trọng đối với Việt Nam hiện nay”, Tổng GĐ Canon Việt Nam nhấn mạnh.
  Thừa nhận TTHC dù đã có nhiều cải cách theo Đề án 30 của Chính phủ nhưng vẫn còn rườm rà, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đồng thời nhấn mạnh rằng vấn đề không hoàn toàn nằm ở thủ tục. Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, rút ngắn  thủ tục là cần thiết nhưng cũng không thể rút bừa dẫn tới luật có nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng và tạo ra sự bất bình đẳng. Chủ tịch dẫn chứng, có những thủ tục của Việt Nam chỉ có 3-4 khâu, trong khi thủ tục ở các nước phát triển có tới 7-8 khâu. “Họ nhiều khâu nhưng thực hiện chỉ trong một ngày, còn Việt Nam 3 - 4 khâu nhưng mấy ngày giải quyết không xong”. Vấn đề là phải nâng cao hiệu quả quản lý thực hiện và trách nhiệm của công chức.
  Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng, nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục đầu tư của Hà Nội khó khăn, rườm rà nhưng không phải. Một phần là do Hà Nội đặt ra mục tiêu đầu tư phải hiệu quả, phải đầu tư vào công nghệ cao, đảm bảo môi trường. “Nhưng tôi khẳng định, Hà Nội sẽ luôn đặt mục tiêu cải cách TTHC để tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư, để Hà Nội vừa có những nhà đầu tư tốt, có chỉ số năng lực cạnh tranh cao. Việc chúng tôi tổ chức hội nghị này để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp là một ví dụ cụ thể ”, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng khẳng định.

Các đơn vị xuất sắc nhận cờ thi đua của TP
   Tại Hội nghị, đại diện của Cục thuế Hà Nội cũng trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này. Hiện tại, có đến 700 doanh nghiệp ở Hà Nội đã thực hiện thí điểm thành công việc kê khai thuế qua mạng, ba ngân hàng lớn là Ngân hàng Công thương, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Đầu tư & phát triển Việt Nam thực hiện ủy nhiệm thu thuế. Về TTHC, cơ quan thuế đã bỏ 11 thủ tục không cần thiết, đơn giản hoá hơn 200 thủ tục trên tổng số 338 TTHC nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt những phiền hà không đáng có.
  Bế mạc hội nghị, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, năm 2010 mục tiêu của Thành phố là tiếp tục tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hợp lý, bền vững, chú trọng gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt vấn đề môi trường, hoàn thành cơ bản các chương trình, dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 9,5-10,0%. Vì vậy, chính phủ, lãnh đạo Thành phố sẽ tìm cách tháo gỡ mọi vướng mắc và cùng doanh nghiệp chung sức phát triển kinh tế. Cụ thể, các ngành, các cấp tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Chú trọng phát triển thương mại nội địa: thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khai thác thị trường nội địa, coi trọng thị trường nông thôn tại các huyện ngoại thành; hoàn thiện hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ, đặc biệt hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu; tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất với tổ chức phân phối để hình thành những kênh lưu thông hàng hóa ổn định, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
  Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch cũng yêu cầu cần chủ động tái cơ cấu đầu tư, lựa chọn phương án sản phẩm và công nghệ tiên tiến, xây dựng giá thành hợp lý, đầu tư có trọng điểm và chọn lọc công nghệ tốt; giữ vững thị trường hàng xuất khẩu và thị trường trong nước, xây dựng sản phẩm chủ lực và thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu doanh nghiệp, tiết kiệm tối đa chi phí để giảm giá thành sản phẩm…
  Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trao tặng cờ thi đua - khen thưởng cho 14 đơn vị  xuất sắc trong phong trào sản xuất, phát triển thủ đô, bằng khen cho 70 đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ và 12 đơn vị thực hiện tốt công tác xuất khẩu trong năm 2009 vừa qua./.

Theo http://www.hanoi.gov.vn
Tìm kiếm