BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14/09/2010 13:27

Sáng 13/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 34. Tại phiên họp, UBTVQH nghe Chính phủ báo cáo về định mức phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2011 - 2015.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Phiên họp

Ảnh: TTXVN

 

Theo báo cáo của Chính phủ, định mức phân bổ ngân sách theo Quyết định 151 đã bảo đảm, phù hợp với khả năng cân đối NSNN Trung ương và ngân sách từng địa phương; hệ thống định mức với các tiêu chí phân bổ cụ thể, bảo đảm tính công bằng, ưu tiên đối với các vùng cao, vùng hải đảo, vùng miền núi và vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Đối với chi cho sự nghiệp giáo dục, căn cứ vào mức độ trượt giá từ năm 2007 - 2010 và các chế độ chính sách về giáo dục, bảo đảm thực hiện các chế độ chính sách, vùng đồng bằng hệ số 1 tăng 120% so với quyết định; chi cho sự nghiệp y tế, vùng đồng bằng hệ số 1 tăng 80% so với quyết định; chi cho các lĩnh vực như văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, thể dục, thể thao, vùng đồng bằng hệ số 1 tăng từ 60 - 75% so với định mức 151…

Về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của NSNN năm 2011, chi thường xuyên tính theo định mức phân bổ cơ bản đã có tốc độ tăng hợp lý so với dự toán năm 2010, các tỉnh miền núi phía Bắc tăng khoảng 14%, Tây Nguyên tăng khoảng 16%, ĐBSCL tăng khoảng 9%...; định mức phân bổ ngân sách bảo đảm chi giáo dục, đào tạo 20%, khoa học công nghệ 2%, thể hiện mức độ ưu tiên cao hơn so với định mức phân bổ theo Quyết định 151 đối với các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc khó khăn.

Theo ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, định mức mới đề xuất đối với các Bộ, cơ quan Trung ương vẫn có 6 bậc, song có điều chỉnh lại về bậc để phù hợp với quy mô biên chế hiện nay của các Bộ, cơ quan Trung ương. Định mức chi quản lý hành chính năm 2011 từ 19 triệu – 30 triệu đồng/ biên chế. Như vậy, so với định mức cũ (quy định từ năm 2007), bình quân định mức mới tăng từ 1,79 đến 1,82 lần.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống định mức lấy dân số là tiêu chí chính và tiếp tục phân thành 4 vùng (đô thị, đồng bằng, vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng, vùng sâu, vùng cao và hải đảo). Hệ số ưu tiên được nâng lên đối với vùng miền núi, vùng cao – hải đảo và có cơ chế hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu. Cụ thể, bổ sung thêm 7% định mức theo dân số đối với các địa phương khó khăn khu vực đồng bằng sông Cửu Long; bổ sung thêm 12% định mức theo dân số đối với các địa phương có dân số dưới 500.000 dân và 10% đối với các địa phương có từ 500.000 đến 800.000 dân. Bổ sung thêm 50% định mức theo dân số đối với Hà Nội, TPHCM; 35% đối với 3 thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; 30% đối với các tỉnh có đóng góp về ngân sách trung ương từ 40% trở lên...

Áp dụng định mức này, năm 2011, Chính phủ dự kiến có khoảng 13 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và đặc biệt có thêm 2 tỉnh so với thời kỳ ổn định ngân sách trước là Bắc Ninh, Quảng Ngãi.

Năm 2011, Chính phủ ưu tiên tăng mức chi ngân sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo đối với các địa phương vùng cao, miền núi vùng đồng bào dân tộc khó khăn.

Ủy ban Tài chính và Ngân sách đồng tình với báo cáo đánh giá tình hình thực hiện định mức phân bổ dự toán chi NSNN, việc áp dụng hệ thống định mức phân bổ được thực hiện khá tốt, góp phần làm công khai, minh bạch trong quản lý và điều hành NSNN. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, xây dựng định mức phân bổ phải căn cứ vào sự phát triển kinh tế của đất nước và khả năng thu NSNN, gắn với cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy. Về phân bổ chi cho sự nghiệp giáo dục các tỉnh, thành phố, nên xem xét tiêu chí phân bổ theo đầu học sinh, cấp học, số lượng giáo viên và số lượng học sinh; định mức phân bổ chi cho sự nghiệp y tế cũng dựa trên tiêu chí dân số và các tiêu chí bổ sung, hệ số chi y tế đối với vùng cao, vùng hải đảo phải cao hơn so với lĩnh vực khác, tốc độ tăng định mức cũng cao hơn…

Theo Ủy ban Tài chính và Ngân sách, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư hiện nay còn hạn hẹp. Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc việc phân bổ vốn đầu tư cho các tổ chức xã hội, hiệp hội và các tổ chức phi Chính phủ. Về tiêu chí trình độ phát triển, tỷ lệ hộ nghèo và số thu nội địa là hai yếu tố ngược chiều nhau, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao thì có số thu nội địa thấp và ngược lại, dẫn đến tiêu chí trình độ phát triển giảm ý nghĩa trong khi xác định điểm của các địa phương. Do vậy, đề nghị tăng thêm từ 2-3 điểm cho tiêu chí này. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, điểm của tiêu chí số thu nội địa và tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng số điểm là 62,7%. Nếu theo cách tính này, sẽ thiên về ưu tiên cho các tỉnh giàu, có số thu nội địa và tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cao, gây nên khoảng cách chênh lệch lớn giữa các địa phương, dẫn đến thiếu công bằng trong đầu tư giữa các địa phương.../.

 

Theo http://www.dangcongsan.vn

Tìm kiếm