BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII

20/10/2010 16:04

Sáng nay 20/10, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội (QH) khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, các đại biểu Quốc hội, các Đoàn ngoại giao tại Hà Nội. 

Quốc hội khóa XII khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Kỳ họp thứ tám của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh cả nước ta vừa long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là thời điểm sắp kết thúc năm 2010, năm mà đất nước ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã thực hiện có kết quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 6,7%. Các cân đối vĩ mô cơ bản được bảo đảm. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Thu ngân sách nhà nước ước sẽ vượt dự toán, lạm phát được kiểm soát. An sinh xã hội được chăm lo tốt hơn; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. An ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động đối ngoại được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Đại hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA-31) trên cương vị Việt Nam là Chủ tịch, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế… Những kết quả đạt được trong năm 2010 có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 theo Nghị quyết của Quốc hội và tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong các năm sau.

Các đồng chí Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự kỳ họp

Tuy nhiên, kinh tế-xã hội nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục. Đó là: kinh tế tăng trưởng nhưng còn thiếu tính bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; cơ sở hạ tầng vẫn yếu kém; hiệu quả đầu tư thấp; nhập siêu còn lớn, bội chi ngân sách còn cao. Giá cả nhiều mặt hàng có xu thế tăng, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm trọng. Tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều, một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết… Đây là những vấn đề lớn, cần được đi sâu phân tích sâu sắc tìm ra nguyên nhân đích thực để có biện pháp giải quyết có hiệu quả nhằm hướng đến sự phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, chương trình nghị sự của kỳ họp thứ tám gồm nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề:

Một là, xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, bổ sung ngân sách địa phương năm 2011.

Hai là, thảo luận và thông qua 09 dự án luật và 01 dự thảo Nghị quyết, đó là: Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thanh tra (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính; Luật viên chức; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật khoáng sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cho ý kiến về 09 dự án luật: Luật kiểm toán độc lập; Luật khiếu nại; Luật tố cáo; Luật đo lường; Luật phòng, chống mua bán người; Luật lưu trữ; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Luật Thủ đô.

Ba là, tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Xem xét một số báo cáo kết quả giám sát do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ bảy; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Bốn là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ và các ngành Tòa án, Kiểm sát về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác thi hành án, đặc xá, phòng, ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh; các báo cáo về việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; về kết thúc thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất; về hoạt động của Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin); về cho nước ngoài thuê, liên doanh trồng rừng ở khu vực biên giới và một số báo cáo chuyên đề khác.

Năm là, góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Cũng tại phiên họp này, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011. Báo cáo của chính phủ nêu rõ: Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và quốc tế, ngay từ cuối năm 2009, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 với mục tiêu tổng quát là nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 15 tháng 01 năm 2010 với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Nhưng từ những tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước có xu hướng tăng cao, thâm hụt thương mại lớn, thanh khoản của nhiều ngân hàng khó khăn, lãi suất tín dụng cao, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn..., Chính phủ đã phân tích tình hình các mặt và đã ban hành Nghị quyết số 18 ngày 06 tháng 4 năm 2010 với nhiều giải pháp cụ thể nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.

Về nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Theo nhiều dự báo, năm 2011, kinh tế thế giới tuy tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chưa vững chắc và còn nhiều khó khăn. Các nền kinh tế là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản tăng trưởng chậm. Cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng Euro và thâm hụt ngân sách cao ở nhiều nước có thể gây biến động về tỷ giá giữa các đồng tiền, làm cho tính bất định và độ rủi ro tăng lên, tác động mạnh tới xuất nhập khẩu, đầu tư, chính sách tài khóa và tiền tệ của các quốc gia. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng, gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Sự mạnh lên của nền kinh tế và sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trong điều kiện hội nhập Đông Á và việc thực hiện các hiệp định mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+ ngày càng sâu rộng, tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta. Nếu không tạo dựng được các yếu tố nội sinh bền vững để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức thì thách thức sẽ lấn át, ảnh hưởng xấu đến ổn định vĩ mô và tăng trưởng. Trong khi đó, vẫn đang tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định chính trị và đe dọa chủ quyền quốc gia. Ở trong nước, nền kinh tế phục hồi khá nhanh và lấy lại đà tăng trưởng sau ảnh hưởng của khủng hoảng; chính trị xã hội ổn định, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu năm 2011, Đại hội lần thứ XI của Đảng sẽ thông qua các văn kiện quan trọng xác định những quan điểm, mục tiêu và những định hướng lớn để phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đây là những thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố gây lạm phát cao và bất ổn định kinh tế vĩ mô. Những hạn chế của hệ thống thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực vẫn là những cản trở lớn. Thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu có thể tác động xấu đến sự phát triển, nhất là sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Về mục tiêu tổng quát, Chính phủ sẽ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; trên cơ sở đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế./. 

Theo http://www.cpv.org.vn
Tìm kiếm