BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Ủy ban Pháp luật góp ý Luật Tổ chức Chính phủ

19/08/2014 20:00

Ngày 19/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể thứ 16, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật gồm 8 chương, 45 điều cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về các thiết chế tổ chức quyền lực Nhà nước và khắc phục những tồn tại của Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành (có hiệu lực từ năm 2001).

Dự thảo Luật quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và thành viên Chính phủ; về nguyên tắc tổ chức và hoạt động; về chế định Thủ tướng Chính phủ; về Bộ trưởng và bộ, cơ quan ngang bộ…

Dự án Luật này cùng với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được Ủy ban Pháp luật cho ý kiến ngày 18/8) là 2 dự án luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đáp yêu cầu quản lý điều hành đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Cơ quan soạn thảo cũng nêu quan điểm xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các dự án luật khác như: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi)...

Cho ý kiến về dự án Luật, một số ý kiến đánh giá vai trò của Bộ trưởng, trưởng ngành chưa được thể hiện rõ, nhiều nội dung quy định Bộ trưởng, trưởng ngành phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ khi triển khai nhiệm vụ, nên chưa tạo tính chủ động trong quản lý, điều hành của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ với ngành của mình.

Có đại biểu cho rằng dự án Luật chưa thể hiện rõ tinh thần thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia khi tư duy quản lý Nhà nước còn phân tán. Ông Nguyễn văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu ví dụ: Việc quản lý các hội, đoàn thể là của Bộ Nội vụ, nhưng dự thảo luật quy định việc quản lý này còn ở các bộ, ngành khác, dẫn đến việc quản lý còn chồng chéo, cần khắc phục bằng sự phân định trách nhiệm minh bạch giữa các bộ.

Sau phiên thảo luận này, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ tiếp tục được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 31, diễn ra vào tháng 9/2014, trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8.

Trước đó tại phiên họp chuyên đề tháng 7/2014, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2011 để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Theo đó, khi xác định vị trí, chức năng của Chính phủ, cần làm rõ nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ kiểm soát quyền lực đối với Quốc hội và Tòa án nhân dân để thể hiện đúng vị trí, chức năng cơ quan thực hiện quyền hành pháp.

Dự án phải cụ thể hóa 3 chức năng và các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Hiến pháp quy định thành các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ theo hướng nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định khái quát, bao quát các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như trong các mối quan hệ với các thiết chế Nhà nước khác, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ quản lý đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Quán triệt quan điểm đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm quyền Trung ương-địa phương trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Những quy định này chỉ mang tính nguyên tắc.

Về đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, cần quy định về nguyên tắc theo hướng Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân, trong đó có tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; những nội dung giao cho bộ, ngành thực hiện vai trò chủ sở hữu sẽ do Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt.

Trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và kế thừa Luật hiện hành, cần quy định cụ thể hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Đồng thời, cụ thể hóa nhiệm vụ của Thủ tướng đã được Hiến pháp quy định là lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, chủ động tham gia có hiệu quả vào hoạt động của tập thể Chính phủ; làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý những công việc thuộc ngành, lĩnh vực đã được phân cấp, phân định thẩm quyền cho địa phương.

Theo http://baodientu.chinhphu.vn/
Tìm kiếm