Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra hôm nay (5/8), Chính phủ thảo luận về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)...
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi, bổ sung 50/173 điều, nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối họp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua luật...
Cho rằng thực tế có tình trạng các luật mâu thuẫn, không biết áp dụng theo luật nào, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu vấn đề, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có quy định là văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn thì áp dụng văn bản đó, tuy nhiên, với luật thì có giá trị pháp lý ngang nhau. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị, khi có sự xung đột giữa các luật thì trách nhiệm của Chính phủ là trình Quốc hội có Nghị quyết xác định chọn áp dụng luật nào.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL, được xem là “công thức” cho xây dựng thể chế pháp luật ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, đối với sự chồng chéo, vướng mắc giữa các luật, giao Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, xử lý giải quyết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật…
Khẳng định Chính phủ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ trưởng phải tập trung cho công tác này, đây là nền tảng quan trọng cho chỉ đạo điều hành. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, tránh tình trạng “giữa đường đổi vai”.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ là cơ quan hoạch định chính sách quốc gia, có trách nhiệm bảo vệ chính sách do mình xây dựng trước Quốc hội để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý điều hành trong việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án luật, pháp luật do Chính phủ trình. Việc này tạo cơ chế để từng bộ trưởng, thành viên Chính phủ khi được giao chủ trì dự án luật phải đề cao trách nhiệm, theo sát đến cùng cho đến khi Quốc hội thông qua, bảo đảm tính hệ thống, thông suốt, không cắt khúc trong quá trình xây dựng luật.
Thủ tướng lấy ví dụ về việc Luật Phòng chống tác hại rượu bia, cơ quan chủ trì là Bộ Y tế đã theo đến cùng, thuyết minh đầy đủ nên được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, mặc dù trong quá trình thảo luận, còn có ý kiến này ý kiến khác.
Đối với các ý kiến về việc dùng một luật sửa nhiều luật, áp dụng quy trình điện tử trong xây dựng VBQPPL, vấn đề ủy quyền luật pháp, về quy định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, vấn đề thời gian ban hành, có hiệu lực của thông tư…, Thủ tướng cho rằng, đây là những vấn đề thực tiễn phát sinh, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xử lý, hoàn thiện.
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng xin ý kiến Chính phủ về một số nội dung như quản lý chi phí đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực.
Đối với lĩnh vực này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn, chống tư tưởng xin-cho, “những việc gì chúng ta giao được thì cố gắng giao”. Giao quyền gắn liền với trách nhiệm, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng nhất trí rằng, việc các bộ, ngành có ít dự án đầu tư xây dựng nhưng vẫn phải thành lập ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, dự án đầu tư xây dựng khu vực là không cần thiết, không hiệu quả, tăng biên chế.
Về cấp phép xây dựng công trình, nhà ở tại nông thôn, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cần căn cứ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt để thực hiện quản lý trật tự xây dựng.
Về chi phí quản lý đầu tư xây dựng, theo Thủ tướng, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành bắt buộc áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm kiểm soát việc sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, chống thất thoát. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác thì để tham khảo áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định cụ thể thời hạn định kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải cập nhật, điều chỉnh hệ thống định mức cho phù hợp với thực tế.
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, mục tiêu quan trọng là huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước; bên cạnh đó, không được chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác.
Có ý kiến hoan nghênh việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo. Việc đưa vấn đề hộ kinh doanh vào dự thảo luật là bước đột phá.
Đa số ý kiến nhất trí cho rằng, cần tách dự án Luật này thành 2 dự án luật: Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do quy mô, nội dung sửa đổi lớn.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các luật liên quan, hoàn thiện quy định giới hạn, phạm vi áp dụng của Luật với các quy định của pháp luật liên quan trong các lĩnh vực chuyên ngành; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cắt giảm các ngành nghề không cần thiết quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh, cần có quy định giao Chính phủ quy định quản lý thí điểm ngành nghề, lĩnh vực, điều kiện đối với hình thức đầu tư mới có thể phát sinh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bảo đảm tính linh hoạt trong quản lý, điều hành kinh tế-xã hội và tính ổn định của Luật, không tạo khoảng trống pháp lý.
Về đưa nội dung “hộ kinh doanh” khi sửa Luật Doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, quy định địa vị pháp lý hộ kinh doanh, trách nhiệm chủ hộ kinh doanh... là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, cần hết sức cân nhắc và đánh giá kỹ tác động đến hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay.
Về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ tinh thần là tất cả các bộ, cơ quan đều phải quan tâm đến thế hệ trẻ, tạo điều kiện tốt nhất về chính sách, bộ máy, gỡ bỏ những gì cản trở để thanh niên phát huy tốt nhất năng lực, nhưng bộ máy, biên chế cho công tác thanh niên phải gọn nhẹ. Biểu dương, phát huy các điển hình, bồi dưỡng thanh niên, có chính sách mới cho thanh niên khởi nghiệp, thanh niên tài năng nhưng phải chống bao cấp.
Về dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) gồm 11 chương với 100 điều, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia.
Thực tiễn triển khai cho thấy quy định về PPP cần phải được hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, đầu tư quy mô lớn (hợp đồng PPP thường kéo dài 20-30 năm).
Đa số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn đầu tư từ khu vực tư ngày càng tăng, việc xây dựng Luật này là rất cần thiết, nhằm hình thành khung pháp lý để quản lý, điều hành thống nhất, ổn định hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Nguồn: baochinhphu.vn