BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Nội vụ về tinh gọn bộ máy, cải cách chính sách tiền lương

31/01/2020 11:25

Chiều ngày 30/01, tại trụ sở Bộ, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (Ban Chỉ đạo Trung ương) dẫn đầu, cùng lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính… đã có buổi làm việc với Bộ Nội vụ về tinh gọn bộ máy, cải cách chính sách tiền lương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Buổi làm việc

Dự Buổi làm việc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; các Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Trọng Thừa, Nguyễn Duy Thăng, Trần Anh Tuấn, Triệu Văn Cường, Trần Thị Hà; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

Báo cáo khái quát về nhiệm vụ chung của Bộ Nội vụ và tình hình triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII tại Buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm 2019, với quyết tâm chính trị cao, Bộ Nội vụ đã đề ra phương châm hành động của năm là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin”; theo đó, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, thực  hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ đã đề ra phương châm hành động của năm là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-BNV ngày 01/01/2020 về Chương trình công tác năm 2020 của Bộ Nội vụ với phương châm hành động là “Hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin”. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ phấn đấu nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với 143 nhiệm vụ.

Về tình hình triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 22/11/2019 và tại Thông báo số 415/TB-VPCP ngày 09/12/2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ báo cáo các công việc đã thực hiện như sau:

Bộ Nội vụ đã ban hành các văn bản: Công văn số 516/BNV-TL ngày 29/11/2019 đề nghị các Bộ, cơ quan hoàn thiện báo cáo chính thức về xây dựng bảng lương và phụ cấp theo nghề; Công văn số 5871/BNV-TL ngày 25/11/2019 gửi các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 107/NQ-CP (28/36 Bộ, cơ quan Trung ương và 41/63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã gửi báo cáo); Tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 561/BC-BNV ngày 31/12/2019 báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện năm 2019 và kế hoạch triển khai đến năm 2021 theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn số 5638/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 23/12/2019 báo cáo tình hình triển khai trong năm 2019 và dự kiến triển khai thực hiện xây dựng chế độ tiền mới đối với khu vực doanh nghiệp.

Ban Tổ chức Trung ương đã dự thảo và lấy ý kiến các nội dung: Báo cáo rà soát các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và dự kiến xây dựng Bảng phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị; Xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.



Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng báo cáo tại Buổi làm việc

Về thực hiện nhiệm vụ xây dựng chế độ tiền lương mới (từ năm 2021), Bộ Nội vụ đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xem xét, chỉ đạo một số nội dung sau:

Một là, họp Ban Chỉ đạo cho ý kiến về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Hai là, yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương chưa gửi báo cáo khẩn trương hoàn thiện báo cáo chính thức về đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nghề đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Nội vụ.

Ba là, giao Bộ Tài chính đề xuất cụ thể các nội dung về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; tính toán khả năng cân đối nguồn lực để cải cách tiền lương gửi Bộ Nội vụ (vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có công văn số 6436/BNV-TL ngày 21/12/2019 gửi Bộ Tài chính).

Bốn là, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị các nội dung: Bảng phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị; Hệ thống danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.

Năm là, sau khi Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị thông qua Bảng phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương để báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị nội dung quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Sáu là, căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, các cơ quan trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (thay thế Quyết định số 128-QĐ/TW ngày 14/12/2004 và các văn bản liên quan); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, các chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán (thay thế các Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004, Nghị quyết số 325/2016/UBTVQH14 ngày 19/12/2016 và các văn bản liên quan) và giao Chính phủ quy định chế độ tiền lương mới đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; Nghị định của Chính phủ quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 và các văn bản liên quan).

Bảy là, cho phép tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia và các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương, các đối tượng thụ hưởng về các dự thảo trình Bộ Chính trị, Chính phủ về quy định chế độ tiền lương mới.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận quà chúc mừng năm mới từ Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Hụê

Phát biểu tại buổi làm việc, nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ sức khỏe, hạnh phúc, thành công, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được Đảng, Chính phủ giao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và thành tích của Bộ Nội vụ nói riêng và ngành Nội vụ nói chung đã đạt được trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Hiện đang cân nhắc thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào ngày 01/01/2021 hay ngày 01/7/2021, tùy theo sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, cải cách chính sách tiền lương phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó hai giải pháp mang tính đột phá, căn cơ nhất là phải sắp xếp, tinh giản bộ máy, giảm biên chế, số lượng người hưởng lương từ ngân sách theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị theo chỉ tiêu đến năm 2021 phải giảm được ít nhất 10%; đồng thời, phải tạo được nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành chương trình công tác năm 2020 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó, việc đầu tiên là xây dựng hệ thống các chức danh, chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị và vị trí việc làm do Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, việc xây dựng các nội dung quy định cụ thể về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là một đề án lớn, phải trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định trong năm 2020 để có căn cứ xây dựng các bước tiếp theo.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định, đến năm 2021 có thể đạt được chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế. Vì vậy, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phải rà soát lại theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị là “có bệnh nhân thì phải có bác sĩ, có học sinh thì phải có giáo viên” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng không phải làm việc này một cách biệt lập mà phải đặt trong tổng thể sắp xếp, đổi mới lại các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này, tránh tình trạng có đơn vị gia tăng dân số cơ hữu rất lớn nhưng không xin bổ sung thêm giáo viên như Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng cường sắp xếp lại các điểm trường, nhằm tiết kiệm tài sản, chi phí để nuôi bộ máy, tiết kiệm được giáo viên, từ đó bổ sung cho giáo viên ở những nơi còn thiếu.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, kiểm tra thật kỹ vấn đề đội ngũ y tế và kế toán học đường trên toàn quốc là hơn 80.000 người, thậm chí có những trường học ngay cạnh trạm y tế xã vẫn cứ phải có một y tế học đường.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp lại, tinh gọn đầu mối, đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực giáo dục.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong năm 2020 phải tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ và Bộ Nội vụ có thể phải thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập để đạt được mục tiêu giảm được số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong khối đơn vị sự nghiệp, kể cả y tế và giáo dục. Đồng thời, phải đánh giá việc sắp xếp lại các huyện, xã, sắp xếp lại các tổ dân phố, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cơ sở giảm được bao nhiêu, phải tính toán kỹ để có cân đối nhu cầu.

Bộ Nội vụ cần có cơ quan chuyên trách giúp cho Bộ trưởng theo dõi vấn đề này, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện dự thảo các nghị định, làm cơ sở cho vấn đề cải cách chính sách tiền lương. Phó Thủ tướng cho biết, có hàng trăm đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần, chỉ chờ nghị định là chuyển đổi được ngay nhưng giờ vướng mắc là chưa có nghị định.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý Bộ Nội vụ tham mưu giúp Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm và rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở để hoàn thiện Bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị. Trong đó, cần lưu ý đến các khối cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát).

Đồng thời, phải tiếp tục quyết liệt thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương. Các ban, bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương./.

Toàn cảnh Buổi làm việc

Anh Cao (Ảnh: Hoài Nga)

Tìm kiếm