BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Lễ hội phật giáo đầu xuân xưa và nay

23/02/2021 15:50

Với người Việt, mùa xuân là mùa của lễ hội, theo truyền thống, cứ vào thời điểm đầu năm, tết đến, xuân về các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo lại diễn ra sôi động trên khắp các vùng, miền trong cả nước, có lễ hội diễn ra chỉ một vài ngày nhưng cũng có lễ hội diễn ra trong thời gian dài hết cả ba tháng mùa xuân như lễ hội chùa Hương, chùa Thầy (Hà Nội), lễ hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)…

Lễ hội Phật giáo đầu xuân là nơi hội tụ văn hóa dân tộc từ xa xưa để lại, mang ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc, mang đậm giá trị đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ, tri ân công đức của các bậc tiền nhân những người có công với quốc gia, dân tộc; thể hiện sự tôn kính Phật và các vị thần, thánh, những anh hùng dân tộc có công với nước, với dân, thể hiện sự tri ân với các bậc tiền nhân, với tổ tiên, ông bà, đã đi vào đời sống tinh thần của Nhân dân. Đến với lễ hội xuân, người dân không chỉ tưởng nhớ, tri ân mà còn thể hiện mong muốn, khát vọng về một năm mới tốt lành, nhân khang, vật thịnh, hướng tới chân, thiện, mỹ trong cuộc sống.

Lễ hội Phật giáo là một phần quan trọng của văn hóa, đạo đức xã hội, qua lễ hội người dân hiểu biết thêm về giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp, truyền thống lịch sử của dân tộc, là dịp họ được thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh của đất nước. Việc tham gia lễ hội và đi lễ đầu năm vốn là nhu cầu tự thân của mỗi người dân, với tâm nguyện tốt lành, hướng thiện và là nét đẹp của văn hóa truyền thống. Hoạt động lễ hội đã góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, thể hiện sự quan tâm Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Mùa xuân xưa

Từ khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, đời sống và nhu cầu tôn giáo cũng có nhiều biến đổi theo hướng đa dạng hóa. Phật giáo vốn là một thực thể xã hội, luôn có sự vận động, biến đổi và thích nghi với xã hội đương đại cũng đã có những biến chuyển trong hoạt động tôn giáo của mình, không chỉ phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa mà Phật giáo còn hướng đến những hoạt động thế tục thể hiện tinh thần Phật pháp bất ly thế gian pháp. Tuy nhiên, bên cạnh sự biến đổi mang ý nghĩa tích cực thì cũng còn có những biểu hiện tiêu cực, trong đó phải kể đến những lệch chuẩn trong hoạt động tâm linh, lễ hội ở một số cơ sở tự viện Phật giáo vào mỗi dịp đầu xuân.

Trên thực tế, một bộ phận người đi lễ do hiểu biết về nghi lễ Phật giáo còn hạn chế, chưa nhận thức đúng giá trị của nghi lễ nên trong thực hành nghiêng về yếu tố bên ngoài, hướng đến những giá trị vật chất, cầu tài, cầu lộc, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín rất mong manh… một số ít cơ sở thờ tự để đáp ứng nhu cầu của người dân đã thực hiện nghi lễ không đúng với tinh thần của Phật giáo, có thể kể đến nghi lễ dâng sao giải hạn ở một số cơ sở tự viện Phật giáo. Nếu như trước đây hoạt động này chỉ diễn ra ở một số ngôi chùa ở miền Bắc thì nay hoạt động cúng sao giải hạn còn diễn ra ở một số ngôi chùa miền Trung và miền Nam.

Một hoạt động cần quan tâm điều chỉnh đó là đốt vàng mã, hoạt động đốt vàng mã thịnh, suy theo nhịp độ phát triển kinh tế của đất nước. Trong nhiều năm trở lại đây, đời sống kinh tế của người dân ngày một đi lên, tục đốt vàng mã quay trở lại và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt vào ngày rằm tháng giêng, ngày rằm tháng bảy dân gian gọi đó là ngày xá tội vong nhân, vàng mã trong những ngày này được đốt không biết bao nhiêu mà kể, vàng mã không chỉ đơn giản là những tập tiền vàng âm phủ và những con vật thông dụng như ngựa, voi, thuyền… mà hiện nay tất cả các vật dụng như nhà lầu, xe hơi, điện thoại, tiền đô la Mỹ và nhiều vật dụng của thời hiện đại khác như giầy cao gót, bikini,… thậm chí cả osin đều được chế tác bằng đồ mã nhằm đáp ứng nhu cầu của người sống mua về để đốt cho cõi âm. Sự xuất hiện của những mặt hàng vàng mã và hoạt động đốt vàng mã ở cơ sở tự viện một phần thể hiện sự phát triển của đời sống kinh tế nhưng mặt khác cũng cho thấy thực trạng vàng mã đang bị lạm dụng, biến tướng và là sự biểu hiện lệch lạc trong nhận thức.

Cùng với sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã làm cho những phong tục tốt đẹp trong lễ hội xuân ở nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo nhuốm mầu thực dụng nên cứ vào mùa lễ hội, hàng vạn du khách thập phương du xuân trẩy hội, hành lễ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tuy vậy không phải người nào cũng hiểu biết đúng về việc đi lễ chùa, chính vì sự thiếu hiểu biết đã xuất hiện những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận như: hoạt động kinh doanh trong khuôn viên cơ sở thờ tự, hoạt động rải tiền giọt dầu (tiền lẻ) tràn lan khắp các ban thờ, nhét tiền vào tay tượng và rải tiền lẻ khắp các nơi, ném xuống hồ, xuống giếng, gài vào gốc cây trong cơ sở thờ tự, chà sát tiền vào tượng Phật, chuông, khánh để cầu mong có nhiều tài lộc, chen lấn để dâng lễ với những mâm to, mâm nhỏ trên bàn thờ theo tâm lý “tốt lễ dễ kêu”, để cầu khấn và quyết cầu cho được những điều mình mong muốn nên chẳng mấy ai nhớ đến “Phật tại tâm”, “Tâm xuất thì Phật biết” nữa.

Với những biểu hiện tiêu cực ở trên đã thể hiện sự kém hiểu biết thực hành nghi lễ theo tâm lý đám đông, những hành động này thể hiện niềm tin mù quáng, phát khởi bởi chính từ lòng tham của người tham gia đi lễ đầu xuân, gây phản cảm ở chốn linh thiêng, các sinh hoạt tôn giáo đầu xuân đó khác xa với văn hóa truyền thống của dân tộc và không phù hợp với giáo lý Phật giáo.

Mùa xuân nay

Có thể dễ dàng nhận thấy nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo đang phát triển nhưng có nhiều diễn biến cần phải có sự định hướng từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ quan chức năng. Một mặt vừa tôn trọng đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân nhưng mặt khác cũng cần phải giám sát chặt chẽ và kịp thời có những biện pháp chấn chỉnh, bởi tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến đời sống tinh thần, tư tưởng, đạo đức xã hội nếu không kịp thời ngăn ngừa sẽ trở thành mối hiểm nguy đe dọa nền tảng đạo đức xã hội. Trước vấn đề trên, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao đổi, hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đề nghị Giáo hội chấn chỉnh, hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự theo đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Thông tư số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; yêu cầu các chức sắc Phật giáo gương mẫu trong việc tổ chức các sinh hoạt tín ngưỡng trên cơ sở tiết kiệm, trang nghiêm, tránh mê tín dị đoan; phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương hướng dẫn cụ thể trong thực hành nghi lễ đầu xuân theo đúng tinh thần Phật giáo; hướng dẫn các cơ quan chuyên môn tại địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đặc biệt là pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo về chính sách đại đoàn kết dân tộc và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân.

Để giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong lễ hội ở các cơ sở thờ tự của Phật giáo và với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và các cơ sở tự viện thực hiện bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, các hình thức tín ngưỡng trái thuần phong mỹ tục, trái văn hóa dân tộc và truyền thống Phật giáo, hạn chế, tiến tới không sử dụng vàng mã tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo, tuyên truyền để người dân khi đến lễ chùa không nhét tiền vào tay tượng Phật, không rải tiền lẻ trên ban thờ,…. Giáo hội đã ban hành văn bản số 033/CV-HĐTS ngày 20/2/2019; văn bản số 016/CV-HĐTS ngày 06/01/2020 gửi Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi lễ cầu an cho phật tử và Nhân dân tại các chùa vào đầu năm mới và yêu cầu Tăng, Ni nhất là chư vị lãnh đạo Giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ trục lợi, phải đúng chính pháp của Phật giáo.

Thực hiện chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều cơ sở thờ tự đã nghiêm túc triển khai thực hiện, không ngừng củng cố, chăm lo đời sống tín ngưỡng cho tín đồ phật tử và Nhân dân theo đúng truyền thống của Phật giáo. Trong việc tổ chức lễ hội đầu xuân, các cơ sở thờ tự của Phật giáo đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ hội theo chiều hướng phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Phật giáo, trang trọng, an toàn và lành mạnh, thu hút đông đảo tăng, ni, tín đồ phật tử và người dân đến tham gia, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của một bộ phận quần chúng Nhân dân. Tiêu biểu như chùa Phúc Khánh, một cơ sở tự viện của Phật giáo vào những ngày đầu xuân thường làm lễ dâng sao giải hạn thu hút đông đảo người dân thủ đô đến thực hành nghi lễ, có những năm người đi lễ ngồi tràn ra vỉa hè, lòng đường ở khu vực Ngã Tư Sở, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng tiêu cực tới mỹ quan đô thị, nhưng nay thực hiện chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam việc thực hành nghi lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh và nhiều cơ sở thờ tự khác của Phật giáo trên địa bàn cả nước đã được thay bằng pháp hội Dược sư cầu quốc thái dân an, thực hiện nếp sống văn minh, không còn cảnh người dân chen lấn để được thực hiện nghi lễ mà thay vào đó là nghi lễ cầu nguyện bình an cho tín đồ, phật tử và thực hiện trong khuôn viên cơ sở tự viện.

Các cơ sở tự viện đã khuyến nghị tín đồ Phật tử khi đến chùa thực hiện nghi lễ không đốt vàng mã, thực tế cho thấy nhiều cơ sở tự viện không sử dụng hoặc sử dụng với số lượng ít vàng mã ngày càng rõ nét. Trong số những cơ sở tự viện người dân khi đến thực hành nghi lễ không sử dụng vàng mã phải kể đến chùa Liên Hoa, Chùa Tiêu (Bắc Ninh), chùa Cự Linh (Hải Dương),… số tiền dành để mua vàng mã của người dân khi đi lễ ở đây đã được họ sử dụng vào việc đóng góp cho các hoạt động từ thiện của chùa, đó là những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, hoạt động này đang tạo ra sức lan tỏa đến nhiều cơ sở tự viện khác trong cả nước.

Các hình ảnh như nhét tiền vào tay tượng Phật, rải tiền lẻ tràn lan trên các ban thờ, trang phục phản cảm nơi tôn nghiêm… được hạn chế, các cơ sở tự viện như chùa Phật Tích (Bắc Ninh) chùa Bái Đính (Ninh Bình) khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh),… đã chủ động, tích cực tuyên truyền cho tín đồ, phật tử khi đi lễ chùa có sự hiểu biết về giáo lý Phật giáo, con người chính là chủ nhân quyết định vận mệnh của chính mình, chỉ có sống thiện lành, tu tâm tích đức mới có thể biến họa thành phúc.

Trong năm 2020, trước tình hình của dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động lễ hội Phật giáo phải điều chỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tăng, ni, phật tử đã phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đề cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với Nhân dân, luôn nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch bệnh, đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Không chỉ đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn chung sức, đóng góp cùng với Nhà nước, chung tay vì cộng đồng xã hội, như: tặng phòng áp lực âm, tặng khẩu trang, thiết bị y tế, hỗ trợ tài chính, phát gạo, cơm từ thiện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, Giáo hội Phật Việt Nam cũng đã có những cách riêng để thực hiện các nghi lễ Phật giáo, ví như lễ Phật Đản được tổ chức gọn trong khuôn viên cơ sở tự viện, vào đúng 6 giờ sáng ngày rằm tháng tư, tất cả các cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt cử ba hồi chuông trống Bát Nhã kính mừng Phật đản, cầu nguyện cho dịch COVID-19 chấm dứt, cầu quốc thái dân an. Mặc dù các lễ trọng của Phật giáo không tập trung đông người, không xe hoa, kiệu hoa, không chương trình nghệ thuật chào mừng nhưng vẫn diễn ra trang nghiêm, thành kính và ý nghĩa, qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của Giáo hội đối với đất nước và Nhân dân; các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh để trục lợi, vấn đề đốt vàng mã, dâng sao giải hạn,… đã giảm rõ rệt so với cùng thời điểm của các năm trước đây.

Mùa xuân năm Tân Sửu, dịch bệnh COVID-19 lại càng có nhiều diễn biến phức tạp, trong nước đã phát hiện các biến thể mới của dịch bệnh, với tốc độ lây lan cao, từ ngày 27 - 29/01/2021 đã ghi nhận tới 87 ca dương tính trong cộng đồng ở các ổ dịch tại tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn. Ngày 05/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngày 29/01/2021 Bộ Nội vụ đã có văn bản số 416/BNV-TGCP gửi các tổ chức tôn giáo trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng. Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành văn bản số 21/CV-HĐTS, ngày 28/01/2021 về thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến dịch bệnh hiện nay và trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thực hiện văn bản số 21/CV-HĐTS của Giáo hội, Giáo hội Phật giáo các cấp cũng đã đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức các hoạt động phật sự phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều cơ sở tự viện ở những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh như: Tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ngay từ ngày 04/01/2021 (Âm lịch) đã tạm đóng cửa. Một số tự viện ở những tỉnh, thành khác như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thái Bình… các hoạt động lễ hội đầu xuân không tổ chức. Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố và các cơ sở tự viện trong cả nước đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, không tập trung đông người, người dân khi đến lễ chùa được phát khẩu trang miễn phí và được hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, thực hiện hướng dẫn 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” của Bộ Y tế, tiêu biểu như chùa Vĩnh Nghiêm (thành phố Hồ Chí Minh) chùa Thạch Khê (Quảng Nam), chùa Tam Chúc (Hà Nam),…. Nhiều cơ sở tự viện còn tổ chức các nhóm tình nguyện viên thanh thiếu niên Phật tử làm công tác tuyên truyền và hướng dẫn phòng, chống dịch cho người dân địa phương, nhiều Tuệ tĩnh đường, phòng thuốc Nam đã lập sẵn kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng phó cùng các cơ sở y tế của địa phương trong việc chăm sóc những trường hợp có biểu hiện lây nhiễm dịch bệnh.

Bản thân mỗi Tăng, Ni Phật giáo đều nâng cao nhận thức phòng, chống và nguy cơ lây nhiễm, bùng phát của dịch bệnh, luôn thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế di chuyển, nếu di chuyển đến vùng dịch đều tự giác khai báo y tế và tự cách ly theo quy định để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

Đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân vào dịp đầu năm, nhiều cơ sở tự viện đã tổ chức nghi lễ cầu an, pháp hội Dược sư bằng hình thức online thông qua các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội như Giác Ngộ online, Phật giáo.org.vn,…, các cơ sở tự viện đều thông báo thời gian tổ chức để tín đồ, Phật tử có thể tham gia trên các trang mạng xã hội riêng như chùa Phúc Khánh (Hà Nội), chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh), và nhiều cơ sở tự viện khác nữa. Nghi lễ thực hiện hướng đến mục đích cầu Quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, đem lại sự bình an, may mắn cho mọi người, mọi nhà và cho toàn xã hội trong năm Tân Sửu vẫn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Mặc dù việc thực hiện nghi lễ Phật giáo online chưa phải là hình thức phổ biến nhưng trong bối cảnh hiện nay hình thức tổ chức này là hoàn toàn phù hợp và tiện ích, phật tử, Nhân dân vẫn tham dự nghi lễ tâm linh đầu năm trong không khí trang nghiêm, thành kính và có thể gửi gắm trọn vẹn niềm tin tâm linh của mình, đồng thời cũng được bổ sung kiến thức về Phật giáo, thêm những hiểu biết về triết lý nhân sinh để hướng thiện, góp phần tăng trưởng trí tuệ và bồi dưỡng lòng từ bi trong mỗi người. Thực hành nghi lễ Phật giáo online cũng chính là xu hướng văn minh trong tương lai.

Việc tổ chức hoạt động tâm linh trực tuyến của các cơ sở tự viện Phật giáo không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn hạn chế tập trung đông người đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo tiết kiệm trong bối cảnh khó khăn về kinh tế của đất nước. Một số lễ hội lớn như lễ hội xuân Yên Tử, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội chùa Hương, chùa Tam Chúc,… cũng đã được tạm dừng để phòng chống dịch bệnh và vì sức khỏe của cộng đồng

Mùa xuân đã về, mặc dù còn nhiều khó khăn bởi dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân, nhưng với những chuyển biến tích cực của các cơ sở tự viện, của tăng, ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thực hành các nghi thức, nghi lễ tôn giáo, đang dần đưa các nghi thức nghi lễ và lễ hội xuân trở về với ý nghĩa đích thực theo đúng chính pháp và đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã cho chúng ta thêm niềm hy vọng về một mùa xuân mới đầy tươi sáng./.

 

VỤ PHẬT GIÁO - BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ

Tìm kiếm