Ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ về tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời gian tới, trong đó có việc xây dựng bộ máy tổ chức với tinh thần là giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; cán bộ, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ.
Tại cuộc họp, Bộ Nội vụ đã báo cáo kết quả công tác năm 2020, quý I/2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ năm 2021.
Ảnh: VGP
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xứng tầm
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ sẽ sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Một trong những nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ tập trung trong năm nay là hướng dẫn, kiểm tra và phục vụ tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo phân công của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố giai đoạn 2019-2021; rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính các cấp làm cơ sở tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính các cấp (kể cả ở cấp tỉnh) trong giai đoạn 2021-2030.
Bộ sẽ tiến hành tổng kết việc tinh giản biên chế, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện tinh giản gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và theo chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý. Theo Bộ Nội vụ, kết quả tinh giản biên chế công chức đến năm 2021 đã vượt mục tiêu 10% (so với số lượng biên chế năm 2015).
Bộ chủ động triển khai cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW; trình Chính phủ ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo hướng xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân; đổi mới phương pháp đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã định hướng thảo luận, gợi ý về những vướng mắc khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ, nhất là tham mưu để góp phần tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Thủ tướng cũng đề nghị tập trung thảo luận về vấn đề đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quản lý công chức, viên chức, cải cách hành chính, những việc cần tập trung hoàn thiện trong thời gian tới để “ra tấm, ra món”, để phát huy tác dụng ngay.
Các đại biểu còn thảo luận về công tác xây dựng thể chế, chính sách, xây dựng chính quyền địa phương, địa giới hành chính… cũng như các biện pháp chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ và ngành nội vụ có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao văn hóa công vụ gắn với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành nội vụ “Đoàn kết, gương mẫu, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả”…
Phát huy tính chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại
Sau khi lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo Bộ Nội vụ, VPCP, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả công tác của Bộ Nội vụ trong nhiệm kỳ vừa qua và những tháng đầu năm 2021, chia sẻ với Bộ về những khó khăn; nhất trí với các nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ xác định làm trong thời gian tới.
Nêu một số nội dung có tính chất gợi mở, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải kế thừa phát huy các kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, trên cơ sở đó có những đổi mới và phát triển, làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Phải đoàn kết, thống nhất cao trên tinh thần cởi mở, chân tình, trên cơ sở thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chia sẻ những khó khăn, tâm tư nguyện vọng, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ đề ra, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
Phát huy tối đa tính chủ động, tích cực sáng tạo, năng động của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; “nếu không phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng động, cứ trông chờ, ỷ lại thì công việc không thể chạy”. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải “biến cái không thành có, biến cái khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể, biến cái không quan trọng thành cái quan trọng mới là quan trọng”.
Công việc của Bộ Nội vụ rất nặng nề, đụng đến bộ máy, đến con người là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp. Vì thế, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, cầu thị, xem xét nhiều chiều, lắng nghe ý kiến trái chiều, ý kiến phản biện, trao đi đổi lại rồi mới làm. Khi đã thống nhất nhận thức thì quyết tâm chính trị phải rất cao. Cùng với đó, phải có nỗ lực rất lớn bởi vấn đề tổ chức, tinh gọn bộ máy sẽ đụng đến lợi ích cá nhân. Và phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Hành động phải quyết liệt, hiệu quả; tiến hành phải có trọng tâm, trọng điểm vì yêu cầu thì cao, tiến độ thì cần gấp, còn thời gian, nguồn lực thì có hạn. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, làm việc nào phải dứt việc đó.
Vấn đề càng khó, càng nhạy cảm, phức tạp thì càng phải phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, huy động trí tuệ tập thể, tạo đồng thuận, thống nhất cao.
Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục làm. Những vấn đề gì chưa có quy định hay thực tế vượt quá quy định thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không nóng vội và không cầu toàn.
Những quan điểm này rất quan trọng đối với Bộ Nội vụ vì công việc liên quan đến con người, đến tổ chức bộ máy.
Ảnh: VGP
Giảm khâu trung gian, giảm đầu mốiĐi vào một số vấn đề cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; Kết luận 74 của Bộ Chính trị và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tinh thần là phải lựa chọn mục tiêu khả thi để bố trí nguồn lực, hoàn thành trong một thời gian nhất định. Thứ hai là lựa chọn việc gì cần làm trước và thứ ba là cần lựa chọn con người làm những việc này.
Phải tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu đột phá mà Đảng đã xác định và phải làm sao cho thật hiệu quả. Cần coi trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và mỗi đảng viên, không được lơ là, xem nhẹ công tác này.
Gợi mở tinh thần giải quyết các khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh “3 không”: dứt khoát là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; khó mấy cũng phải làm, cũng phải có giải pháp xử lý.
Bộ Nội vụ cần tập trung cao độ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các bộ, các ngành theo Luật Tổ chức Chính phủ. Xây dựng Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, một Chính phủ hành động, phục vụ nhân dân. Phải rõ chức năng, rõ nhiệm vụ, không chồng chéo, tinh thần là một việc chỉ giao một người làm và một người làm nhiều việc.
Tập trung rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của các bộ, ngành với tinh thần là giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm cấp phó, cương quyết bỏ cấp phòng trong vụ, kết thúc cấp hàm. Bộ cần tập trung khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Cương quyết giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Tập trung nghiên cứu xây dựng quy định phân cấp, phân quyền. Bộ Nội vụ cần khắc phục các vướng mắc, bất cập về thi nâng ngạch công chức.
Nhấn mạnh việc tinh giản bộ máy biên chế, Thủ tướng lưu ý nâng cao chất lượng đội ngũ, công chức, viên chức; xây dựng đề án trọng dụng nhân tài trong năm 2021. Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ. Thủ tướng tán thành việc xây dựng đề án luân chuyển cán bộ đi cơ sở, xây dựng đề án cán bộ liên thông cấp xã.
Tán thành Đề án đào tạo, bổ sung kiến thức cho cán bộ công chức, Thủ tướng nêu rõ, phải học thật, thực chất, lấy học viên làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy giáo làm động lực. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường cho cán bộ đổi mới, sáng tạo.
Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương trong xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực; hoàn thiện chức danh tương đương trong hệ thống chính trị.
Bám sát tình hình thực tiễn để điều chỉnh công tác cho hợp lý, Thủ tướng nhấn mạnh và đồng tình với các đề xuất của Bộ Nội vụ.
Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ sẽ tổ chức quán triệt ngay, cụ thể hóa vào chương trình công tác của toàn ngành.
Theo: http://baochinhphu.vn