BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW để khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc

02/11/2022 16:56

Bộ Nội vụ đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

 

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, chiều 4/11 và sáng 5/11/2022 tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về bốn nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Nội vụ, trong đó có vấn đề đang được cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng đó là: tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế,…).

Về vấn đề này, ngày 28/10 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội, trong đó nêu rõ tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian trước mắt và lâu dài.

TÌNH TRẠNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGHỈ VIỆC, THÔI VIỆC

Số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc ở địa phương lơn hơn ở các bộ ngành

Tính từ ngày 01/01/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.

Trong đó: ở Bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, viên chức là 5.597 người); ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, viên chức là 29.926 người).

Theo trình độ: Tiến sĩ có 653 người, thạc sĩ có 4.018 người, đại học có 19.637 người, cao đẳng có 6.027 người, trung cấp có 6.972 người; sơ cấp có 1.046 người.

Theo độ tuổi: Từ 40 tuổi trở xuống có 25.617 người, từ 41 đến 50 tuổi có 7.861 người, trên 50 tuổi có 6.074 người.

 

Số liệu thống kê nêu trên cho thấy, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương nghỉ việc lớn hơn ở Bộ, ngành và số lượng viên chức nghỉ việc, thôi việc chiếm tỷ lệ lớn, tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Cụ thể:

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có 16.427 người, chiếm 41,53% (ở Bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người).

Trong đó, người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên chiếm 63% và trong độ tuổi từ 40 trở xuống chiếm 60,98%.

Sự nghiệp y tế có 12.198 người, chiếm tỷ lệ 30,84% (ở Bộ, ngành  là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).

Trong đó, người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên chiếm 53,63% và trong độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống chiếm 74,71%.

Như vậy, có thể thấy số người nghỉ, thôi việc chủ yếu là viên chức, cơ bản tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh (tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế), các đô thị có hệ thống dịch vụ công khu vực ngoài nhà nước phát triển nên có nhiều cơ hội về việc làm; đồng thời ở nhóm tuổi từ 40 tuổi trở xuống, có trình độ đào tạo từ đại học, cao đẳng trở lên.

Theo Bộ Nội vụ, việc công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua cũng là xu hướng tích cực "vào - ra theo cơ chế thị trường". 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: tình trạng nghỉ việc, chuyển việc ở khu vực công thời gian qua cần nhìn nhận ở hai góc độ.

Khu vực công vẫn có tính hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực

Mặt khác, theo báo cáo của 23 bộ, ngành và 63 địa phương, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 đã tuyển dụng được 143.961 công chức, viên chức (công chức là 18.857 người, viên chức là 125.104 người. Trong đó, viên chức giáo dục là 74.495 người và viên chức y tế là 38.147 người).

Số liệu trên cho thấy, khu vực công vẫn có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao và khả năng thu hút nguồn nhân lực, bảo đảm kịp thời thay thế số công chức, viên chức nghỉ việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Từ các vấn đề nêu trên, tình trạng nghỉ việc, chuyển việc ở khu vực công thời gian qua cần nhìn nhận ở hai góc độ:

Một là, việc dịch chuyển này là xu thế của sự phát triển, vận động của kinh tế - xã hội của một quốc gia, là sự "phân công lao động" theo quy luật thị trường và đây là cơ hội để tuyển dụng mới (thay thế), cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức;

Hai là, việc dịch chuyển này cũng đặt ra yêu cầu cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc cho tổ chức.

 

NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH TRẠNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGHỈ VIỆC, THÔI VIỆC

Về nguyên nhân khách quan, Bộ Nội vụ cho rằng: Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải tạo lập và phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường lao động.

Khi thị trường lao động phát triển đòi hỏi phải có sự liên thông giữa thành thị và nông thôn, khu vực công và khu vực tư, trong và ngoài nước.

Theo đó, những năm gần đây có sự dịch chuyển lao động giữa các khu vực (nông thôn ra thành thị, xuất khẩu lao động, khu vực công sang khu vực tư và ngược lại) đáp ứng cung - cầu của thị trường lao động.

Trong đó, có việc công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc ở khu vực công chuyển sang làm việc ở khu vực tư để phù hợp với chuyên môn được đạo tạo hoặc muốn thay đổi môi trường làm việc,...

Mặt khác, cơ chế tự chủ và xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp và dịch vụ công cũng tạo điều kiện để viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều cơ hội thay đổi việc làm, việc lao động "ra - vào" giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập sẽ trở nên thường xuyên, tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo quan hệ cung - cầu lao động giữa khu vực công và khu vực tư.

Bộ Nội vụ cho biết, hiện tượng này cũng đang diễn ra ở các nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Singapore,…

Về nguyên nhân chủ quan của tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, theo Bộ Nội vụ: Tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm nhiều đến công tác xây dựng quy hoạch đội ngũ chuyên gia giỏi của từng lĩnh vực, nên một bộ phận công chức, viên chức không định hình được hướng phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến tình trạng bị mai một kiến thức, kinh nghiệm và tìm cách khắc phục bằng việc thay đổi môi trường làm việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giảm biên chế, nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng do yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, dẫn đến việc bị quá tải, áp lực lớn (như lĩnh vực giáo dục và y tế).

Đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, áp lực làm việc của đội ngũ nhân viên y tế nặng nề, nguy hiểm; áp lực của đội ngũ nhà giáo phải thay đổi phương thức dạy - học, trong khi trang thiết bị và cơ sở vật chất thiếu thốn.

Môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thật sự tạo động lực cống hiến và cơ hội để công chức, viên chức phát huy tốt năng lực.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ công chức, viên chức chưa tốt, chưa tạo được sự yên tâm làm việc trong khu vực nhà nước.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác vì lý do cá nhân như: Sức khỏe không bảo đảm, bản thân muốn thay đổi định hướng, mục tiêu nghề nghiệp, môi trường làm việc; một số phải đối mặt với rủi ro trong thực thi công vụ do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa phù hợp với thực tiễn và đang trong quá trình hoàn thiện.

Qua đó cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, công tâm, khách quan; đồng thời xác định đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để hoàn thiện các chính sách, cơ chế quản lý, điều hành, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức, cải thiện môi trường làm việc và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Ưu tiên quan tâm hỗ trợ kịp thời về điều kiện vật chất đối với công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGHỈ VIỆC, THÔI VIỆC 

Để khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, trước mắt, Bộ Nội vụ cho rằng cần thực hiện 3 giải pháp sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác tư tưởng, động viên công chức, viên chức làm việc ở những vị trí có cường độ lao động cao, áp lực lớn yên tâm công tác.

Đồng thời có biện pháp tổ chức lao động khoa học để bảo đảm sức khỏe về thể chất và tinh thần, cũng như quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện cho công chức, viên chức yên tâm công tác.

Thứ hai, ưu tiên quan tâm hỗ trợ kịp thời về điều kiện vật chất đối với công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Thứ ba, các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chế độ tiền lương chung của công chức, viên chức.

Về lâu dài, Bộ Nội vụ xác định 6 giải pháp để khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc:

Một là, đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Hai là, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, tập trung đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu để vừa bảo đảm giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân; vừa chú trọng đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tạo điều kiện để cải thiện thu nhập cho đội ngũ viên chức nhất là sự nghiệp giáo dục - đào tạo và y tế.

Bốn là, rà soát hệ thống thể chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng, các chuyên gia cho các ngành, lĩnh vực cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Năm là, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thực sự có phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín để tạo niềm tin cho công chức, viên chức làm việc; hoàn thiện cơ chế khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Sáu là, xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có cơ chế tạo động lực để công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết với công việc; đồng thời làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác; quan tâm xây dựng hình ảnh, danh dự và uy tín xã hội của cơ quan, đơn vị khu vực công./.

 

Nguồn: baochinhphu.vn

Tìm kiếm