BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ

08/02/2020 17:59

Nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020, Tạp chí Tổ chức nhà nước đăng tải bài viết về những điểm mới, nổi bật trong công tác cán bộ và định hướng tiếp tục hoàn thiện thể chế về cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới của đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại Phiên họp thứ 33,Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, ngày 17/4/2019.

Ngày 13/11/2008, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật cán bộ, công chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010; ngày 15/11/2010, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Viên chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Việc quy định tách bạch chế độ quản lý cán bộ, công chức và viên chức tại 02 luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ; đồng thời tạo điều kiện thu hút và sử dụng đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc phục vụ nhân dân. Quá trình thực hiện cho thấy, về cơ bản các quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau hơn 08 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và hơn 06 năm thực hiện Luật Viên chức năm 2012, đặc biệt là sau khi có Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và chủ trương của Đảng tại các quy định, kết luận và các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 và 7 khóa XII, nhiều quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Xuất phát từ yêu cầu nêu trên, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tập trung vào một số chính sách lớn sau:

1. Tiếp tục thực hiện chủ trương tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức cũng như quy định về người quản lý doanh nghiệp nhà nước

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) đã đề ra chủ trương “không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị SNCL (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Có thể nói hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đã trải qua một thời gian rất dài, từng bước phân định, tách bạch rõ ràng giữa cán bộ, công chức và viên chức. 

Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 điều chỉnh 03 đối tượng là cán bộ, công chức và viên chức. Năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh năm 1998 đã bước đầu tách bạch đội ngũ viên chức với cán bộ, công chức. Năm 2008, Quốc hội ban hành Luật cán bộ, công chức và năm 2010 thông qua Luật Viên chức, đây là cơ sở để hình thành các chế định khác nhau giữa hai đội ngũ phục vụ những nhiệm vụ có tính chất khác nhau. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008 vẫn quy định đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị SNCL là công chức. Điều này dẫn đến những vướng mắc, không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với những đối tượng này. Việc tách bạch các đối tượng nhằm khẳng định rõ về vị trí, địa vị pháp lý giữa công chức và viên chức, đúng với tính chất hoạt động của từng cơ quan, tổ chức. Quy định rõ về địa vị pháp lý sẽ giúp cho công tác quản lý ngày càng công khai, minh bạch, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm. Có thể nói đây là một bước tiến của Luật, phù hợp với quy luật khách quan. Tuy nhiên, quy định ảnh hưởng đến một số lượng lớn những người hiện đang là công chức trong các đơn vị SNCL, do đó, Chính phủ đã báo cáo xin ý kiến Quốc hội và tại Kỳ họp thứ Bảy và thứ Tám khóa XIV, đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với những đề xuất của Chính phủ. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ quy định cụ thể về đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan thuộc Chính phủ, việc áp dụng chế độ công chức đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị SNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nước trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và bảo đảm tính thống nhất, liên thông giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. 

Bên cạnh đó, việc quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cũng không phù hợp với thực tiễn và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp(1), đặc biệt là các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với đội ngũ này do đặc thù hoạt động của doanh nghiệp khác với cơ quan hành chính.

Trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành hiều chủ trương về tách bạch giữa quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cụ thể là: “thu hẹp và tiến tới không còn chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố đối với doanh nghiệp nhà nước”(2); “tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội với vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước”(3). Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước yêu cầu: “Thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức”.Theo chủ trương nêu trên, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 không giao Chính phủ quy định việc áp dụng chế độ công chức đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đây vẫn là đội ngũ cán bộ giữ vị trí quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ ban hành quy định riêng đối với đội ngũ này, bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc thù công việc, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác cán bộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Đẩy mạnh chủ trương liên thông trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với hệ thống chính trị

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, xã, phường, thị trấn là một cấp hành chính trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước; là nơi trực tiếp giải quyết các mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước. Đây cũng là cơ quan trực tiếp tổ chức, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ năng lực, trình độ sẽ góp phần quan trọng, tạo nền tảng căn bản để cải cách bộ máy nhà nước. Ngay trong thời kỳ kháng chiến, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 137-CP ngày 07/8/1969 quy định về chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã, trong đó phân định rõ cán bộ xã gồm hai nhóm đối tượng: cán bộ chuyên trách và cán bộ bán chuyên trách; xác định số lượng, chức danh cán bộ xã làm công tác đảng và công tác chính quyền. Các quy định về cán bộ xã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và ngày càng được hoàn thiện(4). Qua rà soát các văn bản quy phạm từ trước đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vẫn được quy định trong các văn bản riêng với các quy định cụ thể về chức vụ, chức danh, quyền, nghĩa vụ, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã.

Qua nghiên cứu hệ thống các văn bản của Đảng và Nhà nước, Bộ Nội vụ nhận thấy việc quy định thống nhất đội ngũ công chức từ cấp xã đến Trung ương là xuất phát từ thực tiễn ở một số địa phương. Tuy nhiên, cần đặt trong mặt bằng tổng thể với một số lý do cụ thể như sau:

Thứ nhất, chủ trương thực hiện liên thông trong công tác cán bộ đã được nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII(5), theo đó xác định rõ việc bảo đảm chính sách liên thông trong công tác cán bộ chứ chưa đặt ra vấn đề thống nhất quy định về công chức từ Trung ương đến cấp xã. Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến số lượng lớn công chức cấp xã.

Thứ hai, việc quy định thống nhất đội ngũ công chức từ Trung ương đến cấp xã cần được đặt trong tổng thể cải cách bộ máy hành chính, phù hợp với yếu tố đặc thù về địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và bảo đảm tương thích với mặt bằng chung về trình độ, năng lực của đội ngũ, đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, trong số hơn 22 vạn cán bộ, công chức cấp xã hiện nay có gần 9,5 vạn người có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc sơ cấp; trên 12,5 vạn có trình độ đại học và trên đại học. Nếu đặt ra yêu cầu thống nhất quy định công chức từ cấp xã đến Trung ương cần phải có phương án giải quyết đối với 9,5 vạn công chức chưa đáp ứng được trình độ đầu vào chung của đội ngũ công chức.

Thứ tư, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức phải gắn liền với hoàn thiện về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng theo mô hình hệ thống công chức Trung ương và công chức địa phương, bảo đảm thống nhất, liên thông, trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền. Trước mắt, trong thời gian tới Bộ Nội vụ cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với quy định về tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn.

3. Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào, thực hiện ký hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày 01/7/2020

Nghị quyết số 26-NQ/TW đã xác định: “Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực.”.

Luật cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết đã phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức trong công tác tuyển dụng. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức tuyển dụng đối với công chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện do Chính phủ quy định và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về tuyển dụng công chức tại một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, còn xảy ra nhiều sai phạm; chưa tuyển dụng được người đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm; chưa gắn thẩm quyền của người trực tiếp sử dụng công chức với thẩm quyền quyết định tuyển dụng. Để khắc phục những bất cập này, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra chủ trương tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng theo hướng “thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực.”.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, khoản2 Điều 39 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019 đã bổ sung quy định về thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết việc kiểm định chất lượng đầu vào. Đây là quy định mới nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác tuyển dụng thời gian qua. Có thể khẳng định, quy định về thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào không làm ảnh hưởng đến thẩm quyền tuyển dụng của bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương vẫn có thẩm quyền quyết định trong tuyển dụng công chức phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm và điều kiện đặc thù của bộ, ngành, địa phương mình. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết và thực hiện theo lộ trình cũng nhằm bảo đảm thực hiện từng bước, tránh những xáo trộn không cần thiết, ảnh hưởng đến việc tuyển dụng công chức trên phạm vi cả nước. Khi xây dựng các văn bản trình Chính phủ quy định chi tiết, Bộ Nội vụ sẽ đặc biệt chú trọng tới yếu tố này, đồng thời bảo đảm giảm thiểu thủ tục hành chính, không quy định phát sinh “chứng chỉ kiểm định đầu vào”, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm theo đúng chủ trương của Đảng.

Về ký kết hợp đồng xác định thời hạn, theo quy định của pháp luật viên chức hiện hành có hai loại: hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không thời hạn. Viên chức được tuyển dụng sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn (từ 12 tháng đến 36 tháng); sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.Đồng thời, Luật cũng quy định về chế độ tập sự đối với người trúng tuyển viên chức. Quy định về việc ký kết hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không thời hạn trong thời gian qua còn một số vướng mắc, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc phân biệt hai loại hợp đồng dẫn đến sự bất bình đẳng, tạo tâm lý “trên - dưới” giữa người ký hợp đồng có thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn.

Thứ hai, việc quy định về hợp đồng không xác định thời hạn đối với đội ngũ viên chức không tạo được cơ chế cạnh tranh, không tạo được động lực trong công việc, dẫn đến giảm năng suất, hiệu quả.

Thứ ba, quy định về hợp đồng không xác định thời hạn dẫn tới thực trạng các đơn vị SNCL thụ động, trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, kém năng động, sáng tạo dẫn đến quá trình xã hội hóa cung cấp dịch vụ công diễn ra rất chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Để giải quyết bất cập nêu trên, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL đã xác định: “Thống nhất thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)”.Đây là chủ trương lớn, tác động trực tiếp đến đội ngũ viên chức, trong đó phần lớn là viên chức hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Quá trình xây dựng chính sách và thể chế hóa, nội dung này cũng đã được phân tích rất kỹ về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, trong đó đề cao vấn đề bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động, tránh gây xáo trộn tâm tư tưởng, đồng thời tạo cơ chế để các đơn vị SNCL và người lao động có động lực để cống hiến, từ đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

4. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, giải quyết triệt để những hạn chế, vướng mắc trong công tác cán bộ

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật. Thực tế cho thấy, quy định như vậy là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Nhiều trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu. Mặt khác, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó quy định rõ về thời hiệu kỷ luật; đồng thời có một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý kỷ luật về chính quyền. Xuất phát từ yêu cầu đó, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã quy định tăng thời hiệu xử lý đối với tính chất từng loại hành vi vi phạm gắn với hệ quả pháp lý, bổ sung quy định không tính thời hạn giải quyết các vụ việc theo thủ tục tố tụng vào thời gian để xác định thời hiệu và quy định xóa tư cách chức vụ đối với người có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã thôi việc, nghỉ hưu. 

Bên cạnh đó, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 cũng tập trung sửa đổi những quy định còn vướng mắc từ thực tiễn thực hiện, trong đó có công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Có thể nói cùng với quá trình chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức từ hệ thống chức nghiệp sang vị trí việc làm thì công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay “là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn giải quyết theo cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”(6). Những hạn chế, yếu kém của công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được thể hiện như sau:

Một là, các văn bản hiện hành chưa tạo đủ hành lang pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm, chưa thực sự căn cứ vào tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và hiệu quả công việc thực tế của mỗi người, từ đó dẫn đến sự cào bằng trong công tác đánh giá, chưa tạo động lực trong việc rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức, không có cơ sở để loại bỏ những người có năng lực yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm.

Hai là, chưa có quy định phân cấp, giao quyền và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đánh giá, phân loại dẫn đến việc triển khai đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức chưa phù hợp với đặc điểm của từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị và đặc thù công việc của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

Ba là, các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau, chưa liên thông giữa các văn bản của Đảng với quy định của pháp luật, giữa đội ngũ cán bộ, công chức với đội ngũ viên chức, trong khi đó, công tác cán bộ được xác định là công tác của Đảng, cần bảo đảm sự tập trung, thống nhất(7).

Bốn là, chưa có sự liên thông trong sử dụng kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức giữa các cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể dẫn tới việc đánh giá nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, trùng lắp, tốn kém thời gian, vật chất.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức nêu trên, Nghị quyết số 26-NQ/TW yêu cầu: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”. Căn cứ vào những quy định mới trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung về công tác đánh giá, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về phương pháp, trình tự, thủ tục để căn cứ vào đó người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức sẽ quy định phù hợp với địa phương, bộ, ngành mình, bảo đảm đúng tiêu chí được đề ra.

5. Nguyên tắc trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và tổng kết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện thể chế về Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức bảo đảm các nguyên tắc sau:

-Về công tác tuyển dụng: tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong công tác tuyển dụng; quy định rõ về quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm chất lượng, hiệu quả; thực hiện chính sách đối với người dân tộc thiểu số, có cơ chế cạnh tranh trong cùng nhóm đối tượng để bảo đảm cơ cấu, tỉ lệ người dân tộc thiểu số công tác tại các cơ quan trong hệ thống; thực hiện sự liên thông trong công tác cán bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là về trình tự, thủ tục, điều kiện; giảm thiểu các quy định về chứng chỉ, bằng cấp, thực hiện tuyển dụng theo tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm.

-Về công tác quản lý, sử dụng: quy định rõ về quy trình, thủ tục trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, đặc biệt là các quy định về bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm khi thực hiện điều động cán bộ; chỉ quy định điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ khi thực hiện nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đối với từng vị trí việc làm cụ thể.

Mặt khác, cần quy định rõ trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong đó nhấn mạnh tới trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh (cán bộ do bầu cử)./.

------------------------------------

Ghi chú:

(1) Khoản 3 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức giao “Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác trong các doanh nghiệp nhà nước; những người được Nhà nước cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.”.

(2) Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ X của Đảng.

(3) Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, khóa X.

(4) Trong thời gian từ năm 1969 đến 2003 đã ban hành 8 văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã, cụ thể là:

- Quyết định số 137-CP 07/8/1969 của Hội đồng Chính phủ về việc bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã;

- Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ quy định bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã;

- Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường;

- Quyết định số 57-TTg ngày 15/2/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp cho cán bộ miền núi và xã có khó khăn;

- Nghị định số 46-CP ngày 23/6/1993 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ đảng, chính quyền và kinh phí hoạt động của các đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn;

- Nghị định số 50-CP ngày 26/7/1995 về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;

- Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;

- Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn…

(5),(6) Nghị quyết số 26-NQ/TW Trung ương 7 khóa XII xác định rõ: Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung, giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời".

(7) Cụ thể là, còn có sự khác nhau giữa Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị với các quy định của pháp luật hiện hành về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức nói chung, theo đó:

- Về mức đánh giá: Quy định số 89-QĐ/TW quy định phân loại đánh giá cán bộ theo mức hoàn thành nhiệm vụ, trong khi đó pháp luật hiện hành quy định hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;

- Về tiêu chí đánh giá: Quy định số 89-QĐ/TW bổ sung các tiêu chí đánh giá cụ thể đối với nhóm tiêu chí thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quy định về tỷ lệ % hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm khác so với quy định của pháp luật hiện hành;

- Về quy trình, phương pháp đánh giá: Quy định số 89-QĐ/TW bổ sung một số quy định về quy trình, phương pháp đánh giá mới như việc lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú, tập thể đồng cấp nhận xét, đánh giá hoặc cấp dưới trực tiếp nhận xét, đánh giá (nếu có).


Nguồn: tcnn.vn

Tìm kiếm