Thu hút và trọng dụng nhân tài (THTDNT) là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, từ các triều đại phong kiến, việc tìm kiếm và trọng dụng nhân tài đã luôn được khẳng định
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”1. Đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tài tình, tập hợp được lực lượng nhân tài hùng hậu, góp phần quan trọng quyết định trực tiếp đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương điển hình về việc THTDNT. Người xác định, việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng. Người cho rằng, vì “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc.
Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”2. Người còn yêu cầu lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”3.
Thấm nhuần tư tưởng về trọng dụng nhân tài của Người, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác THTDNT. Tại Điều 6 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng” và giao Chính phủ quy định cụ thể chính sách đối với người có tài năng. Căn cứ quy định của Luật Cán bộ, công chức, Chính phủ và nhiều địa phương đã ban hành văn bản quy định các chính sách THTDNT như:
Tại Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã quy định những trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng, cho phép người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt: “a) Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; b) Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; c) Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng”.
Điều 22 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 cũng quy định chế độ, chính sách ưu đãi đối với người tập sự có trình độ cao như: “trường hợp người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng; trường hợp người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh các văn bản hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức, Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đã đề ra mục tiêu liên quan đến chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong nền công vụ, như: tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực của công chức; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý…, các quy định này tác động tích cực, góp phần bổ sung và hoàn thiện chính sách về THTDNT ở Việt Nam.
Ngày 18/10/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg phê duyệt Đề án: “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”. Trong văn bản này xác định rõ thực hiện chính sách nhân tài, quy định các chế độ, chính sách liên quan đến việc phát hiện, tuyển chọn, tiến cử, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong hoạt động công vụ là một trong các nội dung đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất của Chính phủ quy định và tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào điều kiện đặc thù của cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng và ban hành các quy định về THTDNT.
Tại các địa phương, hiện nay phần lớn đã ban hành chính sách THTDNT. Trên cơ sở nghị quyết của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã xây dựng và ban hành quyết định quy định về chính sách THTDNT. Tuy nhiên, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, chế độ chính sách thu hút giữa các địa phương cũng còn có sự khác biệt. Cùng quy định về thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, các địa phương thực hiện chế độ tuyển thẳng không qua thi tuyển đối với nguồn nhân lực có chất lượng cao, thu hút người có kinh nghiệm làm việc và trình độ cao thì được ưu đãi về nhà ở, cấp đất, ưu tiên sắp xếp công việc cho vợ, chồng và được hưởng một khoản trợ cấp ban đầu nhưng thành phố Hà Nội lại thực hiện chính sách tuyên dương, vinh danh và sử dụng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã ban hành chính sách nhằm THTDNT vào làm việc trong nền công vụ, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và ban hành chính sách THTDNT. Nội dung về THTDNT chủ yếu tập trung quy định về đãi ngộ vật chất, tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng… Qua thực tế triển khai công tác THTDNT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tại Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Bộ Chính trị khóa XI khẳng định: “Nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm thu hút những người có trình độ cao, trong đó có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về cơ quan, đơn vị, địa phương công tác”.
Bên cạnh tính ưu việt của chính sách THTDNT, vẫn còn không ít tồn tại trong quá trình xây dựng cũng như đưa chính sách vào thực tiễn, đó là:
Thứ nhất, các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; chưa có trọng tâm và chưa có chiến lược dài hạn về đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ rõ bất cập trong việc thu hút nhân tài là: “Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu”, từ đó xác định một trong năm đột phá cần tập trung là: “Có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài”.
Thứ hai, chính sách THTDNT của các địa phương xây dựng vẫn nặng tính hình thức, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa được tổng kết trong thực tế triển khai để đánh giá hiệu quả của chính sách. Đặc biệt, để giữ chân người tài làm việc trong nền công vụ thì các văn bản của các bộ, ngành và địa phương mới chỉ chú trọng đến xây dựng chính sách thu hút nhân tài mà chưa quan tâm chú trọng đến việc sử dụng và đãi ngộ, THTDNT.
Thứ ba, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản của Chính phủ chỉ đưa ra quy định chung chung. Chính sách THTDNT được xây dụng và ban hành tùy thuộc vào khả năng, điều kiện về biên chế, tài chính, nguồn lực của từng bộ, ngành và địa phương. Vì vậy đã gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, mất cân đối về nguồn nhân lực giữa các ngành và giữa các địa phương. Các địa phương thực hiện chính sách thu hút chủ yếu là những người làm việc theo diện con em địa phương trở về làm việc hoặc hợp lý hóa gia đình vì đã có vợ hoặc chồng hiện đang công tác ở đó. Vì vậy, hiệu quả của chính sách chưa cao, chưa đáp ứng mục tiêu của chính sách.
Thứ tư, vai trò, trách nhiệm của nguời đứng đầu các cơ quan và địa phương trong việc THTDNT chưa được quy định rõ ràng, chưa được đề cao, chưa được phân cấp trong việc tuyển dụng, đánh giá, khen thưởng hoặc bổ nhiệm nhân tài. Bên cạnh đó, chưa có các quy định về trách nhiệm, chế tài xử lý các hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghiêm túc việc THTDNT đối với người đứng đầu các cơ quan, địa phương. Do đó ảnh hưởng đến việc THTDNT trong các cơ quan, địa phương.
Để chính sách THTDNT được xây dựng và đưa vào thực thi có hiệu quả, sát với thực tế, một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng chính sách trọng dụng nhân tài cần được triển khai như sau:
Một là, Chính phủ cần ban hành văn bản quy định thống nhất khái niệm nhân tài là gì? Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, THTDNT có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững; phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng cơ chế thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài phù hợp với yêu cầu của từng ngành, nghề, lĩnh vực, nhu cầu phát triển của từng địa phương.
Hai là, phải xây dựng được môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, cùng đưa ra ý tưởng và cộng tác thực hiện ý tưởng. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, không đố kị, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến nghề nghiệp và cống hiến chính là yếu tố có tính quyết định để giữ chân và phát huy tài năng.
Ba là, xây dựng và thực hiện tốt chính sách về tiền lương và các chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng. Tiền lương phải tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm và cống hiến của người tài; phải trở thành công cụ, động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác; thúc đẩy nhân tài nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, công chức có tài năng còn được hưởng phụ cấp đãi ngộ và khuyến khích tài năng.
Bốn là, chương trình bồi dưỡng cần được xây dựng phù hợp với từng nhóm tài năng: lãnh đạo, quản lý; tham mưu xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách; thực thi thừa hành… Bên cạnh đó, lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín trong nước và trên thế giới phù hợp để cử những người có tài năng tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Kết hợp hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát triển tài năng cần được thực hiện bằng hình thức luân chuyển, điều động, biệt phái theo kế hoạch, tạo điều kiện cho người có tài năng thử thách và cọ xát thực tiễn.
Năm là, đổi mới phương pháp đánh giá công chức hằng năm theo hướng gắn với kết quả đầu ra; xây dựng các tiêu chí đánh giá và quy trình sàng lọc công chức có tài năng. Các tiêu chí đánh giá người có tài năng phải cụ thể, gắn với nhiệm vụ, vị trí công việc được giao, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của cơ quan, đơn vị.
Sáu là, giao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tuyển dụng, trọng dụng cán bộ, công chức, viên chức, gắn thẩm quyền sử dụng với thẩm quyền tuyển dụng, qua đó, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, lựa chọn được đúng người có đủ năng lực, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu công việc.
Bảy là, cần bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để thực hiện chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài như: trả lương, thu nhập, xây dựng quy định hỗ trợ tài năng trẻ, khen thưởng, vinh danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng, ưu đãi về mua, thuê nhà công vụ, nhà ở xã hội…
Chú thích:
1. Thân Nhân Trung (1419 – 1499). Lại bộ Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội phụ chính, Tế tửu Quốc Tử Giám. Wikipedia Việt Nam.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 281.
3. Hồ Chí Minh. Sửa đổi lối làm việc. H. NXB Sự thật, 1995, tr. 68.
ThS. Đào Mạnh Hoàn, Viện Khoa học tổ chức nhà nước
Nguồn: quanlynhanuoc.vn